17/12/2005 07:54 GMT+7

Nhận thức + ý chí = bản lĩnh

ĐẶNG TƯƠI
ĐẶNG TƯƠI

TT - Như thế nào là bản lĩnh? Xây dựng và rèn luyện bản lĩnh trong thực tiễn ra sao?... Đó là những vấn đề xoay quanh cuộc hội thảo “Xây dựng bản lĩnh của thanh niên hiện nay” do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 16-12-2005.

gfn2PUBw.jpgPhóng to
TT - Như thế nào là bản lĩnh? Xây dựng và rèn luyện bản lĩnh trong thực tiễn ra sao?... Đó là những vấn đề xoay quanh cuộc hội thảo “Xây dựng bản lĩnh của thanh niên hiện nay” do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 16-12-2005.

Có 100 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu trẻ, SV, cán bộ Đoàn các trường ĐH ở TP.HCM tham dự (ảnh).

Bản lĩnh hay liều lĩnh?

Bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh làm không khí của hội thảo nóng lên với cách đặt vấn đề: những thanh niên sống chú trọng với vẻ bề ngoài (mặc đồ hàng hiệu, điện thoại di động xịn, nói chuyện kiểu... xìtin), trong khi bản thân lại thiếu kiến thức nền về văn hóa, sẵn sàng lao vào những cuộc chơi thâu đêm nơi vũ trường, dùng thuốc lắc, lại cho mình là những thanh niên bản lĩnh thời hiện đại. “Xin hỏi đó là bản lĩnh hay... liều lĩnh?” - Mỹ Linh đặt câu hỏi.

Theo TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM): “Đó là việc tự “khẳng định” quá mức khi chọn lựa cách chơi ngông, đó còn là việc muốn cạnh tranh để bằng anh bằng chị khi “chơi tới bến” mà không cần cân nhắc hay nghĩ suy một cách tận tường và thấu đáo. Đó chính là sự định hướng giá trị nhân cách chưa phù hợp”.

TS Sơn có một ví dụ khác với một đối tượng thanh niên khác - trí thức trẻ: trong một cơ quan, người ta mời một người vào một vị trí quản lý. Có hai trường hợp: một là người này từ chối vì cho là mình chưa đủ năng lực để làm; hai là người này nhận và nói sẽ cố gắng làm thật tốt.

Cả hai trường hợp được một số người đánh giá là đều có bản lĩnh: một là biết “nói không” khi mình chưa đủ tự tin; hai là “dám đảm đương một việc vượt khỏi sức mình”. Tuy nhiên, theo chính kiến của TS Sơn, trong trường hợp thứ hai: người trí thức trẻ này đang... liều lĩnh.

Anh ta có ý chí nhưng lại chưa nhận thức đầy đủ về chính năng lực của mình. Điều này dễ dẫn đến một con đường: quản lý kém. TS Sơn cho rằng: “Bản lĩnh hiểu theo nghĩa rộng phải dựa trên nhận thức cộng với ý chí của con người”.

Cũng vậy, bạn Mỹ Linh lập luận: “Bản lĩnh phải là sự thể hiện và khẳng định những mặt mạnh trong nhân cách cá nhân, từ những phẩm chất đạo đức, tài năng cho đến lối ứng xử giao tiếp gây được ấn tượng mạnh về các giá trị của cá nhân đó đối với người khác”.

Bạn Nguyễn Thu Hương, SV khoa kế toán kiểm toán ĐH Kinh tế TP.HCM, trao đổi riêng với chúng tôi: “Ranh giới giữa bản lĩnh và liều lĩnh rất gần, đôi khi nó khiến người ta không phân biệt được”.

Như ví dụ mà TS Nguyễn Hữu Nguyên đưa ra: “Những kẻ khủng bố, tội phạm, buôn lậu đều là những người có “bản lĩnh” rất cao nhưng lại thiếu tính nhân văn, nên họ đã sử dụng bản lĩnh ấy vào việc chống lại những giá trị tốt đẹp của loài người”.

Có môi trường tốt mới rèn được bản lĩnh?

Làm thế nào để trui rèn bản lĩnh? Cán bộ trẻ Lê Văn Tân (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM) “đòi hỏi” một môi trường cho sự phát triển của bản lĩnh, với minh chứng: “Thử lấy môi trường giáo dục đại học ở Hoa Kỳ làm ví dụ sẽ thấy sinh viên có toàn quyền lựa chọn chương trình của mình, lựa chọn thầy giáo.

Đó là biểu hiện của sự tôn trọng sáng tạo cá nhân và nền giáo dục đó mang lại cho nền kinh tế Mỹ sự phát triển mạnh mẽ. Như vậy, vấn đề là để có bản lĩnh chính là tạo môi trường thực tiễn cho nó phát triển”.

Nhiều cánh tay đưa lên đòi được phát biểu. Không đồng tình lắm với quan điểm của Tân, nhiều nhà khoa học cho rằng: bản lĩnh phải được rèn luyện bằng chính nỗ lực cá nhân.

TS Đinh Phương Duy (Trường Cán bộ TP.HCM) dẫn một thực trạng: nhiều bạn trẻ đã không thắng nổi bản thân, không thể vượt qua được những ranh giới mong manh nên đành phải “thúc thủ” rồi ngậm ngùi, cay đắng.

Đó là hệ quả của sự mất cân bằng trong nhận thức. TS Duy cho rằng: thanh niên là những người trẻ nhưng không được “trẻ” về ý chí, không để bản năng lôi cuốn mình, không để “sức ỳ” có cơ hội phát huy.

Cụ thể hơn, TS Trần Hữu Nhu dẫn chứng một “sự kiện nóng”: Lê Vũ Hoàng - một HS “siêu nghèo” ở Quảng Bình vô địch cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” lần 6.

TS Nhu phân tích: “Hoàng không nói ra nhưng những ai quan tâm đến tình cảnh gia đình Hoàng, theo dõi sự phấn đấu của bạn thanh niên này đều có cảm nhận: Hoàng rất “cay cú” với cảnh nghèo của gia đình mình, khơi dậy sức mạnh nội sinh vượt qua số phận. Đó chính là bản lĩnh”.

Ông Nguyễn Xuân Tảo với mái tóc bạc và nụ cười đôn hậu, chăm chú theo dõi ý kiến của những nhà khoa học và những bạn trẻ, ông góp với hội thảo những ý ngắn gọn: “Bản lĩnh chính là phẩm chất tự khẳng định mình của nhân cách, độc lập về hành vi của mình, không vì áp lực bên ngoài. Người có bản lĩnh là người vững vàng, có khả năng làm chủ bản thân, biết xử lý đúng đắn các tình huống trong cuộc sống và lao động”.

ĐẶNG TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên