07/06/2006 15:07 GMT+7

Nhiều trường THCS bán công xin trở về công lập: Thoát vòng "luẩn quẩn"

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Quy mô các trường bán công (BC) bậc THCS ngày càng thu hẹp, từ gần 40 trường giảm xuống còn 24 trường năm học 2005-2006.

hNzpflxZ.jpgPhóng to
Học sinh Trường THCS BC Cù Chính Lan, Bình Thạnh (trường sẽ chuyển sang công lập thuần túy năm học 2006 - 2007) trong giờ học

Đã thế, nhiều phòng giáo dục của TP.HCM lại đang xin chuyển các trường BC trở lại mô hình trường công lập (CL) thuần túy chứ không sang CL tự chủ tài chính (TCTC). Điều gì đang xảy ra?

Niềm vui trở về công lập

“Đối tượng học sinh nghèo ở trường BC chiếm tỉ lệ khá lớn nhưng các em phải đóng tiền cao gấp mấy lần CL. Giáo viên (GV) thuộc biên chế nhà nước lại không được hưởng khoản phụ cấp đứng lớp 35% lương như GV CL. Chế độ thâm niên coi như không có. Do vậy, tất cả GV đều mong muốn trường trở lại CL như trước kia. Điều này sắp thành sự thật rồi”, ông Lý Văn Ru, Hiệu trưởng Trường THCS Kiến Thiết (quận 3, TP.HCM) phấn khởi nói.

Không chỉ có quận 3 đang đề xuất cho Trường Kiến Thiết thành trường CL thuần túy (học phí 15.000 đồng/tháng, trong khi học phí của trường CLTCTC lên đến 90.000 đồng/tháng) mà nhiều nơi cũng đã có kế hoạch trình HĐND quận chuyển những trường BC có cơ sở vật chất yếu kém trở về CL như trước.

Quận Bình Thạnh đề nghị chuyển 3/4 trường BC là Yên Thế, Cù Chính Lan và Điện Biên thành CL thuần túy. Năm học 2005-2006, quận Phú Nhuận cũng đã chuyển 2/3 trường THCS BC là Châu Văn Liêm và Sông Đà về lại CL. Năm học tới 2006-2007, quận cũng chuyển nốt THCS BC Ngô Mây về CL thuần túy.

Mô hình BC kéo dài hàng chục năm qua vốn nằm trong vòng luẩn quẩn: thu không đủ chi, chất lượng đầu vào thấp, học sinh đóng tiền cao nhưng học tập ở môi trường không có sân chơi, cơ sở vật chất thiếu thốn. Ngay cả Sở GD-ĐT cũng thừa nhận những bất cập của BC: Mức học phí BC tăng không đáng kể, trong khi ở khu vực CL mức lương tối thiểu tăng nhiều lần (từ 140.000 đồng lên 290.000 đồng) đã làm ảnh hưởng đến thu nhập và hoạt động giảng dạy ở trường BC.

Chính vì thế, các quận đã quyết định chuyển các trường BC có cơ sở vật chất yếu kém, không thu hút học sinh về nguyên gốc. Trường nào được chuyển về CL cũng mừng vui. Một GV Trường THCS Trương Công Định, trường THCS BC duy nhất của quận Bình Thạnh từ năm học 2006-2007, ao ước nói: “Giá mà trường tôi cũng được trở về CL để trường khỏi phải mòn mỏi xin cấp bù kinh phí trả lương cho GV”.

Lợi cả đôi đường

Việc chuyển đổi các trường THCS BC sang CL có làm nặng gánh ngân sách của địa phương? Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các phòng giáo dục khẳng định:

Đẩy mạnh xã hội hóa là cần thiết, song đẩy mạnh ở đâu, nơi nào thì cần phải có chiến lược và bước đi thích hợp. Hiện ngân sách giáo dục của quận vẫn có thể đảm đương được chi phí cho hoạt động của các trường này.

Ngoài các trường kể trên, toàn thành còn 12 trường THCS BC chuyển sang CLTCTC: THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1); Phan Sào Nam (quận 3); Chi Lăng (quận 4); Lý Phong, Mạch Kiếm Hùng (quận 5); THCS Hậu Giang, THCS Lam Sơn (quận 6); Cách Mạng Tháng Tám (quận 10); Trương Công Định (Bình Thạnh); Trường Sơn, Thông Tây Hội, Lý Tự Trọng (Gò Vấp).

Thực hiện tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi 2005 từng bước xóa bỏ mô hình BC, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề án của Sở GD-ĐT: chuyển 93 các cơ sở giáo dục BC mầm non, tiểu học, THCS, THPT sang mô hình CLTCTC.

Các trường này sẽ hoạt động theo cơ chế tài chính “đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên”. Nhưng nhiều quận đồng loạt và đồng lòng chuyển các trường THCS BC trở về CL thuần túy.

Thoạt nhìn, điều này có vẻ đi ngược với chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, ở một phương diện rộng hơn, khi trở về CL, học sinh không chỉ đóng học phí với mức thấp mà nhà trường còn được lợi nhiều thứ: đầu vào không phải “vét”, lại tuyển sinh có điểm chuẩn tương đối tốt. Sĩ số HS/lớp không đông, GV ít vất vả và có nhiều thời gian chăm lo cho các em hơn.

Đặc biệt, GV được hưởng lương theo chế độ hiện hành. Các quận cũng sẽ giảm tỷ lệ nghỉ, bỏ học, lưu ban, giữ vững tỷ lệ phổ cập giáo dục đúng độ tuổi cũng như sớm hoàn thành công tác phổ cập trung học. Vì những lý do trên mà quận 11, quận Tân Bình… đã chuyển hết trường THCS BC sang CL thuần túy.

Ông Hồ Hoàng Minh, Phó phòng Giáo dục quận Tân Bình, cho biết: “Trong năm học mới 2006-2007, tất cả học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học được chuyển thẳng vào lớp 6 CL. Công tác tuyển sinh của quận sẽ cực nhọc hơn, phụ huynh có thể sẽ so bì vì sao con em không được vào Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, THCS Ngô Sĩ Liên (2 trường có tiếng của quận Tân Bình - PV). Nhưng chúng tôi thấy thanh thản trong lòng.

Mô hình trường CL thu tiền cao chỉ thành công khi trường có cơ sở vật chất tốt, uy tín. Chúng tôi đang cố gắng thu hẹp khoảng cách chất lượng giữa các trường CL lâu năm và các trường BC mới chuyển sang CL. Chẳng hạn “đầu ra” tốt của Trường Tiểu học Bành Văn Trân sẽ phân tuyến và giúp nâng cao chất lượng cho Trường THCS Tân Bình (trước kia là BC)”.

Còn ông Ninh Văn Bình, Trưởng phòng GD quận Phú Nhuận, khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng một ngôi trường mới khang trang, hiện đại để thực hiện mô hình CLTCTC”.

Xây dựng thương hiệu và đầu tư chất lượng giáo dục cho các trường CLTCTC cũng là để đảm bảo sự sòng phẳng với người học: bỏ tiền cao để hưởng thụ môi trường giáo dục tốt. Tuy nhiên, các trường BC, với những khó khăn cũ nếu không được khắc phục, khi chuyển sang mô hình mới - CLTCTC - cũng sẽ chỉ là trường CL hạng 2.

Do đó, việc UBND và phòng giáo dục các quận chấp nhận cho các trường THCS BC trở về CL chính là sự giải thoát khỏi vòng luẩn quẩn lâu nay của loại hình này

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên