Phóng to |
Nhạc sĩ Huy Tuấn Ảnh: T.T.D. |
Nhạc sĩ Huy Tuấn - tác giả của những ca khúc được yêu thích gần đây về mùa xuân như Phút giao thừa lặng lẽ, Khúc giao mùa... - nói như thế về giá trị tinh thần của ngày tết.
Câu chuyện mở đầu bằng ký ức về cái tết đầu tiên anh có được trên đất Bắc sau hơn 10 năm xa quê: “Thật sự đối với những người đi xa lâu ngày, ai chẳng cảm thấy nao nức mỗi lần tết đến. Bản thân tôi lúc đó đã trải qua hơn mười năm không được ăn tết tại Việt Nam, nên quả thật cái tết đầu tiên của ngày trở về đã trở thành một kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng trong tôi, không dễ gì gọi tên được. Có lẽ là tất cả, mỗi thứ một tí, từ những chậu hoa xuân, những chiếc xe đạp, những góc phố, những chiếc áo ấm, khăn quàng cổ của người đi đường, tiết trời se lạnh... đã tạo nên cái mùi không đâu có được. Mặc dù ở nước ngoài chúng tôi đã cố gắng xoay xở để có được gần như tất cả những gì thuộc về ngày tết cổ truyền ở mình nhưng cái mùi đó thì không bao giờ có được.
* Theo anh, từ bấy đến nay có vẻ đẹp nào đã mất hay dần phai nhạt?
- Đúng là cuộc sống của chúng ta đã trở nên sung túc hơn, công nghiệp hơn nên cảm giác háo hức trước mọi thứ vì thế cũng bớt đi nhiều. Sự khác đi thấy rõ chính là không khí chuẩn bị tết trong mỗi gia đình. Ngày xưa chúng ta chuẩn bị tết rất kỹ lưỡng: họ hàng rủ nhau gói bánh từ cả tháng trước đó, cấp tập gửi mua những món của ngon vật lạ từ khắp nơi, cây đào cây quất có khi cũng được chăm chút từ rất lâu trước đó, nhà cửa được sửa sang, trang hoàng rất đặc biệt...
Còn bây giờ là mua và mua, ra siêu thị là có đầy đủ mọi thứ và việc sắm tết do đó không còn mất nhiều thời gian và chiếm tâm trí của chúng ta nhiều như trước. 29, 30 tết bạn vẫn có thể chạy ra đường một loáng là đã khiêng được cả cái tết về nhà mình. Duy chỉ có sự lung linh thì đã mất.
* Vậy anh có cố gắng tự tạo ra những tập tục nào cho riêng mình?
- Trước đây trong gia đình tôi có một tập tục gần như bất di bất dịch là bữa cơm chiều tại nhà bà ngoại, tập trung tất cả họ hàng, anh em, chú bác ăn uống tưng bừng. Giờ tôi rất nhớ và tiếc vì gần mười năm nay, bữa cơm đặc biệt đó không khi nào còn có thể tụ tập đầy đủ mọi người được nữa. Đó là một bữa cơm rất thiêng liêng đối với tôi nhưng biết làm sao khi chính bản thân mình cũng nhiều năm vắng mặt.
* Nhiều năm ăn tết ở xứ người, anh có thấy có những tập tục ăn tết đẹp chính ra lại được gìn giữ tốt hơn nơi đất khách, khi nhu cầu cố kết ở cộng đồng người Việt mạnh hơn; trong khi đó ở nhà mình nhiều tập tục hay lại dần bị coi nhẹ?
- Đó chính là do sự thay đổi mà như tôi đã nói ở trên. Giờ đây mỗi lần tết đến điều khiến mọi người đau đầu không phải là việc suy nghĩ sắm sửa gì cho gia đình mà nhiều khi là chuyện mua quà biếu xén. Tôi thấy người ta lên danh sách biếu quà dài dằng dặc.
Xong việc biếu xén thì cũng là lúc chẳng còn sức khỏe và tinh thần mà hưởng cái tết cho an lành trọn vẹn, nên lúc này có nhiều người sợ tết cũng là điều dễ hiểu. Cái phong bao lì xì là thứ thay đổi dễ phân biệt nhất: ngày xưa cứ có lì xì là vui, còn bây giờ chúng ta luôn phải để tâm đến trọng lượng của nó mỗi khi cho và nhận lì xì.
* Bao cái tết đã trôi qua cùng bao thế hệ nghệ sĩ, nhưng những bài hát hay về mùa xuân ở ta thì vẫn mới chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Với tôi là Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao, còn anh?
- Tôi thích bài hát Thì thầm mùa xuân của nhạc sĩ Ngọc Châu. Đó là bài hát mùa xuân của thế hệ chúng tôi. Giai điệu trẻ trung, tiết tấu linh hoạt, ca từ gần gũi, lãng mạn. Còn rất nhiều ca khúc hay khác về mùa xuân, tôi nghĩ chúng không ít đâu. Tuy nhiên, nhân đây cũng cho phép tôi được nhắc đến một bài “xuân ca” mà quả tình tôi luôn sợ phát khiếp mỗi khi tết đến. Đó là ca khúc Happy new year. Từng nhiều năm đón năm mới ở nước ngoài nhưng hiếm khi tôi nghe thấy nó tại Đức, tại Pháp... vào những dịp này. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Thú thật mỗi lần phải nghe lại bài hát này tôi cảm thấy cái tết của mình bị mất vui đi một tí.
* Chứng kiến nhiều nét đẹp đang dần mất đi trong phong vị tết cổ truyền, anh có thấy có một khoảng cách khá xa giữa thực tế cuộc sống và những gì lãng mạn, nên thơ trong âm nhạc, trong những bài hát về mùa xuân?
- Khoảng cách đó theo tôi cũng chính là giá trị của âm nhạc. Âm nhạc, thơ ca luôn là chỗ để chúng ta viết về những gì chúng ta thiếu, điều chúng ta mong mỏi và mộng mơ mà!
Nhạc sĩ Quốc Trung: “Không phải cái gì cũng có thể mang theo” “Trong rất nhiều cái tết đã đi qua, tôi nhớ nhất cái tết đầu tiên xa nhà và lang thang ở thủ đô Warsaw của Ba Lan. Một cái tết mà tôi là người đứng bên lề với thiếu thốn đủ thứ và nỗi nhớ nhà đến rơi nước mắt... Những cái tết sau đó thì khác. Tuy nhiên, những háo hức, niềm vui... không hẳn vì thế mà tỉ lệ thuận, khi nhiều tập tục đẹp đã mất đi, nhiều giá trị tinh thần dần bớt được coi trọng, những thứ ngày xưa chỉ tết mới có thì giờ đã đầy ứ trong ngày thường... Nhưng tôi nghĩ muốn hay không chúng ta vẫn phải chấp nhận những thay đổi đó của đời sống, chấp nhận sự mất đi của những thói quen và những điều chúng ta yêu thích trở thành ký ức, kỷ niệm. Bởi cuộc sống đang diễn ra với tốc độ rất nhanh nên không phải cái gì chúng ta cũng có thể mang theo và đủ khả năng giữ lại cho mình. Chỉ e mọi thứ đều có hai mặt của nó. Một thời dường như thực tế càng khó khăn thì trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, người ta lại càng lãng mạn hơn. Còn lúc này điều đáng buồn nhất, theo tôi, là không ít giá trị tinh thần lại đang bị nhiều người trong chúng ta xem nhẹ nên việc cái Tết cổ truyền, cũng như nhiều giá trị phi vật chất khác bị mất đi nhiều vẻ đẹp e cũng là điều dễ hiểu. Chỉ mong ai đó đừng quên chỉ có giá trị văn hóa và tinh thần mới làm nên vẻ đẹp bền vững của đời sống. Nếu mất điều đó, có lẽ đời sống còn kinh khủng hơn cả thời chiến tranh và đói khổ...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận