13/08/2004 07:00 GMT+7

Nhạc trẻ Việt trong cơn sóng gió

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Fan ảo gây nhiễu, ảo tưởng, cộng thêm những fan ruột quá "tốt bụng" khiến các ca sĩ trẻ người non dạ thêm ảo tưởng về bản thân. Họ hát ngày càng dở mà xìcăngđan, tai tiếng ngày càng nhiều...

uBJ4pUVW.jpgPhóng to
Khán thính giả yêu nhạc cũng cần những "người hướng dẫn"...

Ca sĩ danh tiếng trốn ở nước ngoài rồi quay lại chỉ trích quê hương; ca sĩ trẻ mắc bệnh ngôi sao, hoang tưởng; hiện tượng hát nhép, fan ảo, chơi xấu với đồng nghiệp, chuyện xù show, hét giá, hát nhạc chưa được cho phép, tranh chấp nhau trong những ca khúc mua độc quyền... của ca sĩ...

Rồi chuyện quịt catsê, "treo đầu dê bán thịt chó" của bầu show; ca sĩ và ông bầu "xử" nhau te tua trên các phương tiện truyền thông... Giới nhạc sĩ thì "lu bu" với nạn nhạc ngoại lời Việt, nhạc lai, nhạc nhái, đạo nhạc, đạo thơ trong nhạc... Giới sản xuất băng đĩa uy tín thì "kêu trời" vì băng đĩa lậu ngày càng hoành hành, vì chuyện tác quyền, chuyện thuế má...

Bệnh - vì đâu?

Thời kỳ được coi là hoàng kim của nhạc trẻ Việt với sự ra đời của chương trình Làn sóng xanh (LSX) - Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM trôi qua thật nhanh. Có những lời đổ tội vì nhạc hải ngoại đã hồi sinh sau một thời gian bị đánh bại, nhạc nước ngoài (Mỹ, Pháp, Hoa, Nhật, Thái, Hàn...) tràn lan trên thị trường và truyền hình cáp...

Nhưng hãy nhìn lại bảng xếp hạng LSX và cả VTV bài hát tôi yêu. Tuy là bảng xếp hạng để tôn vinh nhạc Việt, nhưng các ca khúc dẫn đầu bảng có đủ loại sao chép, lai tạp - nhạc thuần Việt thực chất không là bao. Điều này càng thúc đẩy ca sĩ chọn các ca khúc lai nhái nhiều hơn để dễ dàng có tên trong top, gián tiếp kích thích thính giả nghe các loại nhạc này nhiều hơn. Đơn đặt hàng tới tấp những bản nhạc thị trường kéo theo sự ra đời của một loạt nhạc sĩ thị trường với những ca khúc không "đẹp": lai, nhái, copy.

zWEhG4W8.jpgPhóng to
... và những chương trình âm nhạc mang tính giao lưu văn hóa như thế này - Ảnh: T.T.D.
Càng đau hơn khi hàng loạt vụ đạo nhạc bị phanh phui, mà những người liên quan có cả nhạc sĩ tên tuổi. Rồi công nghệ lăngxê "liều mạng" - nhưng cũng khá thành công (về mặt thị trường) - đã cho ra lò hàng loạt "búp bê biết hát" cả nam lẫn nữ. Vì là "búp bê" nên khá đẹp đẽ, sáng sủa trong diện mạo nhưng rất yếu về kiến thức âm nhạc, và giọng hát chỉ thuộc loại "thường thôi" dù đã qua xử lý của các phương tiện kỹ thuật. Hát nhép bỗng trở thành chuyện... dễ hiểu.

Thiếu thực lực nhưng vẫn muốn tồn tại và tỏa sáng nên các "ca sĩ búp bê" ấy buộc phải vay mượn nguồn lực bên ngoài: fan. Để có fan thật sự không dễ. Phải chiêu dụ bằng fan club, họp mặt đi chơi, tặng quà, album, hình ảnh, giảm giá vé live show... Đúng là càng nhiều lợi ích, fan càng đông. Nhưng rồi không ít ca sĩ ngỡ ngàng khi phát hiện fan của mình cũng là fan của đối thủ...

Những "bệnh" nói trên suy cho cùng cũng xuất phát từ sự dễ dãi của cả người sản xuất, người biểu diễn lẫn người thưởng thức nhạc trẻ.

Sau cuộc "đại phẫu thuật"

Đã có cuộc "đại phẫu" cho nền âm nhạc đang rệu rã. Hàng loạt quyết định, kiểm điểm, phê bình, phạt nặng, phạt nhẹ... được đưa ra. Kéo theo đó là hàng loạt các qui định mới trong qui chế 47 - về tổ chức biểu diễn - ra đời nhằm "gò" lại nền âm nhạc đang vô tư phát triển. Nhưng qui chế này lại cho thấy một khía cạnh khác: sự yếu kém trong khâu quản lý.

Và đây chính là cốt lõi của những căn bệnh trên. Chúng ta đã không có được luật lệ rõ ràng, cụ thể trong từng hoạt động văn hóa, để ai muốn làm gì thì làm, muốn "lách" luật cũng không khó, đến khi "có chuyện" lại nháo nhào, không biết xử ra sao; hốt hoảng, vội vã cho ra những qui chế, điều lệ không mấy hoàn chỉnh, chưa hợp tình hợp lý. Đến nay dù đã có hiệu lực, qui chế 47 vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi (để đưa tới hướng dẫn cuối cùng đẩy thẩm quyền quyết định về hội đồng thẩm định nghệ thuật ở các địa phương).

Sự thật là sau cuộc "đại phẫu", nghệ sĩ vẫn loay hoay chưa biết mình phải và nên làm gì. Người thưởng thức nhạc chưa thấy được một "làn gió mới" nào rõ rệt. Vẫn còn khá nhiều giải pháp khả thi để chữa một số căn bệnh cho nền nhạc Việt hiện tại. Những giải thưởng âm nhạc, văn hóa lớn như Làn sóng xanh, VTV bài hát tôi yêu, Mai Vàng... nên chăng có những hạng mục dành cho âm nhạc truyền thống VN, những hạng mục tôn vinh các ca khúc đương đại nhưng mang đậm giai điệu quê hương? Các phương tiện truyền thông nên bắt tay tẩy chay, không để nghệ sĩ có cơ hội phát biểu linh tinh, quảng bá những hình ảnh không tốt? (kêu gọi này có lẽ quá khó với những tờ tạp chí dễ dãi đang nhan nhản trên thị trường), tạo thêm nữa những sân chơi âm nhạc lành mạnh cho giới trẻ...

Về phía những nhà quản lý, việc đặt ra những qui chế là vô cùng cần thiết, nhưng cũng cần cân nhắc sao cho những qui chế ấy thật thích hợp với một nền âm nhạc Việt vừa có bề dày lịch sử vừa đang thay đổi, phát triển. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách mở đúng mức để kích thích, phát triển hơn nền âm nhạc đương đại. Đồng thời cũng nên nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quản lý từ các nước đã nhiều năm có công nghiệp biểu diễn - quan trọng nhất là các biện pháp pháp qui, đưa mọi thứ vào nề nếp luật định.

Mong rằng thị trường nhạc trẻ Việt chóng hồi phục sau cuộc "đại phẫu" để còn tiếp tục thực thi sứ mạng tốt đẹp của mình.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên