Chúng ta thử điểm lại một số sự kiện kinh tế nổi bật trong năm qua.
Kiềm chế lạm phát
![]() |
Vào tháng 4, trước tỷ lệ lạm phát tăng cao, Chính phủ đã đề ra nhóm tám giải pháp lớn để giảm thiểu tác động xấu đến nền kinh tế, bao gồm (1) Thắt chặt tiền tệ và tài khóa, (2) Cắt giảm đầu tư, chi phí không cần thiết, (3) Đẩy mạnh sản xuất, (4) Đảm bảo cân đối các mặt hàng chủ yếu, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, (5) Triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, (6) Quản lý bình ổn thị trường, chống đầu cơ, (7) Triển khai mở rộng các chính sách an sinh xã hội và (8) Điều hành thận trọng các công cụ như lãi suất cũng như dự trữ bắt buộc, điều chỉnh cơ cấu tín dụng, kiểm soát chặt việc cho vay, bảo đảm tính thanh khoản của các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Trong năm 2008, sau khi ba lần tăng lãi suất cơ bản mà mức cao nhất là 14%/năm vào tháng 6, kể từ hạ tuần tháng 10 Ngân hàng Nhà nước đã năm lần giảm lãi suất cơ bản, chỉ còn 8,5%/năm vào cuối tháng 12. Như vậy, mức lãi suất cho vay tối đa bằng đồng Việt Nam giảm xuống còn 12,75%. Từ việc đối mặt với khả năng mất tính thanh khoản, các ngân hàng đột ngột chuyển sang tình trạng thừa vốn, không cho vay được nhiều dù lãi suất đã giảm thấp.
Tạm ngưng xuất khẩu gạo
![]() |
Căn cứ theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tính toán thiếu chính xác của Bộ Công thương, Chính phủ đã ra quyết định tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, khi giá gạo thị trường thế giới đang tăng cao đến hơn 1.000 USD/tấn.
Hàng triệu tấn lúa hè thu và thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị ứ đọng do không có đầu ra. Đến khi Chính phủ giải tỏa lệnh cấm này vào tháng 7 thì cũng là lúc giá gạo thế giới sụt giảm mạnh, gạo ngon chỉ bán được 600 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam chào bán chỉ hơn 300 USD/tấn mà vẫn khó kiếm được hợp đồng.
Các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan
Tình trạng các doanh nghiệp nhà nước đầu tư tràn lan vào những lĩnh vực khác ngành nghề sản xuất và kinh doanh chính đã được Chính phủ lên tiếng báo động, qua phát biểu của Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại “Hội nghị đổi mới doanh nghiệp nhà nước” diễn ra hồi tháng 4-2008.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2007, số vốn đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty là gần 117.000 tỉ đồng, trong đó 28/70 tổng công ty có hoạt động vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm… với giá trị hơn 23.300 tỉ đồng. Tình trạng này tiếp tục trong năm 2008 đã làm phân tán nguồn lực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giữ vai trò chủ lực nền kinh tế của khối doanh nghiệp nhà nước.
Đưa vệ tinh VINASAT-1 vào vũ trụ
Việt Nam đã ghi tên mình trên bản đồ viễn thông không gian sau khi thành công trong việc đưa vệ tinh VINASAT-1 vào vũ trụ ở độ cao 34.000km vào ngày 19/4.
Với vệ tinh riêng của mình, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí khoảng 15 triệu USD/năm thuê vệ tinh của Thái Lan. VINASAT-1 đi vào hoạt động sẽ giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ vô tuyến - công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình của Việt Nam đến các vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Mở rộng thủ đô
Ngày 1-8 diễn ra một sự kiện lịch sử trọng đại đối với thành phố Hà Nội, khi bắt đầu từ thời khắc này, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chính thức hợp nhất tạo nên một Hà Nội mới với diện tích tự nhiên hơn 3.000 km2 (gấp 3,6 lần so với trước) và dân số hơn sáu triệu người (tăng gần gấp đôi).
Nghi án hối lộ tai tiếng
![]() |
Nghi án hối lộ liên quan đến Dự án Đại lộ Đông Tây tại TP.HCM được đưa ra ánh sáng khi bốn cựu quan chức của Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI) có trụ sở ở Tokyo bị phía Nhật truy tố vào ngày 25-8 về tội đưa hối lộ 820.000 USD cho quan chức Việt Nam là ông Huỳnh Ngọc Sĩ, giám đốc dự án này, để nhận được hợp đồng tư vấn cho các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Vụ tai tiếng trên dẫn đến hậu quả trước mắt là Nhật đã tạm ngưng cam kết các khoản vay ODA mới cho Việt Nam để chờ kết quả cuộc điều tra về vụ hối lộ. Chính phủ Việt Nam cho biết cương quyết xử lý nghiêm vụ này.
Cơn “đại hồng thủy” tại Hà Nội
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, cơn mưa lớn nhất trong 25 năm qua kéo dài liên tục suốt hai ngày khiến nhiều đường phố trung tâm thủ đô Hà Nội bị ngập sâu kéo dài hàng tuần lễ, làm giao thông bị tắc nghẽn và đời sống người dân chịu nhiều xáo trộn.
Cơn đại hồng thủy này gây hậu quả nghiêm trọng cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, làm 47 người thiệt mạng với thiệt hại ước tính lên đến vài ngàn tỉ đồng. Trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa. Nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng, 45.000 hecta diện tích cây trồng vụ đông bị ngập chìm trong nước, diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 hecta.
Đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng
![]() |
Đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng là một trong năm giải pháp cấp bách được đưa ra vào cuối năm nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó Chính phủ dự kiến dành khoảng 6 tỉ USD, trong đó có 1 tỉ USD lấy từ nguồn dự trữ quốc gia (hiện nay khoảng 22 tỉ USD).
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết Chính phủ sẽ sử dụng quỹ dự trữ của mình để đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tiến hành việc miễn, giảm, hoãn, chậm thu, nộp thuế đối với các doanh nghiệp, với mức ưu tiên miễn giảm nhiều hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Môi trường ô nhiễm nặng nề
Hiện nay có đến 70% khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau, cho thấy năng lực kiểm soát môi trường của chúng ta đã không theo kịp sự phát triển. Điển hình cho tình hình này là sự việc Công ty Vedan Việt Nam đã xả nước thải độc hại sau sản xuất xuống sông Thị Vải trong suốt 14 năm mới bị phát hiện.
Trường hợp khác là Nhà máy tàu biển của Tập đoàn Hyundai-Vinashin tại Khánh Hòa ngoài việc thải xỉ đồng Nix gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nhân dân trong vùng cũng như các loài thủy sinh còn bị bắt quả tang chôn trộm 60 tấn chất thải nguy hại sát khu dân cư.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, vượt quá sức chịu đựng của người dân là những “lô cốt” ngổn ngang, nguyên nhân chủ yếu của nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông tăng cao và mất mỹ quan đô thị. Đến giữa tháng 12/2008, toàn thành phố có 232 vị trí rào chắn trên 89 tuyến đường.
Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản sụt giảm
Trái ngược hoàn toàn với dự đoán của Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) Trần Đắc Sinh, khi trả lời phỏng vấn VNEconomy hồi đầu năm đã cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2008 sẽ tăng trưởng gấp đôi so với 2007, trên thực tế năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam có kết quả tồi tệ nhất tại châu Á. Chỉ số VN-Index tính tới giữa tháng 12 đã giảm gần 68% so với đầu năm.
Còn thị trường bất động sản thì sau những thời khắc sôi động của quý I đã giảm mạnh trong quý II rồi trầm lắng cho đến cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận