"Người ngủ thuê": giải nhất Văn học tuổi 20 lần 5
Tuổi 20 trăn trở và... huyền ảo
28-8: trao giải văn học tuổi 20
Nhật Phi xúc động khi thấy trên màn hình lễ trao giải tên tác phẩm đoạt giải nhất Người ngủ thuê - Ảnh: Thái Học Sinh |
Tác giả 9X Nhật Phi chắc cũng không ngờ mình lại mỏi tay ký tặng quyển sách đầu tay... trong “tình cảnh” bàn tay vẫn chưa hết run vì xúc động.
Tuổi Trẻ đã kịp có cuộc trò chuyện với chàng trai 9X (tên thật là Đỗ Minh Quân, hiện đang là sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội) ngay trước khi anh vào TP.HCM dự lễ trao giải.
* Nghĩ ra một câu chuyện mang những yếu tố giả tưởng về chàng trai làm nghề ngủ thuê, đúng là một ý tưởng thú vị...
- Mình đọc nhiều truyện Nhật, và thấy họ khai thác nhiều yếu tố giả tưởng để nói về cuộc sống thực tại, như các tác phẩm của Osamu Tezuka và Fujiko F. Fujio... Tình cờ một lần nói chuyện với bạn mình, bạn ấy kêu là mệt quá, buồn ngủ quá. Lúc đó mình lại rảnh quá. Bạn mình bảo rằng nếu bây giờ mình ngủ thay bạn ấy được, và truyền năng lượng cho bạn ấy để bạn ấy không cần phải ngủ nữa thì tốt quá. Vậy là mình có ý tưởng viết truyện ngắn Người ngủ thuê. Sau đó, mình “mở rộng” truyện ngắn ấy thành cuốn sách này để gửi tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20.
* Những chất liệu nào được bạn sử dụng để bồi đắp cho việc “mở rộng” ấy?
- Khá nhiều khung cảnh trong truyện được lấy cảm hứng từ cuộc sống thực tế mà mình đã chứng kiến. Đoạn Phi trong truyện gặp lại người bạn cấp III, đi ăn rồi nói chuyện là mình lấy từ việc một lần mình nghỉ học khoảng mấy tháng thì có người anh gọi mình ra nói chuyện và nói một câu nguyên văn như trong truyện: “Tao gọi mày ra đây vì chuyện ấy đấy”.
Nhân vật chính trong câu chuyện được lấy cảm hứng từ người bạn thân của mình. Bạn mình cũng làm nghề vẽ tranh, cũng là người thường hay nhìn sang cửa sổ nhà đối diện của cô hàng xóm. Một phần khác của cuốn sách là những yếu tố giả tưởng, như việc gắn connector truyền năng lượng giấc ngủ từ người này sang người khác; cô gái Q. bận rộn đến nỗi quên cả cách ngủ như thế nào...
* Vì sao những nhân vật trong truyện dù có tên thật hay không, nhưng đều được gọi bằng ký hiệu J, K, Q...?
- Cách đặt tên nhân vật như vậy mình học được từ một vài tác giả. Có lẽ cuốn gần nhất là Tôi có quyền hủy hoại bản thân của tác giả Kim Young Ha, người Hàn Quốc. Trong đó, ông cũng đánh dấu tên nhân vật bằng chữ viết tắt, hoặc bằng ký hiệu nào đấy.
Mỗi tên viết tắt chứa suy nghĩ của mình về một nhân vật nào đó mà mình đã đọc: Nhân vật H. là viết tắt của nhân vật Horiki, một người thực dụng trong tiểu thuyết Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, nhân vật Y. là viết tắt của tên nhân vật Yoshiko - một cô gái rất ngây thơ - cũng trong tiểu thuyết đó. Mình đã cố gắng lược tên thật của nhân vật, để sau khi đọc xong cuốn sách, người đọc sẽ nhớ đến những tên ký hiệu mà mình dùng.
* Có thể coi cuốn sách là bài học về thời gian hay sự trăn trở của những người trẻ đang quẫy đạp để thoát khỏi giấc ngủ dài về với thực tại cuộc sống?
- Qua câu chuyện của Phi, mình muốn đặt vấn đề: người ta phải ứng xử như thế nào với thời gian của mình. Người ta ai cũng bị ám ảnh về thời gian. Nhưng tại sao có người quá thừa thời gian, có người lại rất thiếu thời gian? Trong truyện, mình đưa ra nhiều cách người ta sử dụng thời gian. Mình không nói cách nào đúng, cách nào sai. Mỗi người sẽ có cách dùng thời gian riêng, để người ta cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa.
Truyện cũng là sự hoang mang của giới trẻ hiện nay. Người trẻ đang cố gắng để bước ra khỏi những giấc ngủ triền miên, trở về cuộc sống thực tại. Như lời đề ở bìa gấp mình có viết: “Muốn viết một câu chuyện đơn giản, tràn đầy sức sống, khát vọng và trí tưởng tượng. Cuối cùng lại toàn viết ra những thứ loằng ngoằng đầy hoài nghi và hoang mang”.
* Điều gì khiến một người trẻ thế hệ 9X trở nên hoang mang đến vậy?
- Mình cảm giác như xã hội đang góp phần đẩy người trẻ đến những giấc ngủ chán chường như thế. Mình được biết nhiều cử nhân ra trường không có việc. Đây không hẳn là lỗi của sinh viên. Nó là câu chuyện người trẻ được sinh ra, lớn lên rồi lại bị bỏ rơi như những chú mèo con.
Trong truyện, nhân vật Q. nói với Phi: “Chúng ta cùng đang không sống cuộc sống của chính mình”. Mình nghĩ đây là tình trạng mà nhiều người đang gặp. Khi còn nhỏ thì phải đảm bảo “tiêu chuẩn” lúc nhỏ, khi lớn lên thì phải đảm bảo “tiêu chuẩn” khi lớn.
“Tiêu chuẩn” đó thường do người khác đặt ra cho mình. Nhiều người trẻ hiện nay đang không được sống cuộc sống của chính mình: thi trường nào, học ngành gì, ra trường làm việc gì, thậm chí là lấy ai... luôn được bố mẹ hoặc người thân sắp đặt sẵn.
Cần phải có xã hội không tạo ra những thế hệ người sống theo kiểu chán chường, chìm trong giấc ngủ. Một xã hội tốt là xã hội sẽ không có những người thiếu thời gian và những người có quá nhiều thời gian để cho đi. Thời gian nên được cân bằng cho mỗi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận