Cấu trúc da phân thành 3 lớp là thượng bì (ngoài cùng, rất mỏng và bán trong suốt), trung bì (nằm ngay bên dưới lớp thượng bì, dày hơn thượng bì) và hạ bì (lớp trong cùng, có nhiều mỡ). Da giúp bảo vệ các cơ quan của cơ thể, chống thoát nước và tổng hợp ra vitamine D. Da cũng là bộ phận dễ mắc một số bệnh như trứng cá, lang ben, chàm, mề đay...
Mụn trứng cá
Mụn trứng cá là bệnh lý của các nang lông - tuyến bã nhờn. Bệnh đặc trưng bởi lỗ chân lông tắc nghẽn, các nốt viêm tấy nhỏ một phần là do sự sản xuất quá mức chất bã nhờn.
Khi lượng chất bã nhờn và tế bào sừng chết quá nhiều, tích lũy tại nang lông, chúng thường cô đặc lại như một nút mềm. Nút này có thể hoàn hảo và tạo thành nhân trứng cá hoặc có thể không hoàn hảo và tạo thành nốt tàn nhang. Các nang lông đầy chất bã nhờn dạng nút này tạo điều kiện cho vi khuẩn Propionibacterium Acnes phát triển, phá hủy chất bã nhờn tạo thành các chất kích ứng da và gây viêm. Hiện tượng viêm này tạo ra các mụn nhỏ, các kén hoặc nốt.
Mụn trứng cá thường xuất hiện ở tuổi dậy thì (điển hình là 10 - 13 tuổi), khi mà chất Androgen (một loại hormone sinh dục nam) gia tăng ở cả hai giới tính. Hầu hết các trường hợp bị mụn trứng cá kéo dài từ 5 đến 10 năm.
Phương pháp phòng bệnh:
- Rửa mặt 2 lần một ngày bằng loại kem rửa phù hợp, không được rửa quá nhiều hoặc chà xát sẽ làm kích ứng da.
- Gội đầu thường xuyên bởi chất nhờn của tóc và gàu có thể ảnh hưởng đến mụn trứng cá.
- Tránh các chất kích thích, như tránh dùng các chất có dầu (gồm mỹ phẩm, kem chống nắng, keo xịt tóc...). Sử dụng các sản phẩm tan trong nước, không làm tắc lỗ chân lông. Nên dùng các sản phẩm mang dòng chữ "water based" (hợp với nước), "noncomedogenic" (không sinh mụn), "oil-free" (không dầu) hoặc "nonacnegenic"(không sinh mụn).
- Không để tóc châm vào mặt, không để tay hoặc bất cứ vật gì lên mặt, tránh quần áo chật và mũ chật.
- Không nặn mụn vì sẽ gây nhiễm trùng và tạo sẹo. Đa số mụn trứng cá sẽ tan biến mà không cần sự can thiệp này.
- Cạo râu và lông mặt cẩn thận vì dao cạo có thể "chọc giận" các thương tổn. Do đó chỉ nên thực hiện khi cần thiết và phải làm hết sức nhẹ nhàng.
Bệnh lang ben
Bệnh lang ben do một loại nấm men có tên khoa học là Pityrosporum Orbiculare gây ra. Những người cơ thể tăng tiết nhiều mồ hôi thường thuận lợi cho sự phát triển của nấm nên dễ mắc bệnh lang ben hơn những người khác. Vùng da dễ bị thương tổn thương là mặt, cổ, ngực, lưng.
Biểu hiện bệnh ban đầu là những chấm nằm ở các lỗ chân lông có màu trắng, nâu hay hồng. Các chấm này phát triển dần và liên kết lại với nhau thành mảng lớn có bờ vòng vèo, nham nhở, trông rất khó chịu.
Bệnh không gây đau, dễ chữa nhưng phải chữa nhiều lần vì bệnh rất dễ tái phát. Phòng bệnh bằng cách luôn tắm gội, vệ sinh thân thể sạch sẽ, không dùng chung khăn, quần áo, nhất là với người đang mắc bệnh này.
Bệnh Chàm (Eczema] và Chàm sữa
Bệnh Chàm (Eczema) có biểu hiện là nổi mụn nước, bong vảy và cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đây là một dạng viêm da không do nhiễm trùng, trừ các trường hợp bị bội nhiễm cần phải phối hợp với điều trị kháng sinh toàn thân hoặc tại chỗ. Trong các trường hợp bệnh kéo dài cần đến bệnh viện chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị.
- Bệnh Chàm sữa trẻ sơ sinh: Chàm sữa (còn gọi là lác sữa) thường gặp ở trẻ sau sinh đến trước 6 tháng tuổi. Thực ra, đây là giai đoạn khởi đầu của bệnh chàm thể tạng. Bệnh xảy ra do cơ địa dị ứng và có yếu tố di truyền, xảy ra ở những gia đình có người thân mang tiền sử dị ứng, bệnh chàm, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng...
Vị trí thương tổn thường thấy ở mặt, má và có tính đối xứng. Tổn thương này ban đầu là ban đỏ, sau đó phát triển thành mụn nước nhỏ, đỏ, nứt da và rịn nước; tiếp theo là đóng mày và tróc vảy. Khi trẻ lớn hơn, thường là sau 2 tuổi bệnh tự động biến mất mà không để lại di chứng gì. Nhưng nếu bệnh vẫn kéo dài đến hơn 4 tuổi thì chàm sữa đầu đời sẽ biến thành chàm thể tạng tồn tại suốt đời.
Thận trọng khi chủng ngừa, vì cơ địa trẻ bị dị ứng. Hàng ngày giữ cho da trẻ luôn khô thoáng và chỉ dùng các sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Việc điều trị cho trẻ phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nỗi khổ mề đay
Mề đay là loại bệnh dị ứng ngoài da khá phổ biến, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu. Về mặt cơ chế thì mề đay xảy ra do giãn các mạch máu nhỏ trên da làm giải phóng các chất hóa học trung gian của cơ thể. Biểu hiện của bệnh là ban đỏ ngứa trên da hoặc sẩn phù, ranh giới khá rõ, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm. Các biểu hiện này tồn tại vài giờ rồi nhạt màu dần, sau đó sẽ dần biến mất.
Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều. Trước hết là do cơ thể nhạy cảm với một chất kích thích nào đó nên bị dị ứng nổi mề đay. Các nguyên nhân khác bao gồm côn trùng đốt, cây cỏ, lông thú vật; nắng, nóng, lạnh, môi trường không khí nhiễm bụi bẩn, hóa chất; dị ứng với tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến, cá, thịt, trứng... Một số thuốc dùng có thể gây nổi mề đay thường gặp như Penicilline, Aspirine... hay các loại vắc xin chủng ngừa, các loại huyết thanh, truyền máu. Ngoài ra, yếu tố tinh thần như bực bội, phiền muộn hay lo lắng quá mức cũng tác động lên cơ thể gây ra bệnh...
Để phòng bệnh, tốt nhất nếu cơ thể bị dị ứng với yếu tố nào thì nên tránh, ví dụ ăn một loại thức ăn nào đó mà cơ thể bị nổi mề đay thì không được ăn nữa.
Bạch tạng và Bạch biến
Bệnh bạch tạng mang tính di truyền, gây giảm sắc tố đồng đều ở mắt, tóc và da. Người bệnh sợ ánh sáng, thị lực kém (do mống mắt và đáy mắt trong suốt không che chắn bớt ánh sáng được) và da rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
Ngược lại, bệnh bạch biến là bệnh giảm sắc tố da khu trú, mang tính tự phát với dấu hiệu là các dát trắng trên da, chứ không mang tính toàn thân như bệnh bạch tạng. Người mắc bạch biến thường thấy có các bệnh đi kèm như bệnh tiểu đường, thiếu máu, bệnh tuyến thượng thận hoặc tủy xương.
Cả hai bệnh bạch tạng và bạch biến đều không lây. Bệnh nhân cần phải được khám xác định và điều trị tại bệnh viện chuyên khoa da liễu. Tuy nhiên việc điều trị cả hai bệnh còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có phương pháp nào tỏ ra hữu hiệu như mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận