03/12/2006 21:55 GMT+7

Như ô cửa mở tới tình yêu...

Nguồn: Xuân Ba Tiền Phong
Nguồn: Xuân Ba Tiền Phong

Tôi có cảm giác cuối đời, cụ Kim Lân có thứ của nả mà càng để lâu càng phát lộ giá trị, ngoài con trai họa sĩ Thành Chương ra còn có người con gái rượu họa sĩ Nguyễn Thị Hiền...

W76krnVA.jpgPhóng to
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Tôi có cảm giác cuối đời, cụ Kim Lân có thứ của nả mà càng để lâu càng phát lộ giá trị, ngoài con trai họa sĩ Thành Chương ra còn có người con gái rượu họa sĩ Nguyễn Thị Hiền...

Rượu trên be chè đáy ấm (có người còn gọi rượu đầu be?), cái anh tây thì chả biết thế nào nhưng cái khoản rượu ngang, rượu lậu cất để lâu lâu đem ra mà nhâm nhi thì những ly càng gần cuối càng nồng đượm!

Sự đượm ấy na ná như những chung cuối của một ấm trà ngon. Tôi có cảm giác cuối đời, cụ Kim Lân có thứ của nả mà càng để lâu càng phát lộ giá trị, ngoài con trai họa sĩ Thành Chương ra còn có người con gái rượu họa sĩ Nguyễn Thị Hiền...

Dưng mà cũng phải nói cho ngay, là Nguyễn Thị Hiền cũng như Thành Chương đều biết vượt thoát khỏi những tiếng tăm cùng vùng rợp, bóng râm của cha mình, nhà văn Kim Lân.

Nói tóm lại cụ Kim Lân, hay thế (hay là may thế?) không làm cớm những người con bằng cái bóng của chính mình! Hình như trong nghiệp viết lách, có ối người, lạ thế, có vùng, có vẫy cách nào cũng chả thể vượt thoát được tên tuổi người thân, hoặc là của cha mình anh mình hoặc em mình?

Thử trích ngang một tiểu sử làm lụng, sáng tạo...

Mười tuổi, ấy là năm 1956, cô bé Nguyễn Thị Hiền đã nhận Giải thưởng Mỹ thuật tại Hungari, rồi mười bốn tuổi lại nhận Huy chương Bạc của triển lãm Mỹ thuật ấn Độ. Hồi ấy người ta gọi cô là thần đồng hội họa?

Rồi sau này, hình như Nguyễn Thị Hiền có số hóa khoa? Bằng chứng là sau hai lần ấy, lại đoạt tiếp các giải, lớn lẫn bé những là Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tranh thiếu nhi, Giải A của Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội của Đức của Liên Xô của Tiệp Khắc của Ba Lan và năm 1974 ở Tiệp...

4FLx27Tr.jpgPhóng to
Mầm sống, chất liệu tổng hợp 2006
Mười sáu lần tham gia triển lãm nhóm, mà đa phần ở nước ngoài như Nhật, Mỹ, Singapore, Đức... Triển lãm cá nhân duy nhất ấy là 2005 ở thành phố Hồ Chí Minh mang tên Dòng chảy.

Tranh của Nguyễn Thị Hiền, nhiều bức được lưu ở Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, Bảo tàng Cách mạng và được lưu giữ trong các bộ sưu tập cá nhân ở nước ngoài...

Một lần ngồi lâu lâu ở nhà cụ Kim Lân phố Hạ Hồi, nhân có nhắc về người con gái cả Nguyễn Thị Hiền và anh con trai thứ Thành Chương, lũ chúng tôi có gặng rằng, cái gien vẽ vời nhà này hình như đến đời con cái cụ mới phát?

Cụ Kim Lân chỉ thủng thẳng, cứ chiếu theo tộc phả mà xét thì chưa có cụ nào nổi danh cầm kỳ thi họa! Đến đời cụ, nhõn mỗi lần, phải (chứ không được) cầm bút để vẽ guốc sơn mài kiếm sống! Thế trong hai, cụ chăm bẵm ai, tóm lại là kỳ vọng ai nhất?

Mặc dù cụ cả cười là tất, nhưng tôi có cảm giác chị Hiền vẽ và có danh trước ông em mà hình như niềm hy vọng nhà này một thời đã trĩu về phía người con trai thứ Thành Chương? (có lẽ lựa một thời điểm thích hợp nào chăng, những bức thư của hai cha con Kim Lân - Thành Chương sẽ được công bố? Thành Chương khi ấy trong chiến trường bom đạn bời bời chết chóc sát sàn sạt mà hai cha con nhà này còn đủ sự tĩnh trí để nhiều lúc bàn về nghệ thuật bàn về hội họa?). Rồi một lần khác, thấy nhà văn lão thành có một thoáng thở dài cái Hiền nhà này giá như được vẽ một mạch...

Thì ra cụ đang se sắt, đang bộc bạch nỗi thương đứa con gái có tài mà long đong mà lận đận... Sau năm 1975 phải vào Nam kiếm sống. Cơm áo thời ấy đâu có đùa với những vẽ vời hội họa...

Nhưng có lẽ nhà văn Kim Lân thương con gái, đâm ra khiêm nhường chứ trưởng nữ của cụ đâu có đứt đoạn mà vẫn liền mạch cái đích ngắm hội họa trong muôn vàn phương tiện kiếm sống? Nhớ đận ngồi lâu lâu với chồng chị Hiền, anh Lê Dưỡng Hạo, một nhà nghiên cứu mỹ thuật đúng vào cái đêm cụ bà Kim Lân mất.

Hai vợ chồng vừa tất tả bay ở Sài Gòn ra. Đứt nối những chuyện gần chuyện xa, trang trải cho một đêm tang dài dặc ấy, hình như anh có nói những năm kiếm sống lử lả đó anh vẫn khuyến khích chị vẽ... Anh nói có lẽ mai kia vợ anh sẽ có một triển lãm cá nhân hoành tráng ở ngay tại Sài Gòn.

Nhưng anh Hạo đã không đợi được đến điều mai kia (năm 2005) khai mạc triển lãm Dòng chảy của vợ mà đột ngột ra đi bởi một cơn bạo bệnh! Anh cũng không đợi được đến cái ngày con gái anh chị, cháu Nguyễn Hiền Minh thành thân với một họa sĩ người Mỹ ngay tại phủ đệ của Thành Chương.

Một đám cưới có tới 30 người đằng nhà trai bên Mỹ bay sang. Cũng nói qua một chút sự phát lộ về đường hội họa của hậu duệ cụ Kim Lân. Cháu Hiền Minh có triển lãm cá nhân trước cả mẹ, vốn học Mỹ thuật TP.HCM.

Mày mò trên mạng thế nào đó, Hiền Minh thi đậu và được cấp học bổng một chương trình hội họa bên Mỹ thời gian là 5 năm! Năm năm ở xứ người thêm tự tin lẫn chững chạc ngành hội họa hiện đại đâu như nghệ thuật sắp đặt gì đó... Hậu duệ phát lộ?

Có lẽ cũng phải kể ra đây cả chuyện Phương Linh cháu nội cụ Kim Lân (con gái họa sĩ Đức, dân trong nghề vẫn quen gọi là Đức đồ cổ ). Phương Linh cũng đã theo học một chương trình mỹ thuật bên Mỹ tiêu chuẩn được cấp học bổng, lại theo tiếp một chương trình (cũng được học bổng) tại Viện Nghệ thuật Roma, Italia.

Hai chị em, Hiền Minh và Phương Linh đã có một cuộc hội ngộ thú vị bởi cả hai có chung một triển lãm tranh ở phủ (trang trại) của họa sĩ Thành Chương.

... Một bận họa sĩ kiêm dịch giả Dương Tường có chỉ cho tôi bốn bức chân dung (ba sơn dầu một sơn mài với bốn khổ khác nhau) mà Nguyễn Thị Hiền vẽ cha mình đã được in trong một ấn phẩm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. (Hình như Thành Chương cũng có mấy bức như thế?). Có chi lạ trong điều xưa cũ con vẽ cha? Họa sĩ Dương Tường lắc đầu khi tôi dẫn ra ý kiến của ai đó rằng, riêng khuôn mặt lẫn cái dáng của cụ Kim Lân đã là thứ trợ giúp đắc lực cho hội họa rồi!?

Chuyện thì dài nhưng hình như lần ấy ông phải cố dắt một kẻ ngoại đạo như tôi mon men mà vỡ vạc mà làm quen với những khám phá những sáng tạo những trữ lượng đằm thắm của cây cọ Nguyễn Thị Hiền...

Phố Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường/ Dù con người là cô đơn/ Cái ác là dày đặc/Mỗi bức tranh em/ Như một ô cửa/Mở tới tình yêu...

Được phép của họa sĩ, mấy dòng trên tôi trích ra là của thi sĩ Lưu Quang Vũ trong một bài thơ tặng Nguyễn Thị Hiền đã lẩu lâu...

Mỗi thời cảm nhận có mỗi khác? Nhưng hình như những gì thuộc về Nguyễn Thị Hiền là một diễn từ của tình yêu (chữ của Dương Tường).

Và ngày mai, 4-12-2006, vào lúc 16 giờ, Nguyễn Thị Hiền sẽ đến với công chúng bằng một diễn từ tình yêu trong triển lãm riêng mang tên Dòng chảy II tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nguồn: Xuân Ba Tiền Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên