Cuốn sách Nhớ và quên của Phạm Hồng Sơn và Ðặng Anh Ðào nằm trong mạch chảy hồi niệm ấy. Ðó là cái chung ở thể dạng viết. Nhưng lại có cái khác. Sách có hai phần. Phần đầu Nửa đời chiến trận là hồi ức của Phạm Hồng Sơn - một trung tướng từng kinh qua các chức vụ lãnh đạo cao cấp trong quân đội. Phần sau Vầng trăng khuyết là chân dung của Phạm Hồng Sơn do giáo sư văn học Ðặng Anh Ðào viết. Ðiểm đặc biệt ở đây: hai tác giả cuốn sách là vợ chồng, một đôi văn nhân - dũng tướng.
![]() |
Tập sách hồi ức và chân dung của Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào do NXB Phụ Nữ ấn hành - Ảnh: P.X.N. |
Hồi ức của Phạm Hồng Sơn là bản tiểu sử của một chàng sinh viên trường luật "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" từ tuổi 20, trải bao trận đánh ở cương vị cầm quân hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giờ tuổi gần 90 nghỉ tay gác kiếm thanh thản.
Ðó là bản phác họa con đường của một thế hệ tuổi trẻ mà nói như trung tướng Phạm Hồng Cư, người đồng đội, người anh em của tác giả, là thế hệ của lời thề độc lập năm 1945 và đến ngày 30-4-1975 đã giải được lời thề đó, hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng hồi ức của vị tướng nghiêng về chiến sự, chiến trận, vì ông là con người hành động, dẫu có nhiều nghĩ suy cũng giấu vào trong, ít bày ra con chữ. Người vợ của ông đã vì ông mà thay ông làm việc đó.
Chân dung Phạm Hồng Sơn được Ðặng Anh Ðào dựng nên từ những trang sổ tay ghi chép chiến dịch của chồng; từ những bức thư của vợ chồng, cha con thời chiến; từ những câu chuyện, mẩu chuyện thường nhật của người lính, người dân.
Tác giả ở đây thể hiện trong nhiều tư cách. Là người vợ yêu chồng, tự hào về chồng, kể lại một tình yêu thời chiến có lãng mạn, có thử thách. Là người viết sử chiến trận lần theo những tư liệu cá nhân của vị tướng chồng mình.
Là nhà văn dựng nhân vật có bút pháp, có chi tiết. Những chi tiết như trang ghi chép của Phạm Hồng Sơn khi nhận lệnh vào Nam năm Mậu Thân 1968, như hồi ức về một người đồng đội bị oan cuối cùng được giải oan "nhưng thể xác đã tan hoang"... vừa hé lộ lịch sử vừa khắc họa tính cách con người.
Cuốn sách vì thế đọc xong còn gợi "thòm thèm". Người đọc muốn tác giả có dịp thì hãy viết nhiều hơn nữa, kỹ hơn nữa, bởi vì hai tác giả là đôi vợ chồng có thẩm quyền và ở trong một đại gia đình có thẩm quyền viết được như vậy (đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Phạm Hồng Cư và trung tướng Phạm Hồng Sơn là ba người con rể của giáo sư Ðặng Thai Mai).
"Dẫu cuốn sách này phải có một Vĩ thanh thì cuộc đời vẫn đang xôn xao tuôn chảy, không bao giờ tắt lặng. Vầng trăng chỉ tròn có một ngày, còn suốt cả tuần trăng thường không viên mãn, nhưng ngắm trăng khuyết, nếu có buồn vẫn thấy đẹp", Ðặng Anh Ðào kết lại như vậy. Nhớ và quên, phần chân dung đắp bồi cho phần hồi ức, cả hai phần hợp lại làm thành một cuốn sách đọc vào biết việc biết người, gợi được những bâng khuâng nghĩ ngợi từ hôm qua và cho hôm nay.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận