25/11/2007 07:44 GMT+7

Những bí ẩn được hé lộ

THANH TRÚC
THANH TRÚC

TT - Xuất bản tác phẩm đầu tay ở tuổi lục tuần và ngay lập tức tạo được tiếng vang, nhưng Khương Nhung - tác giả Totem Sói - vẫn là một bí ẩn lớn với nhiều độc giả. Ông từ chối chụp hình trong các cuộc phỏng vấn và lui về làm một người vô danh.

fVr9wkU7.jpgPhóng to
Khương Nhung (bìa phải) nhận giải thưởng tiểu thuyết dài tập do Nhà xuất bản Văn Nghệ Trường Giang, Bắc Kinh trao tặng năm 2005
TT - Xuất bản tác phẩm đầu tay ở tuổi lục tuần và ngay lập tức tạo được tiếng vang, nhưng Khương Nhung - tác giả Totem Sói - vẫn là một bí ẩn lớn với nhiều độc giả. Ông từ chối chụp hình trong các cuộc phỏng vấn và lui về làm một người vô danh.

Chỉ đến khi Totem Sói đoạt giải thưởng văn học châu Á lần nhất vào ngày 10-11 vừa qua, Khương Nhung mới gửi hai tấm ảnh chân dung cho ban tổ chức. Một bài viết đăng ngày 22-11 trên báo Guardian (Anh) đã hé lộ những thông tin lý thú về nhà văn có cuộc đời bí ẩn này.

Người đốt sách thành nhà văn nổi tiếng

Trong những tháng đầu của cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc giai đoạn 1966-1967, Khương Nhung từng gia nhập Hồng vệ binh ở Bắc Kinh, đi xét nhà, tịch thu và đốt bất cứ quyển sách nào được cho là phản cách mạng. Như nhiều người khác, Khương Nhung yêu kính chủ tịch Mao Trạch Đông và biết nghĩa vụ của mình. Nhưng chàng thanh niên 21 tuổi làm nhiệm vụ trong sự dằn vặt, bởi bản thân anh là một sinh viên nghệ thuật có niềm đam mê cháy bỏng dành cho văn chương.

Cuối cùng, Khương Nhung chọn cho mình con đường riêng, ngoài mặt vẫn làm theo phong trào nhưng tranh thủ giấu lại những quyển tiểu thuyết, đem về bổ sung vào bộ sưu tập truyện mà anh đã bí mật mua và cất giữ trong hai chiếc thùng lớn. Bốn mươi năm đã trôi qua, kẻ đốt sách, trộm sách và cứu sách ngày nào giờ đây đã trở thành một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng ở Trung Quốc.

Totem Sói không chỉ vượt qua rào cản kiểm duyệt khi lần đầu xuất bản cách đây ba năm, mà còn giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Trung Quốc. Dù vậy, nhà văn 61 tuổi này quyết định lựa chọn làm một người vô danh. Trước khi giải thưởng văn học châu Á được công bố, người ta hầu như biết rất ít về ông. Thậm chí các nhà phê bình đã cho rằng đây là "chiêu tiếp thị” của tác giả. Nhưng với Khương Nhung, đó là chuyện sống còn. Ông không muốn sách của mình bị cấm vì tác giả có một lý lịch "đặc biệt". Mãi đến khi giải thưởng văn học châu Á được công bố, bức màn bí ẩn về Khương Nhung mới được vén lên.

"Khi sách mới xuất bản, nó đã gây nhiều tranh cãi. Các nhà phê bình gọi tôi là người theo chủ nghĩa tự do, kẻ phản quốc, tên phát xít. Họ nói quyển sách phản động, phải bị cấm vì có mục đích chính trị xấu xa, kêu gọi chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản. Vì vậy tôi nghĩ nên che giấu danh tính của mình" - Khương Nhung tâm sự. Lúc đầu, Totem Sói chỉ phát hành ở mức khiêm tốn 20.000 bản. Nhưng giờ đây quyển sách đã bán được hơn 20 triệu bản ở Trung Quốc, chưa kể khoảng 10 lần số lượng đó là bản in lậu và phiên bản dành cho thiếu nhi".

Lý lịch đặc biệt

Khương Nhung tên thật là Lữ Gia Dân, sinh năm 1946 tại tỉnh Giang Tô. Bố mẹ ông từng là Hồng quân trong cuộc kháng chiến chống Nhật. Ông kể: "Tôi có tính yêu tự do cũng xuất phát từ mẹ của mình. Bà rất thích đi du lịch và chúng tôi chuyển chỗ ở nhiều lần. Bà tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây qua phim ảnh. Bà dẫn tôi đi xem phim mỗi tuần và mua cho tôi rất nhiều truyện thiếu nhi phương Tây".

Giai đoạn Cách mạng văn hóa, bố của Khương Nhung, một trưởng phòng làm ở bộ y tế, bị đấu tố, cách chức, bị đánh thừa sống thiếu chết. "Người ta không quan tâm đến sự thật. Họ chỉ soi mói những gì anh nói hoặc làm rồi dùng nó chống lại anh. Ở mỗi ban ngành người ta phải hạ vài người" - Khương Nhung kể. Năm 1964, ông viết một poster phê phán chiến dịch chính trị lúc bấy giờ. Đó là lần đầu tiên trong bốn lần trong đời Khương Nhung bị lên án tội "phản cách mạng". Ông từng bị người ta đánh hoặc ném đá vào người trên đường.

Năm 1967 ông đã xung phong đến vùng Đông Ô Châu Mục Thấm (Ujimqin) ở Nội Mông ngay khi chủ tịch Mao Trạch Đông phát động phong trào gửi trí thức về nông thôn.

Khương Nhung từ chối nói về khoảng thời gian 30 năm gần đây. Có những tài liệu cho rằng ông từng bị giam hơn ba năm và thoát án tử hình trong gang tấc vì đã phê phán nhân vật số hai trong Đảng Cộng sản là Lâm Bưu. Khương Nhung cũng từng sáng lập ấn phẩm Mùa xuân Bắc Kinh ủng hộ cải cách vào năm 1978, và giữ vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989. Sau sự kiện Thiên An Môn, ông bị giam 18 tháng. Khi được hỏi những chuyện đó có thật không, Khương Nhung chỉ đáp "Có”, ngoài ra không bình luận gì thêm.

Totem Sói - tác phẩm gây tranh cãi

Khương Nhung rất hào hứng khi nói về khoảng thời gian ông sống ở thảo nguyên Nội Mông. Totem Sói là tiểu thuyết, đồng thời là bài thuyết giảng, là công trình nghiên cứu nhân chủng học, nhưng có lẽ trên hết nó là một quyển tự truyện. Khương Nhung cho biết nhiều sự kiện trong sách dựa trên chính cuộc đời ông, từ việc đi lạc trên thảo nguyên và lọt vào một bầy sói, đến việc nuôi dưỡng một sói con.

Các nhà phê bình cho rằng Khương Nhung đã lãng mạn hóa thảo nguyên, vì theo họ, dân du mục thật sự thường bắn sói chứ không thờ phụng sói. Một số người lo ngại quyển sách tập trung quá nhiều vào vấn đề chủng loài, trật tự thiên nhiên và các cuộc tranh chấp. Nhưng với Khương Nhung, tác phẩm chỉ nói về một chủ đề, đó là tinh thần tự do.

Thay vì ảnh hưởng đến bề mặt chính trị, Khương Nhung muốn tập trung vào cái gốc văn hóa. "Tôi đang cố gắng ảnh hưởng đến nền tảng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng điều đó quan trọng hơn và hiệu quả hơn so với đối đầu trực tiếp".

THANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên