Phóng to |
Nhiều huy chương vàng, huy chương bạc FIAP có chung khuôn mẫu - Ảnh của nhiều tác giả |
Kể từ năm 1991, khi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN trở thành thành viên của FIAP, đã có nhiều ngộ nhận về giá trị những giải thưởng FIAP, tước hiệu FIAP mà các nghệ sĩ VN đoạt được, cũng như ảnh hưởng của FIAP đối với nhiếp ảnh thế giới.
Tính nghiệp dư của FIAP
FIAP là tên viết tắt của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế, tiếng Pháp: Fédération Internationale de l’Art Photographique. Hoạt động nhiếp ảnh của liên đoàn chỉ là một kiểu chơi tài tử, không phải là một nghề. Trên trang web của FIAP có ghi: “Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới” - La photographie amateur à travers le monde.
FIAP là tổ chức phi chính phủ, phi chính trị, phi lợi nhuận. Hiện FIAP có 100 hiệp hội các nước thành viên ở năm châu lục, trong đó có VN. Ngoài một trang web www.fiap.net, mãi tới tháng 4-2006 FIAP mới có trụ sở chính là 37 Chanzy, 75011 Paris, Pháp. Tính đến nay VN có hơn 160 nghệ sĩ nhiếp ảnh được FIAP phong các tước hiệu: Hon.E FIAP, ES.FIAP, E. FIAP/b, E.FIAP, A. FIAP và có một nghệ sĩ nhiếp ảnh mới được phong M.FIAP.
Phạm vi của một sân chơi “tài tử”
Thông qua những cuộc thi ảnh nghệ thuật do FIAP bảo trợ, thấy rõ một khoảng cách về uy tín và “quyền lực” so với các cuộc thi ảnh nghệ thuật của các tổ chức và tập đoàn nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nói riêng. Vì FIAP là “nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới” nên các cuộc thi do FIAP bảo trợ hướng về những vẻ đẹp chung chung, mang tính nhân văn nhưng không có tác động, ảnh hưởng nhiều đến xã hội... Ảnh hưởng, uy tín của FIAP không ra ngoài phạm vi một sân chơi ảnh nghệ thuật lớn mang tính nghiệp dư của những tay máy tài tử.
Nghị quyết của Đảng đã cảnh báo nguy cơ “nghiệp dư” trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp ở ta. Trên thực tế, việc tự làm “nghiệp dư hóa” chính mình, hạ thấp giá trị thật sự của nhiếp ảnh VN - vốn được biết đến qua nhiều tác phẩm thành công trong chiến tranh - đang là một nguy cơ có thật. Tất nhiên điều đó không chỉ xảy ra trong lĩnh vực nhiếp ảnh. |
Các cuộc thi của FIAP cũng không hề được nhắc đến trong các tạp chí nhiếp ảnh nổi tiếng như Rangefinder, Photo District, Picture Magazine, Communication Art (Mỹ), Creative Review (Anh), Eyemazing (Hà Lan), Zoom (Nga)... Tóm lại, ảnh hưởng của FIAP không có gì đáng kể trong nền công nghiệp nhiếp ảnh thế giới.
Ngược lại, các cuộc thi ảnh danh giá trên thế giới đều có phân biệt rõ chuyên nghiệp và nghiệp dư, với mục đích hướng các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư phấn đấu thành chuyên nghiệp và đưa các tài năng nhiếp ảnh chuyên nghiệp ra ánh sáng.
Sony World Award Photography (Anh) phân ra giải nhất khu vực chuyên nghiệp là 25.000 USD, nhưng nghiệp dư chỉ có 5.000 USD. Các cuộc thi khác của IPA (Mỹ), PX3 (Pháp), cuộc thi sáng tạo London, cuộc thi hằng năm của các trung tâm nghệ thuật đương đại lớn của Anh, Mỹ, các tạp chí nghệ thuật hàng đầu Mỹ như NY Art Magazine, Color, Popular Photography, American Photo..., các hội chợ, liên hoan ảnh danh giá như Foto Espana (Tây Ban Nha), Arles (Pháp) đều có tầm ảnh hưởng và quy mô vượt xa FIAP. Trong các cuộc thi đó, giám khảo đều là những nhà giám tuyển (currator), nhà nhiếp ảnh, giám đốc hình ảnh - mỹ thuật, sáng tạo từ các tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới.
Về thực chất FIAP không phải là thước đo trình độ, đẳng cấp của những nhà nhiếp ảnh. Tước hiệu được phong của FIAP cũng chỉ có giá trị trong khuôn khổ sân chơi FIAP. Và điều quan trọng là FIAP không có “lực hút” đối với truyền thông quốc tế, cũng như tạo ảnh hưởng đến các xu thế ảnh nghệ thuật thế giới.
Ngộ nhận về thành tích
Không phải nghiệp dư là kém, nhưng nghiệp dư không phải là chuyên nghiệp. Ở đây chuyên nghiệp không chỉ hơn nghiệp dư ở chỗ thu nhập chính là từ nhiếp ảnh, mà còn có nghĩa tay nghề phải đạt mức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp về ý tưởng, về khả năng thực hiện để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao, tác động mạnh mẽ tới xã hội...
Thế nhưng suốt gần 20 năm nay, kể từ khi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN là thành viên của FIAP cùng hàng ngàn giải thưởng trong các cuộc thi do FIAP (và PSA - Hiệp hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ, cũng là một tổ chức nghiệp dư) bảo trợ, rất nhiều sự ngộ nhận về thành tích nhiếp ảnh nghệ thuật VN, đánh đồng thành tích ở FIAP với thành tích thế giới, đẳng cấp quốc tế.
Có hai giải thưởng quốc tế danh giá hằng năm về nhiếp ảnh được giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp đánh giá cao là giải ảnh của Tổ chức World Press Photo (Hà Lan) và giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) lại ít khi được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN nhắc đến như một mục tiêu để nhiếp ảnh VN phấn đấu hướng đến. Chúng ta có nhiều nghệ sĩ đoạt hàng trăm giải quốc tế, nhưng tất cả đều là giải thưởng FIAP (và PSA). Trong báo cáo thành tích các nhiệm kỳ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN cũng mang giải thưởng FIAP (và PSA) làm thành tích nổi bật, đánh giá chất lượng của ảnh nghệ thuật VN. Ảnh đoạt giải của một nhiếp ảnh gia đoạt hàng trăm giải quốc tế phần lớn cũng chỉ quanh quẩn các đề tài về người già - trẻ em Tây nguyên, trẻ em chơi trên đồi cát...
Việc thông tin không chính xác về giải thưởng FIAP (và PSA) đã khiến rất nhiều người và ngay cả một số vị lãnh đạo, quản lý trong ngành văn hóa nghệ thuật cũng bị ngộ nhận về thành tích nhiếp ảnh nghệ thuật của VN, trong khi thực chất vị trí ảnh nghệ thuật VN còn rất khiêm tốn trong khu vực, cũng như giá trị và ảnh hưởng còn ít ngay cả trong đời sống văn hóa nghệ thuật VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận