![]() |
Mặt tiền ở chùa Tiêu |
Câu chuyện của 60 năm trước
Sư Đàm Chính trụ trì Tiêu Sơn tự và một số người có tuổi ở quanh vùng kể rằng: Khoảng 60 năm trước đã biết đến sự tồn tại của pho tượng táng vô cùng quý giá này.
Chuyện bắt đầu từ một người lính nghịch ngợm và liều lĩnh, một hôm vào chùa, đi tha thẩn cạnh ngôi tháp cổ (nơi táng hài cốt của các vị sư trụ trì chùa), gạch vữa đã bị mưa nắng thời gian làm long lở một góc. Tò mò, anh ta rút thử vài viên gạch sứt mẻ ở mặt chính của tháp. Một pho tượng gầy guộc hiện ra trong ánh sáng mờ mờ chiếu qua lỗ thủng. Nghi hoặc, anh ta lấy que chọc thăm dò. Vết thủng hiện nay bằng đồng xu bên mắt trái của pho tượng chính là hậu quả của hành động vô ý đó.
|

Thượng tọa Thích Gia Quang - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo VN: Phải có công phu, công quả khác thường mới tượng táng được.
Để có thể tượng táng được như thế cần nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là các Ngài biết được quy luật (nhà Phật gọi là tu chứng), có nhân duyên nhiều công quả và những công phu khác thường. Đồng thời phải hiểu rõ thời điểm nào mình sẽ viên tịch để mà có chế độ ăn thích hợp. Theo như các đệ tử kể lại, các ngài Nguyễn Khắc Minh, Nguyễn Khắc Trường (hai pho tượng táng ở Chùa Đậu) chỉ ăn rau và uống nước thanh thủy trong dăm, bảy tháng cuối đời, cho cơ thể được thanh sạch, nhẹ nhàng, tiêu hết các chất mỡ, cặn bã, và phải ăn càng ngày càng ít đi. Cuối cùng, các ngài ra đi khi vẫn đang thiền, chứ không phải là lúc mất rồi, đệ tử mới sắp đặt lại tư thế.
Sau khi viên tịch thân xác không hư hoại (dù không có bất cứ hóa chất gì ướp) thì gọi là chứng đắc (tu chứng thành công). Trong kinh Phật cũng có nói rằng nếu chứng đắc thì thân xác sẽ bất hoại. Như Ngài Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng trái tim Ngài vẫn còn nguyên, không bị cháy, bây giờ vẫn còn. Nhiều nhà sư tu hành đắc đạo, khi hỏa thiêu, thấy trong tro cốt những hạt xá lị óng ánh.
Sư Đàm Chính nhớ lại: "Khi ấy tôi 17 tuổi (hiện nay 76), về quê chơi, nghe dân làng kể chuyện, nên lên xem thử. Kiễng chân ngó vào chỉ thấy từ cổ pho tượng trở lên. Vẻ mặt Ngài bình thản lắm. Sau đó, để Ngài không bị quấy rầy, hòa thượng trụ trì lúc đó là Giác Linh đã cho xây bịt vào. Nhiều năm sau người ta mới sửng sốt vì phát hiện hai pho tượng táng đầu tiên ở VN tại chùa Đậu - Thường Tín - Hà Tây. Mấy chục năm qua nhiều quan chức, nhà khảo cổ về Tiêu Sơn tự (đào được nhiều hiện vật cổ đem trưng bày tại nhiều bảo tàng), nhưng chúng tôi và người dân quanh vùng chẳng ai nghĩ đến việc thông báo bí mật này".Pho tượng táng là của vị sư nào?
Vẫn theo lời kể của sư Đàm Chính, 40 năm trước, về trụ trì Tiêu Sơn tự, khi thấy cây hoang mọc quá nhiều trên thân tháp, bà bèn trèo lên dọn dẹp thì thấy lộ ra tấm bia gốm có dòng chữ bằng tiếng Hán: Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723, bia lập cùng năm (Thành Thái năm thứ tư triều Lê Dụ Tông). Giở khoa cúng ra, thấy tên sư Như Trí đứng thứ 15 trong danh sách các vị hòa thượng đã trụ trì Tiêu Sơn tự, vẫn được chùa cúng thỉnh.
Những thông tin này đã gây sự chú ý đặc biệt của đoàn công tác Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt ra bắc nghiên cứu về tổ Chân Nguyên - Yên Tử. Đoàn đã tìm được nhiều tài liệu cho thấy hòa thượng Như Trí cùng thời với nhiều vị Chân Nguyên - Yên Tử (cùng dòng NHƯ).
Trong Thiền Uyển Tập Anh (một cuốn sách cổ của Phật giáo VN, không những có giá trị về mặt lịch sử Phật giáo mà còn là tập truyện ký có giá trị văn học, triết học, văn hóa dân gian, ghi lại các tông phái thiền học và sự tích các vị thiền sư nổi tiếng cuối thời Bắc thuộc đến thời Đinh - Lê và đầu thời Trần) có ghi: "Hòa thượng Thích Như Trí... cùng các thiện nam tín nữ, đã đóng góp công của cho việc khắc in lại sách này vào năm 1715."
Hiện tại Tiêu Sơn tự còn lưu giữ bốn cuốn sách của hòa thượng Như Trí. Thân thế và nghiệp tu của ông còn cần phải làm rõ, nhưng bước đầu có thể thấy, ông là một nhà sư uyên thâm, đức cao vọng trọng.
Từ những dữ liệu trên, xác định pho tượng táng này rất quý giá, Đoàn công tác Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt khuyên sư Đàm Chính mở tháp, rước Ngài ra cho đệ tử được bái vong và chiêm ngưỡng, nếu cần thiết thì sửa sang lại.
Quả như dự đoán, theo đánh giá, di thể Ngài hư hại khá nặng. Rất may, xương ống tay, ngón tay vẫn còn nguyên vẹn, thuận lợi cho việc tu bổ pho tượng.
Theo các tài liệu ghi lại, Tiêu Sơn tự còn có một tên khác là chùa Thiên Tâm, là danh thắng nổi tiếng đồng thời là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa của VN.
Đây là chốn tu thiền, giảng đạo của nhiều bậc cao tăng và là nơi Thiền sư Vạn Hạnh, vị Quốc sư, người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn - vị vua khởi nghiệp triều Lý - trụ trì và viên tịch. Năm 1991, Nhà nước đã công nhận chùa là Di tích lịch sử - văn hóa.
Có một giả thiết khá thú vị: Trong chùa hiện vẫn còn hàng chục ngôi tháp đặt phần mộ các hòa thượng kể từ khi khởi dựng chùa đến nay, trong đó chỉ có một số ngôi được trùng tu, còn lại bên trong các ngôi khác, biết đâu cũng lại có trường hợp tượng táng nữa?
Hiện chùa chỉ còn lưu giữ được vài hiện vật quý, đáng chú ý nhất là tấm bia cổ có khắc những chữ lớn: Lý Gia Linh Trạch (hòn đá thiêng nhà Lý).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận