![]() |
Các nữ sinh viên đi mua sắm (ảnh minh họa) |
Hiện tượng lạ
Trong khi đa số sinh viên dồn toàn bộ trợ cấp của gia đình phục vụ việc học tập và bồi bổ sức khỏe, một số nữ sinh lại "ngốn" những khoản tiền đó vào mua sắm.
Gia đình khá giả nhưng Trà My vẫn sống khổ sở vì sở thích ưa ăn diện từ bé. Những ngày đầu xa nhà, theo lệ cũ nàng mua sắm thả phanh, quên mất khoản tiền ấy phải trang trải cho cả tháng. Nhiều lần như thế bố mẹ phải phàn nàn. Nhưng khốn nỗi, nàng chẳng thể ngừng việc mua sắm bởi cái mác "miss thời trang" bạn bè gán ghép.
Trà My đành lên kế hoạch "quản thúc bác dạ dày". Tiền bố mẹ gửi hằng tháng, nàng dành phân nửa để mua sắm! Còn vấn đề ăn uống nàng nghĩ: "Không quan trọng, chỉ cần hai bát cơm rau hoặc một tô mì tôm là đủ...". Bạn bè xì xầm: "Trà My kinh khủng lắm, nhịn cả ăn để đi shopping. Nhà giàu thế mà phải nhịn ăn để sắm sửa vậy là biết nó mua nhiều cỡ nào rồi! Lấy nó về mở shop áo quần mà chẳng phải nhập hàng...". Cô nàng nghe thế liền đính chính: "Tớ không nhịn ăn để đi shopping. Tớ đi shopping xong - nghèo - không có tiền - ăn ít lại - dáng đẹp - mặc đồ đẹp - đi shopping...". Bạn bè chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu!
Diệu Hương, Thu Hà, Ngọc Huyền sống cùng một phòng trọ. "Lương" bố mẹ gửi hằng tháng chỉ 700.000 đồng nhưng ba cô nàng vẫn có tiền mua sắm. Các nàng tính toán chi li: 150.000 đồng tiền nhà/tháng/người, 200.000 đồng tiền ăn, còn 350.000 đồng dành cho mua sắm.
Đầu tháng, tam cô nương hí hửng dẫn nhau đi chợ, lượn shop... rồi xách về một lô áo quần. Huyền vui sướng khoe tháng trước sắm hai chiếc áo, đôi giày, một chiếc quần jean... Mua sắm thoải mái vậy nhưng bữa ăn của các nàng thật thê thảm: "nói không với các loại thịt", mỗi ngày chỉ 2.000 đồng mua tép "coi như tôm, cũng cung cấp đủ canxi", 3.000 đồng mua rau nấu canh, 4.000 đồng mua cá ăn cả ngày... thế là sống được. Hà biện bạch: "Phom mình thế này cũng tạm ổn rồi, ăn vào cũng không béo ra hay cao thêm, chi bằng để dành tiền "make up" cho bản thân vậy...".
Phương Nhung lại khác, hoàn cảnh gia đình chẳng dư dả gì. Cô sinh viên nghèo suốt ngày "giật gấu vá vai", làm thêm ở quán cà phê buổi sáng, dạy thêm buổi tối... Những tưởng vất vả sẽ làm cô quý trọng đồng tiền hơn, nhưng cứ dành dụm một hai tháng cô lại dồn cả cho việc mua sắm mà chẳng thèm để ý đến việc đói no, chỉ cần có nhiều áo quần mới là được.
Cô bộc bạch: "Mình hơi mập, nhịn ăn một chút để mua sắm người sẽ nhỏ gọn lại, có áo quần đẹp bằng chị bằng em... thế thì còn gì bằng". Từ một sinh viên "quần tây, áo trắng, dép xăngđan", giờ cô hiểu tường tận các xu hướng thời trang mới. Shop nào bán giá mềm, mẫu mã nào đẹp, loại vải nào tốt,... cô nắm vững như học đúng chuyên ngành.
Hậu mua sắm
Sau những bộ cánh mới liên tục và những bữa cơm thiếu chất trầm trọng, sức khỏe của các nàng nhịn ăn dành tiền mua sắm cũng "đầu hàng". Trà My vẫn được bạn bè gọi là "miss thời trang" nhưng dáng người khá chuẩn giờ chẳng còn. Hầu hết các nàng quên mất việc coi trọng sức khỏe nay đã ốm tong teo, da xanh như tàu lá... Ăn chẳng dám ăn, mua sách vở phục vụ học tập trở thành chuyện viễn tưởng. Thế là đồng nghĩa với việc giảm sút sức khỏe, học lực của các nàng cũng đặt chuông báo động.
Mua sắm mãi thành quen, nhiều nàng mắc hội chứng "nghiện" mua sắm. Tháng nào tam cô nương Hương, Huyền, Hà không đi chợ hay lượn lờ các shop áo quần, tháng ấy các nàng bứt rứt không yên. Hà rầu rầu kể: "Có tháng kẹt quá không mua sắm gì được, ba đứa vào siêu thị ướm bộ này đến bộ kia, bỏ vào giỏ đem ra tính tiền... Rồi sực nhớ chẳng còn tiền để mua đành trả lại...".
Chạy theo thời trang nên áo quần các nàng ngày càng nhiều hơn. Sợ bố mẹ mắng, hầu hết các nàng tìm lý do: "Bạn bè con tặng đấy", "Cái X,Y, Z... mặc không vừa nên cho lại", "đồ cũ, rẻ lắm". Thậm chí, có nàng còn đem áo quần quẳng vào sọt rác hay bán đồ cũ với giá rẻ như bèo. Lý do "xác đáng" là: "Có bỏ áo quần cũ mới mua được áo quần mới".
Trước đây, bạn bè rất khâm phục nghị lực của Nhung. Từ ngày thấy cô nàng "mốt này mốt nọ”, làm thêm nhiều lại nhịn ăn dành tiền mua sắm... bạn bè sinh dị nghị, có người xỏ xiên: "Ăn cơm muối mà bày đặt sắm cho lắm vào, thành ma đói có ngày". Đợt nào về nhà bố mẹ Nhung cũng thấy áo quần của con gái sành điệu và thay mới liên tục. Ông bà sinh nghi, sợ con gái làm nghề không chân chính, tra hỏi mãi nàng mới thú thật nguyên nhân xuất hiện của những bộ cánh đẹp. Bố mẹ nàng vừa giận vừa thương con, mặt buồn rười rượi...
"Nhịn ăn, mua sắm" - chuyện tưởng xưa nay hiếm nhưng hiện nay đã và đang xuất hiện trong suy nghĩ không ít người. "Tớ nghĩ sức khỏe là vốn quý nhất. Có sức khỏe mới học tập tốt, cơ thể khỏe mạnh... Áo quần đẹp cỡ nào khoác lên mình người không có sức khỏe cũng xấu cả” - Trang (ĐHSP Huế) tâm sự. Giá những nàng "xem chuyện mặc lớn hơn chuyện ăn" nhận thức được điều đó...
Áo Trắng số 30 (ra ngày 15-8-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận