13/03/2011 07:30 GMT+7

Nhật Bản: Nổ ở nhà máy điện hạt nhân

TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG

TT - Vẫn còn đang choáng váng sau thảm họa động đất - sóng thần, Nhật phải đối mặt với một nguy cơ mới: rò rỉ hạt nhân từ các nhà máy điện nguyên tử bị động đất tàn phá.

* Động đất làm hơn 1.300 người chết, hơn 10.000 người mất tích * Rò rỉ phóng xạ ra môi trường * Thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân: Việt Nam có đủ thiết bị cho việc cảnh báo phóng xạ

Read this on Tuoitrenews.vn

erCUNOi9.jpgPhóng to
bdq2wNNz.jpg
Sau vụ nổ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (ảnh dưới) lúc 13g40 ngày 12-3 tại thị trấn Tomioka, cảnh sát chặn đường vào khu vực bị nhiễm xạ (ảnh trên) - Ảnh: Reuters
2g7kAMAF.jpgPhóng to
Khói bốc lên nghi ngút từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 - Ảnh: Reuters
lwbilAhg.jpgPhóng to
Cảnh sát trên đường tuần tra trong thị trấn Tomioka, Nhật Bản, đảm bảo không để người dân vào khu vực nhiễm phóng xạ sau vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân - Ảnh: Reuters

Hãng tin Jiji ngày 12-3 đưa tin một vụ nổ lớn đã xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, thuộc Công ty Năng lượng điện Tokyo (Tepco). Truyền hình NHK chiếu cảnh khói trắng bốc lên nghi ngút từ nhà máy ở Fukushima. Các bức tường của một tòa nhà ở khu tổ hợp nhà máy sụp đổ hoàn toàn. Bốn công nhân đang tiến hành hỗ trợ giải nhiệt các lò phản ứng bị thương song không nghiêm trọng.

“Nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân khiến lõi của lò phản ứng tan chảy và bốc cháy. Điều này có thể dẫn đến việc một lượng phóng xạ bị giải phóng trong tòa nhà chứa lò phản ứng” - Jiji dẫn lời một chuyên gia năng lượng Nhật. Đài NHK cho biết tòa nhà bao quanh lò phản ứng và trần của lò phản ứng đã bị sập. Tuy nhiên vỏ bọc thép của lò phản ứng không hư hại. Các quan chức cho biết nguyên nhân nổ là do một hệ thống bơm bị hỏng. Các công nhân nhà máy đang bơm nước biển để làm nguội lò phản ứng.

Phóng xạ rò rỉ ra môi trường

Không lâu trước đó, Kyodo News đưa tin chính quyền phát hiện mức phóng xạ cao bất thường tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Đây là trường hợp rò rỉ đầu tiên trong số những lò phản ứng đã được đặt trong tình trạng báo động. Theo đó, độ phóng xạ đo được tại một phòng kiểm soát phản ứng hạt nhân ở nhà máy số 1 cao gấp 1.000 lần mức bình thường và cao gấp tám lần tại khu vực cổng chính của cơ sở.

Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân của Nhật (NISA) khẳng định lượng phóng xạ rò rỉ đã giảm và chưa phải là mối đe dọa tức thời đối với sức khỏe người dân. Tuy nhiên, chính quyền Fukushima đã cho di tản các khu vực xung quanh nhà máy số 1 và số 2. Tổng cộng 45.000 người sống trong bán kính 20km xung quanh nhà máy số 1 đã được yêu cầu dời đi.

Tại nhà máy số 2, chính quyền đã cho di tản dân cư trong khu vực bán kính 3km và khuyến cáo những người sống trong phạm vi 10km không nên rời khỏi nhà. Cả hai nhà máy hạt nhân đều cách thành phố 30 triệu dân Tokyo khoảng 250km về hướng đông bắc. Hiện năm lò phản ứng của các nhà máy ở Fukushima đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp năng lượng hạt nhân quốc gia bởi sự cố hệ thống làm mát.

Hệ thống này được thiết kế tự động kích hoạt sau khi nhà máy ngừng hoạt động do sự cố, để hạ nhiệt các thanh nhiên liệu có nhiệt độ rất cao trong quá trình phản ứng. Nhiệt độ quá cao có thể khiến các thanh nhiên liệu phát nổ và giải phóng một lượng lớn phóng xạ. Hệ thống có thể sử dụng nguồn điện ngoài hoặc máy điện dự phòng, tuy nhiên cả hai đều bị hỏng do động đất và sóng thần.

Nỗ lực hạ nhiệt độ và áp suất trong các lò phản ứng đang được triển khai. Tại nhà máy số 2, nơi nhiệt độ nước làm mát của hệ thống ngày 12-3 đo được lên đến hơn 100OC, dự kiến các van sẽ được mở để giải phóng hơi nước từ phòng chứa xung quanh lò phản ứng. Biện pháp bơm nước để giải nhiệt cũng đã được áp dụng.

Trong khi đó tại nhà máy số 1, quản lý nhà máy phải tháo dỡ nguyên liệu hạt nhân bên trong các cơ sở. Theo NISA, áp suất xung quanh các lò phản ứng trong nhà máy tăng gấp đôi mức cho phép và mực nước cao hơn gần 4m so với các thanh nhiên liệu.

Không có Chernobyl?

Thủ tướng Nhật Naoto Kan ngày 12-3 đã đi thị sát các nhà máy ở Fukushima và một số khu vực thảm họa khác. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết đang trao đổi với chính quyền Tokyo về sự cố của các lò phản ứng. Tổng cộng 11 lò phản ứng đóng cửa sau vụ động đất.

Tuy nhiên chính quyền Nhật cho biết sẽ chỉ xảy ra rò rỉ một phần và loại trừ khả năng lặp lại thảm họa hạt nhân tương tự như ở Chernobyl (Ukraine), bởi còn có khối kiến trúc chắc chắn bên ngoài lò phản ứng. Tuy nhiên chưa rõ tình trạng kiến trúc của các nhà máy sau trận động đất.

“Sẽ không thể có một vụ Chernobyl ở một lò phản ứng nước nhẹ. Hư hỏng hệ thống làm mát sẽ khiến nhiệt độ tăng nhưng nó cũng chấm dứt quá trình phản ứng - Naoto Sekimura, giảng viên Đại học Tokyo, giải thích - Trong trường hợp tệ nhất sẽ có một số phóng xạ rò rỉ và hư hỏng thiết bị nhưng sẽ không xảy ra vụ nổ nào”.

Việt Nam có đủ thiết bị cho việc cảnh báo phóng xạ

JFASXWUj.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Minh Tuân - Ảnh: N.H.T.

Chiều 12-3, Tuổi Trẻ đã gặp một chuyên gia về điện hạt nhân: thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân. Ông từng làm việc ở Nhật và đã hai lần đến Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật. Theo ông, sự cố ở nhà máy nói trên dễ dẫn đến một “thảm họa hạt nhân”. Ông nói tiếp:

- Những gì xảy ra ở Nhà máy Fukushima số 1 là cảnh báo nghiêm túc cho cả thế giới, nhất là Việt Nam - một nước đang tiếp cận điện hạt nhân - rất nhiều bài học nghiêm túc phải được học.

Sóng thần xảy ra đã làm toàn bộ hệ thống điện cho nhà máy điện hạt nhân trên tê liệt, đó là sự cố “black out” đối với nhà máy điện hạt nhân. Một sự cố chết người, thảm họa thiên nhiên vượt khỏi tính toán của con người, dù ở một đất nước có trình độ phát triển về điện hạt nhân như Nhật Bản và xã hội đã đạt đến văn minh cao.

Từ chỗ điện tê liệt toàn bộ, kể cả hệ thống điện an toàn dự phòng (chạy bằng hệ thống phát điện đặc biệt khác) khi có sự cố, trong khi tòa nhà bao quanh lò lại không thể tiếp cận được và dĩ nhiên nhà máy điện hạt nhân từ đó coi như liệt, trong vòng 24 giờ chịu đựng. Với công nghệ lò nước sôi như Fukushima số 1, khi mất điện, hệ thống lò sẽ không còn được làm mát, dĩ nhiên là đưa đến kết cục tòa nhà quanh lò bị phá vỡ, vì “vùng hoạt” của lò nóng đến lúc sẽ tung ra bởi công suất nhiệt ở trong đó thường luôn mức 30-70MW.

Tôi nghĩ thế giới chắc chắn sẽ phải tính đến việc thiết kế một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó với sự cố thiên tai và hạt nhân của con người...

Hơi nước cùng các chất phóng xạ sẽ bay lên và phát tán đi khắp nơi. Luồng phát tán các chất phóng xạ Cs137 và I131 sẽ theo hướng gió tại thời điểm đó mà di chuyển. Nó di chuyển theo hướng nào, hướng đó đón nhận xui rủi. Gió có thể đẩy phóng xạ Cs137 và I131 đi xa hàng nghìn cây số.

Theo tôi, ngay lập tức các cơ quan hữu trách của Việt Nam phải đưa các hệ thống quan trắc/kiểm soát phóng xạ vào hoạt động để cảnh báo sớm việc lan truyền, phát tán phóng xạ. Điều này sẽ cho chúng ta biết Việt Nam có bị ảnh hưởng nguồn phóng xạ phát tán hay không, mức độ ảnh hưởng ra sao... để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đánh giá môi trường... Hệ thống cảnh báo phóng xạ lúc này phải hoạt động tối đa, đo đạc, lấy mẫu liên tục trong ngày.

Theo chỗ tôi biết, chúng ta có đủ thiết bị cho việc cảnh báo phóng xạ. Trong phạm vi của mình (ông Nguyễn Minh Tuân là nhân viên Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - PV), hôm nay tôi đã gọi điện kiến nghị viện trưởng và phó viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt việc này và nghĩ họ sẽ tác động lên trên cũng như các nơi khác liên quan.

NGUYỄN HÀNG TÌNHghi

------------------------------------

* 1.300 người thiệt mạng, hơn 10.000 người mất tích

TT - Theo Hãng tin Kyodo News, ngày 12-3 Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật (NPA) cho biết đã có tổng cộng 637 người thiệt mạng do động đất và sóng thần, 740 người mất tích và 1.040 người bị thương. Tuy nhiên, con số này không bao gồm 200-300 người thiệt mạng ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi và 300-400 người chết ở thị trấn ven biển Rikuzentakata. Đài NHK đưa tin 10.000 người ở thị trấn ven biển Minamisantiku mất tích.

Bộ Quốc phòng cho biết khoảng 1.800 ngôi nhà ở thành phố Minami Soma thuộc tỉnh Fukushima đã sụp đổ hoàn toàn, 1.200 căn ở Sendai bị sóng thần cuốn trôi. Hàng nghìn ngôi nhà khác ở nhiều thị trấn ven biển cũng bị phá hủy. Thị trấn Rikuzentakada tại tỉnh Iwate hoàn toàn chìm trong nước. Do đó, số người chết có thể còn tăng mạnh. Hơn 250.000 người đang tạm trú trong các trung tâm khẩn cấp. Hôm qua, hàng chục đợt dư chấn tiếp tục xảy ra, trong đó có một đợt mạnh tới 7,1 độ Richter và 6,8 độ Richter. Nguy cơ nhà cửa tiếp tục sập là rất lớn.

Hãng tin AFP cho biết từ sáng hôm qua, chính quyền Tokyo đã điều động 50.000 binh sĩ quân đội và nhân viên cứu hộ tới các vùng bị động đất và sóng thần tàn phá để giải cứu các nạn nhân thảm họa. Khoảng 300 máy bay, 20 tàu thủy và 25 máy bay cùng hàng trăm xe cộ được điều tới vùng bờ biển phía đông bắc.

Hiện máy bay trực thăng quân sự đang giải cứu nhiều người bị mắc kẹt trong biển nước ở Watari, tỉnh Miyagi. Các đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm bốn đoàn tàu mất tích ở tỉnh Miyagi và Iwate khi động đất xảy ra. Vẫn chưa rõ trong bốn đoàn tàu này có bao nhiêu người.

Tại nhiều thành phố, các đội cứu hộ địa phương đang đào bới trong các đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót. 60.000-70.000 người đang được di tản đến nơi an toàn ở Sendai.

Mỹ, quốc gia có 50.000 lính đóng ở Nhật, đã cử hai tàu sân bay đến khu vực động đất - sóng thần là tàu USS George Washington và tàu USS Ronald Reagan. Hàng chục đội cứu hộ từ Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia cũng đang hối hả đến Nhật. Ngoài ra, 60 đội cứu hộ từ 45 quốc gia sẵn sàng xuất phát khi có lệnh. Nhật đã chính thức đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Động đất ở Nhật: hơn 1.200 người chết và mất tíchVăn hóa người Nhật nhìn từ vụ động đấtSiêu động đất tàn phá Nhật BảnNhật Bản: nổ tại nhà máy điện hạt nhân, rò rỉ phóng xạ

TRẦN PHƯƠNG - HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên