Ông Bảy Nghĩa lựa những lá sen đã già để làm tranh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ở cái tuổi 61, ông Lê Văn Nghĩa (Bảy Nghĩa) ở ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp đã quyết định tiếp tục với đam mê mỹ thuật từ bé, chọn cách thổi hồn vào những bức tranh với chất liệu từ lá sen và vỏ tràm - sản vật mà tạo hóa ban cho mảnh đất Sen Hồng để thỏa lòng mình và tô điểm cho nét đẹp của sen.
Với ông Nghĩa, tranh không đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà còn chứa đựng cái tâm của người làm ra chúng.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông Bảy Nghĩa kết hợp giữa lá sen và vỏ tràm - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thổi hồn người lên từng lá sen mục - Video: NGỌC PHƯỢNG
Hơn 3 năm trước, ông Bảy Nghĩa từ bỏ nghề thợ mộc và bắt đầu quay trở lại với tranh. Không người hướng dẫn, bằng sự yêu thích của bản thân và vốn kiến thức tích góp trong quân đội, ông tự mình tìm hiểu và tập tành làm nên bức tranh đầu tiên từ vỏ cây tràm.
Nhưng ông chưa hài lòng. Bởi, tranh từ tràm nhiều nơi khác cũng có, điều ông Nghĩa trăn trở là "mình phải làm thứ gì đó mang đậm nét quê nhà" và từ đó ông bắt đầu với lá sen.
Dù lá to hay lá nhỏ, miễn là lá già là ông Bảy tận dụng ngay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chia sẻ về nguyên nhân chọn lá sen chứ không phải một loại lá cây khác, ông Nghĩa nói "Nơi đây là xứ của sen, tôi dùng lá sen - chất liệu thiên nhiên ban tặng cho vùng Đồng Tháp để làm tranh, để khi sản phẩm có dịp đi xa, hoặc ai đó ghé lại đây và thấy tranh này là biết ngay đặc sản của quê tôi".
Để làm được một bức tranh từ sen cần ít nhất 8 công đoạn: chọn lá sen, phơi sương và nắng, cắt và ủi lá, phân loại, phát thảo, cố định lá sen lên nền phát thảo, phơi khô chỉnh sửa lần cuối, phủ keo và đóng khung.
Ban đầu, ông Nghĩa gặp nhiều khó khăn vì không biết cách xử lý tốt nguyên liệu, khiến bức tranh sau một thời gian ngắn đã biến dạng, ẩm mốc.
Lá sen sau khi được hái sẽ được phơi qua 5 -7 nắng và sương - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lá chọn phải là những lá già, đã chuyển màu xanh đậm hoặc sẫm, các sợi gân sẽ có độ dai hơn, lá cũng dày hơn dễ dàng cho việc sử dụng và khi xử lý lá bớt "nhót" mà vẫn giữ được nguyên trạng.
Lá sẽ được ông phơi từ 5 đến 7 nắng, đến khi lá chuyển sang màu nâu, sờ vào thấy lá khô nhưng vẫn còn chút đàn hồi là được.
Lá sen sau khi phơi khô sẽ bị teo tóp, ông Nghĩa ủi từng chiếc lá cho thẳng ra để dễ đưa lên tranh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sau khi phơi, ông Nghĩa tiến hành cắt lá thành miếng vừa và ủi sơ qua. Việc ủi lá có 2 tác dụng, một mặt là làm cho lá không quá nhăn để dễ dán vào giấy, mặt khác việc điều chỉnh nhiệt độ cũng khiến màu lá thay đổi phù hợp.
Tuy vậy, công đoạn này đòi hỏi người làm phải hết sức cẩn thận. Khi ủi, ông Nghĩa phải liên tục sờ vào lá xem độ nóng phù hợp hay chưa, vì nếu ấn mạnh tay quá, gân lá sẽ không còn nổi lên, nếu nhẹ tay thì lúc sau lá sẽ co trở lại khó dán cố định vào tranh.
Gân lá sen sau khi được vò ra - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để không bỏ phí nguồn nguyên liệu quê nhà, ông đã sáng tạo ra 4 loại tranh cơ bản: tranh từ các mảng lá sen, tranh từ gân sen, tranh từ các vụn của lá sen và cuối cùng là tranh kết hợp.
Phần vụn sen được sàng lại cho thật mịn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tranh từ gân sen và vụn lá sen khác với tranh vỏ tràm ở chỗ, khi phác thảo chỉ có thể vẽ thật nhạt một vài chi tiết quan trọng, không được vẽ lưới tỉ lệ, chỉ có thể vẽ trước ngoài giấy để thuộc lòng bức hình đến lúc dán vào tranh không bị sai mà theo đúng ý đồ của mình.
Tác phẩm sau khi dán xong sẽ được phơi nắng thêm 1-2 tiếng để keo khô, khi đó sẽ chỉnh sửa lần cuối, phủ keo và đóng khung thành phẩm.
Gân lá sen được xé nhỏ và cho vào keo sữa để tạo được độ kết dính khi đưa lên tranh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nghĩa chia sẽ "Điều khó nhất để làm ra bức tranh là việc khắc họa được cái thần, cái hồn của nhân vật" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những ngày mới bắt đầu làm tranh ông Bảy khắc họa chân dung cô Tuyết Nhung (người vợ quá cố) để tưởng nhớ cô - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chân dung ông Donald Trump được làm từ gân sen - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Chân dung danh hài Hoài Linh được làm từ vụn lá sen - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tranh từ lá sen khắc họa mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tranh vỏ tràm "Người phụ nữ Nam Bộ" - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận