Bạn có tin bức ảnh lung linh này được chụp từ điện thoại? - Ảnh: Phạm An Dương |
Những năm gần đây, với thì khả năng chụp ảnh trên chiếc điện thoại thông minh ngày càng tốt hơn và dần dần mọi người mang một bộ máy ảnh to đi du lịch, dã ngoại càng ngày càng ít đi. Nhiếp ảnh ngày càng phổ cập, ai ai cũng có thể giơ máy lên chụp. Chính vì vậy hiểu sơ qua về các tính năng trên máy ảnh và áp dụng một vài kỹ thuật nhiếp ảnh cơ bản sẽ giúp bạn có thêm nhiều ảnh đẹp từ chiếc máy ảnh tích hợp sẵn trên điện thoại.
Khả năng chụp ảnh của điện thoại đến đâu?
Đầu tiên và quan trọng nhất là bạn hiểu được chiếc điện thoại mà mình đang sử dụng có khả năng chụp ảnh như thế nào?
Đa phần máy ảnh trên các dòng điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android hay iOS đều có giao diện trực quan, đơn giản với bất kỳ người dùng nào. Ví dụ trên các máy Samsung Galaxy, Sony Z, LG G, iPhone... thì chế độ chụp mặc định là Tự Động (AUTO), các hiệu ứng như khẩu độ, tốc độ, cân bằng ánh sáng máy tự tính toán và bạn chỉ cần bấm nút chụp là xong.
Những chức năng chụp ảnh chuyên nghiệp để người dùng có thêm tùy biến khi sáng tác ảnh |
Một số máy có cài thêm chức năng chuyên nghiệp (PRO Mode) để người dùng có thêm khả năng tùy biến cho một số nhu cầu đặc thù. Để chụp chế độ này thì các bạn chọn trong menu giao diện của tính năng máy ảnh trên điện thoại. Đó là các cấp độ tinh chỉnh thông số chụp như chế độ chụp ảnh Phơi sáng (tùy chọn tốc độ màn trập từ 1 - 30 giây), chế độ chụp ảnh Chuyển động chậm (Slow-Motion), chế độ chụp ảnh Tua nhanh (Hyper-Lapsed), chế độ chụp ảnh Toàn cảnh (Panorama) hay chế độ chụp ảnh Xóa phông (Selective Focus).
Nếu bạn là người thích chụp ảnh tùy biến thì nên chọn các dòng điện thoại cao cấp sẽ có nhiều các tính năng này.
Một số thuật ngữ hay ký hiệu trên thanh công cụ của máy ảnh
Các thuật ngữ hay ký hiệu cơ bản trên thanh công cụ mà bạn cần biết - Ảnh: Phạm An Dương |
- Exposure Value (EV): tinh chỉnh độ sáng tối của đối tượng đang được ngắm chụp. Bạn ấn vào nút này để tiếp cận thanh trượt tăng giảm EV để làm chủ hoàn cảnh sáng. Chức năng này rất cần thiết khi bạn chụp ngược sáng, chụp ở nơi có nguồn ánh sáng mạnh chiếu vào (sân khấu).
- High Dynamic Range (HDR): Chế độ chụp ảnh ghép chênh lệch giữa 2 nguồn sáng tối để cho ra 1 tấm ảnh đẹp cân bằng giữa 2 nguồn sáng này. Bạn có thể bật tắt chức năng này trong chế độ chụp HDR On/ Off. Trước đây để chụp HDR rất mất thời gian vì máy xử lý ghép ảnh chậm. Tuy nhiên hiện nay trên những dòng điện thoại cao cấp như Galaxy S7, LG G5, Sony ZX thì chế độ HDR được để mặc định là Bật (HDR On) vì máy bây giờ đã xử lý rất nhanh các bức ảnh HDR rồi.
- Nút chuyển chế độ chụp bằng camera trước (selfie) hay camera sau.
- Chọn chế độ đo sáng theo trung tâm (Center-Weighted) hay Ma trận (Matrix metering).
- Chọn chế độ cân bằng trắng (White Balance).
- Flash On/ Off/ Auto: Bật tắt đèn flash hỗ trợ chiếu sáng cho đối tượng được chụp.
Hiểu rõ các chế độ mà camera điện thoại cho phép và sử dụng thành thục nó giúp bạn khai thác năng lực của chiếc điện thoại bạn đang có và nhanh nhạy bắt dính khoảnh khắc. Ví dụ như làm quen với các phím mở nhanh (như Galaxy là nhấn kép vào nút Home), nút chụp cứng (dùng Nút tăng giảm Volume để chụp).
Trước khi chụp nên có thao tác kiểm tra máy
Các bạn luôn lưu ý là khi lấy điện thoại trong túi ra, hãy kiểm tra xem mặt camera có bị bám bụi bẩn không, nếu có phải lau nhẹ bằng vải mềm. Bề mặt của ống kính camera điện thoại rất bé, nếu có hạt bụi hay dấu vân tay bám vào sẽ làm ảnh có thể mờ đục, hay lốm đốm vết bẩn.
Luôn giữ cho ống kính máy ảnh được sạch - Ảnh: Phạm An Dương |
Các kỹ thuật cơ bản để chụp một tấm ảnh đẹp nhé
Cầm vững máy
Luôn cầm chắc máy, nếu có thêm điểm tựa như lan can, bờ tường hay chân máy thì càng tốt. Nếu bạn chụp tốc độ chậm phơi sáng như chụp thác nước, đèn xe kéo thành vệt dài thì cần phải có bộ gá kẹp lên chân máy.
Bộ gá kẹp và chân máy mini cho điện thoại - Ảnh: Phạm An Dương |
Đo sáng
Trên màn hình thì cái chấm vuông nhấp nháy sẽ đại diện cho điểm đo sáng và lấy nét vật thể cần chụp. Bạn thử chạm vào nhiều vùng sáng / tối khác nhau, bạn sẽ thấy hình vuông đo sáng đó hoạt động (đo sáng và điều chỉnh ánh sáng toàn khung thay đổi khác nhau). Chú ý là đo sáng vào đâu sẽ kiểm soát được ánh sáng cho bức ảnh và thể hiện ý đồ chụp là rất quan trọng.
Bố cục ảnh
Bạn hãy tập làm quen khi mỗi lần đưa máy điện thoại lên, luôn bố cục theo tỷ lệ vàng 1/3 cho dù bạn chụp máy theo chiều ngang hay chiều dọc. Bố cục 1/3 là kinh điển trong nhiếp ảnh, tức là phân chia khung ảnh thành 9 phần bằng nhau với hai cặp đường thẳng ngang và dọc cắt khung hình với khoảng cách đều. Luôn để chủ thể ở đường cắt 1/3 trong khung ảnh.
Bố cục 1/3 là kinh điển trong nhiếp ảnh - Ảnh: Phạm An Dương |
Chọn hướng sáng
Trong nhiếp ảnh ánh sáng là quan trọng nhất. Bạn hãy tập xác định nguồn sáng (mặt trời, bóng đèn điện) đến từ đâu và tác động vào đối tượng chụp thế nào sau đó bạn sẽ quyết định chọn góc chụp nào để có được ánh sáng phản chiếu tốt nhất, ưng ý nhất cho khung ảnh. Thông thường ánh sáng xiên luôn cho hiệu ứng đẹp nhất vì bức ảnh của bạn sẽ nổi khối và có chiều sâu.
Ánh sáng xiên luôn cho hiệu ứng đẹp nhất - Ảnh: Phạm An Dương |
Đường chân trời
Đặt đường chân trời ở đâu? Một đường giao nhau giữa trời và đất thật tự nhiên để thể hiện chân trời chính là một trong các đường phân chia bức ảnh làm ba trong nguyên tắc 1/3, tức là đường 1/3 phía trên hoặc phía dưới, đừng để ở giữa bức ảnh. Tất nhiên quy tắc này vẫn có thể phá cách, nhưng trừ khi điều đó mang lại một tác dụng cực kỳ ấn tượng, còn không thì nguyên tắc này luôn luôn đúng.
Nên canh cho đường chân trời luôn nằm song song với khung ảnh. Bạn có thể bật thước (Grid line) lên màn hình để canh cho chính xác.
Đường chân trời 1/3 - Ảnh: Phạm An Dương |
Phá cách với đường chân trời nằm giữa - Ảnh: Phạm An Dương |
Khi đã nắm vững các kỹ thuật cơ bản này, các bạn tiếp tục theo dõi phần 2 để làm quen với các chế độ chụp nhé.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận