04/11/2010 06:47 GMT+7

Nhận diện bạo hành tinh thần nơi học đường

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Từ quan niệm đánh sẽ để lại dấu vết nhưng mắng nhiếc thì không, nhiều giáo viên đã dùng cách la mắng, chửi bới, xúc phạm, trấn áp học sinh.

nlv2emgy.jpgPhóng to
Một học sinh đang làm trắc nghiệm tâm lý tại khoa tâm thần nhi Bệnh viện Tâm thần TP.HCM sáng 27-10 - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Mẹ ơi, hôm nay đi học con vui lắm!” - bé N.T.N., học sinh lớp 3 Trường tiểu học ĐĐ (Q.4, TP.HCM) vui vẻ khoe với mẹ. Chị T., mẹ bé, ôm con và hỏi: “Có chuyện gì vui hả con?”. “Vì hôm nay con không bị cô đánh”.

Nghe con nói mà chị T. như xé lòng.

“Cô lạy sống em luôn”

Mấy ngày sau, chị T. phát hiện con thường xuyên ăn cắp tiền của mình. Không có tiền, bé la khóc và không chịu đi học. Lo sợ, chị đưa bé đi khám bác sĩ tâm lý.

Trong buổi nói chuyện, bé kể ở trường có HS lớp 5 ngày nào cũng bắt bé cống nộp 20.000 đồng, nếu không nộp sẽ bị đánh. Bé còn kể chuyện ở lớp học thêm của cô giáo chủ nhiệm: “Con làm sai bài tập, cô giáo lấy roi đánh vào đầu. Rồi cô thắp ba cây nhang, lạy ba lạy xong cắm vào túi áo con, con ngồi viết bài một hồi, cây nhang rớt xuống đất”.

"Việc một vài giáo viên có hành vi chưa đúng mực không chỉ có tác động xấu đến một học sinh mà tác động xấu đến nhiều học sinh, làm cản trở việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ"

Ông Nguyễn Xuân Thành(phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Chúng tôi tìm gặp cô V., giáo viên chủ nhiệm của bé, thì được phân trần: “Tính tôi rất nóng nảy nên thỉnh thoảng cũng có la mắng và đánh HS khi quá bực vì các cháu không tập trung vào bài. Còn chuyện thắp nhang tôi không làm mà chỉ nói: Học hành như em chắc cô thắp nhang cô lạy sống em luôn”.

Ban giám hiệu Trường ĐĐ đã chuyển bé N. sang lớp khác, đồng thời phê bình cô V..

Một nhóm phụ huynh cũng ở Q.4 gửi cho chúng tôi CD ghi âm một tiết học của HS lớp 11 tại Trường THPT NHT. Trong đó, giáo viên dạy toán tên C. dành hơn nửa thời gian để la mắng học trò, kể chuyện trên trời dưới đất, nói xấu đồng nghiệp, dùng nhiều câu chữ khó nghe đối với HS.

Theo lời phụ huynh và HS, “mỗi tiết học trở thành cực hình”. Khi phát hiện, nhà trường nghiêm túc phê bình giáo viên C.. Tuy nhiên, quan hệ giữa giáo viên và các phụ huynh gửi đơn khiếu nại nói trên chưa thể hàn gắn được.

“Cái lớp này rất gian”

Một HS lớp 9 ở Q.1 bày tỏ nỗi bức xúc về một giáo viên dạy vật lý ở trường: “Cháu mong đừng đến tiết đó, đó là nỗi kinh hoàng, ám ảnh, mỗi tuần mong nó qua đi thật nhanh. Những lúc bực dọc cô chỉ ghi tựa bài lên bảng rồi ngồi im không dạy và còn nói: “Muốn khó tôi cho khó luôn”. Mỗi lúc đến tiết của cô cả lớp phải ngồi im không động đậy. Ai cũng sợ cô”.

Không được xúc phạm học sinh

Ngày 3-11, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo mới nhất điều lệ các trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Trong đó có hai chương quy định quyền lợi, trách nhiệm của giáo viên và HS, quy định giáo viên không được phép xúc phạm nhân phẩm, thân thể HS và đồng nghiệp.

Ngược lại, HS cũng không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường và HS khác, không gây rối trật tự nơi công cộng; giáo viên không được xuyên tạc nội dung giảng dạy, tự ý bỏ giờ, cắt xén chương trình; giáo viên và HS không được gian lận trong tuyển sinh, thi cử, trong đánh giá, xếp loại HS; trang phục của giáo viên và HS phải chỉnh tề, nghiêm túc, ứng xử đúng mực, không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia, không dùng điện thoại di động khi đang dạy học hoặc tham gia các hoạt động giáo dục

Trong khi đó, một số HS Trường THCS NTT (Hà Nội) tâm sự: “Thầy dạy toán của chúng em là giáo viên giỏi có tiếng. Nhưng cách cư xử của thầy khiến chúng em rất sợ. Khi giảng bài, chúng em chưa hiểu thầy thường nói: “Cái lớp này ngu lắm, chả biết gì cả”. Hoặc gọi ai lên bảng không thuộc bài, làm sai, thầy hay có câu cửa miệng là “ngu quá” hoặc “ngu thế lần sau đến giờ tôi không cần vào học nữa”. Việc đó khiến chúng em rất ức chế. Môn toán cuối cấp rất khó, lại thêm ức chế nên chúng em đầu óc mụ mẫm, cứ xem thời khóa biểu có môn toán là đêm đó ngủ không ngon giấc”.

Một HS khác ở Trường THCS BĐ, Hà Nội kể: “Em được cô giao nhiệm vụ cất micro cho cô sau mỗi buổi dạy. Nhưng có hôm không hiểu bạn nào nghịch ngợm đã giấu micro của cô.

Thế là cô đã nói em trước lớp rất lâu về tội để mất micro và kết luận: “Cái lớp này rất gian. Tôi vừa vào lớp đã biết ngay, tôi chưa thấy ở đâu như HS ở đây”. Có thể cô tức giận nên nói cho đỡ tức, nhưng em thấy nặng nề và bị xúc phạm. Em không còn muốn học giờ của cô nữa”.

Khủng hoảng

Không chịu nổi việc bị giáo viên la mắng, đánh đòn, một HS lớp 5 ở Q.Thủ Đức, TP.HCM đã sinh hoảng loạn, không chịu đi học.

Em viết trong máy tính: “Suốt cuộc đời học trò, tôi sẽ không bao giờ quên năm học lớp 4. Tôi rất yêu mái trường HD nhưng không biết từ bao giờ tôi lại sợ bước vào sân trường đến thế. Sợ sự la mắng chửi rủa của cô, sợ những đòn roi, sợ ánh mắt nhìn hằn học không thân thiện của cô, sợ những lời lẽ miệt thị của cô trước lớp. Tôi không hiểu mình đã làm gì nên tội”.

HS này sau một thời gian khủng hoảng tâm lý đã được phụ huynh chuyển sang học ở một trường khác.

Trường hợp như HS này, đáng tiếc, không phải là cá biệt. Thời gian qua, phòng khám tâm thần nhi Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị khủng hoảng tâm lý ở độ tuổi là học sinh mà nguyên nhân thường do một cú sốc tâm lý hoặc sợ hãi khi bị uy hiếp, đe dọa ở trường.

Một bác sĩ kể lại ca bệnh gần đây: K. là HS lớp 9 ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ở lớp có một thầy giáo rất khó tính, thường xử phạt HS bằng cách đánh vào đầu. K. có anh trai đang học ĐH dạy kèm ở nhà nên không đi học thêm nhà thầy. Vì vậy, em có cảm giác mình bị “đì”.

Từ đó em thường than nhức đầu, nhức mình. Bố mẹ đưa em đến bác sĩ vì phát hiện em bị ói mửa, khủng hoảng vào những ngày đi học có giờ của thầy giáo đó. Từ một HS tương đối ngoan, khá, sức học và sức khỏe của em giảm nhanh chóng và phải điều trị tại bệnh viên tâm thần định kỳ mỗi tháng một lần.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên