27/04/2009 08:34 GMT+7

Nhạc cụ càng đắt tiền càng sợ nhiệt, sợ ẩm

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Ðó là nỗi lo lắng của nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN - khi biết thông tin về số phận của lô nhạc cụ rất đắt tiền vừa nhập của Nhà hát Giao hưởng - vũ kịch TP.HCM. Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân nói:

4KHVGkCp.jpgPhóng to

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân -Ảnh tư liệu

TT - Ðó là nỗi lo lắng của nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN - khi biết thông tin về số phận của lô nhạc cụ rất đắt tiền vừa nhập của Nhà hát Giao hưởng - vũ kịch TP.HCM. Nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân nói:

- Tôi rất vui mừng khi biết tin TP.HCM đã đầu tư gần 50 tỉ đồng để nhập cùng lúc một lô nhạc cụ rất có giá trị cho dàn nhạc giao hưởng TP. Với tư cách là một người làm nghề, lại chuyên viết nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, tôi hoàn toàn có thể chia sẻ được niềm vui của anh em nhạc công khi được luyện tập và biểu diễn với những nhạc cụ mới và có chất lượng như vậy. Nhưng chưa kịp bày tỏ niềm vui thì đã nghe tin số nhạc cụ đó... chưa biết cất vào đâu, và như vậy cũng có nghĩa đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, thậm chí hư hỏng.

Nhà hát trên giấy, nhạc cụ trong kho!

* Là người đã sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, lại đi biểu diễn và tham quan nhiều mô hình dàn nhạc giao hưởng trên thế giới, theo ông, có mô hình nào là "chuẩn" hay bắt buộc cho việc bảo quản hệ thống nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng nói riêng và dòng nhạc bác học nói chung hay không?

- Cần phải phân biệt một điểm khác nhau cơ bản: các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng nước ngoài, nhất là châu Âu và Mỹ, thường rất đắt tiền và chủ yếu thuộc sở hữu cá nhân. Ở các dàn nhạc danh tiếng của hoàng gia hoặc các TP lớn châu Âu, các nhạc công hàng đầu cũng chính là người sở hữu những nhạc cụ hàng đầu. Những cây vĩ cầm có thể lên đến 300.000-400.000 USD, những cây đàn harp và đặc biệt là piano của nhà Steinway chẳng hạn, còn có thể cao hơn thế vài lần.

Thường thì trong những dàn nhạc này, chỉ có những dàn trống lớn hoặc piano là có thể thuộc sở hữu của nhà hát hay dàn nhạc. Với những nền âm nhạc bác học có truyền thống lâu đời hàng trăm năm thì điều này cực kỳ dễ hiểu và hợp lý. Nhạc cụ trong tay nhạc công, họ hiểu nó đến từng chân tơ kẽ tóc, họ nâng niu từng li từng tí, biết rất rõ từng tật bệnh nhỏ và thường bên cạnh họ bao giờ cũng có những "bác sĩ" của đàn, kèn, trống, tận tâm và rất tài hoa.

Chỉ ở VN và một vài nước mới có mô hình ngược lại: Nhà nước đầu tư mua nhạc cụ và nhạc cụ thuộc sở hữu nhà nước. Và thực tế này đòi hỏi những giải pháp khác, xa chuyên môn và hoàn toàn ngoài tầm với của tôi.

* Nhưng vẫn phải có những hình mẫu chuẩn, chung nhất, ít ra là về kỹ thuật cho việc bảo quản số nhạc cụ cao cấp và đắt tiền này chứ?

- Ðiều cực kỳ quan trọng là công tác bảo quản trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Phải có chế độ hút ẩm nghiêm ngặt cho nhạc cụ, đặc biệt là piano. Chỉ cần lơ là vài hôm, với độ ẩm cực kỳ cao ở VN, tiếng đàn nghe đã khác và cứ mỗi lần phải lên dây, chất lượng sẽ lại kém đi một chút.

Một quy chuẩn bắt buộc nữa là phòng tập và phòng hòa nhạc. Nên nhớ nhạc công tiếp xúc với nhạc cụ chủ yếu ở phòng tập, còn biểu diễn chỉ là thời gian ít ỏi kết thúc quá trình luyện tập. Bởi thế, cả phòng tập và phòng hòa nhạc đều phải quy định nghiêm ngặt về độ ẩm và nhiệt độ. Ở VN thì độ ẩm còn nguy hiểm hơn nhiệt độ cao. Khi tập và biểu diễn xong, nhạc cụ phải được lau chùi kỹ và cất ngay vào hộp. Nên có những hộp bảo quản như hộp bảo quản máy chụp ảnh là tốt nhất. Với gian hòa nhạc, cần thiết kế nhà kho - cũng với tiêu chuẩn độ ẩm và nhiệt độ chuẩn - ngay sau sân khấu.

* Vậy là, lại quay về chính mắc mớ ban đầu: trong thời điểm hiện tại, tìm đâu ra những nơi bảo quản đạt quy chuẩn đó?

- Khó, nhưng không phải không có cách giải quyết. Với những nhạc cụ nhỏ như kèn, violon hay viola, đơn giản và hiệu quả nhất là giao cho nghệ sĩ biểu diễn tự bảo quản. Không ai yêu đàn, yêu kèn...bằng họ, cũng không ai biết cách bảo quản và có trách nhiệm như họ. Sao ta không giao họ quản lý, đó vừa là phương tiện hành nghề, vừa là tài sản, vừa là danh dự của họ. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đã gắn bó và sống được với nghề thì một hộp bảo quản nhạc cụ cũng là thứ mà họ hoàn toàn có thể sắm được.

Với những nhạc cụ lớn như đàn piano, dàn trống và đàn harp - nếu có - mà theo tôi được biết chỉ riêng chiếc piano giá trị đã lên đến 200.000 USD, nếu chưa khui thùng thì tốt nhất là nên tiếp tục để nguyên đến khi tìm được nơi bảo quản, còn nếu đã trót mở ra rồi thì phải khẩn cấp đưa về ngay nơi có điều kiện thích hợp. Ngoài ra, đừng quên mời một nhà kỹ thuật thường trực "thăm bệnh" cho các "nhà quý tộc" này.

Đọc kỹ bản hướng dẫn

Tuổi Trẻ cũng trao đổi với ông James Patmore - kỹ thuật viên piano người Úc, người có trên 20 năm kinh nghiệm sửa chữa, cân chỉnh âm thanh cho đàn piano, trong đó có bảy năm làm việc cho Hãng đàn Steinway & Sons (Đức) - về các điều kiện để bảo quản nhạc cụ. Hiện cứ mỗi tháng một lần ông lại qua VN để kiểm tra, bảo trì, chỉnh sửa đàn cho các khách hàng của cửa hàng Piano Haus (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM). Ông cho biết:

- Phần lớn nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng đều làm từ gỗ, da, lông thú, kim loại... Vậy nên điều đáng sợ nhất với các chất liệu này là nhiệt độ và độ ẩm. Các nước Đông Nam Á nói chung, không riêng gì VN, đều gặp khó khăn trong việc thỏa mãn một nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho các nhạc cụ bởi thời tiết không chỉ nóng mà độ ẩm trong không khí còn rất cao. Cứ ngỡ rằng trang bị một phòng kín có máy điều hòa ở nhiệt độ trung bình 20-24OC, có máy chống ẩm là đủ nhưng thực tế các nhạc cụ đòi hỏi nhiều hơn thế.

Ví dụ, nếu bạn đặt nhạc cụ, đặc biệt là piano, ngay luồng máy lạnh thổi là công sức cân chỉnh đàn coi như bỏ biển. Gió, bụi, ánh sáng trực tiếp từ mặt trời... cũng cấm kỵ. Ngay cả khi được đặt trong điều kiện tiêu chuẩn rồi thì mỗi cây piano đều cần có bên trong nó một máy chống ẩm. Hay như các nhạc cụ nhỏ gọn, được đặt trong thùng của riêng nó thì bên trong thùng cũng phải có các bịch chống ẩm. Với các loại trống thì việc bảo quản sao cho đúng với từng loại da trên mặt trống, loại gỗ làm trống cũng là cả một vấn đề.

Mọi việc không đơn giản là nhạc cụ hư hỏng rồi có thể sửa chữa hay mua lại. Bởi vì ngày nay, trong điều kiện tài nguyên về gỗ và các chất liệu thiên nhiên khác đang ngày càng khan hiếm thì ngay cả khi dư tiền cũng chưa chắc có thể mua lại những nhạc cụ chất lượng như thế. Vì vậy, các dàn nhạc trên thế giới luôn có một đội ngũ các kỹ sư có bằng cấp của chính nhà cung cấp nhạc cụ giúp họ bảo quản nhạc cụ. Điều tôi cần nhấn mạnh ở đây là cả một đội ngũ chứ không phải một vài người. Một người không thể am hiểu và chăm lo cho cả trăm nhạc cụ một lúc. Vận chuyển cũng nằm trong danh mục bảo quản. Vì vậy, phải có hẳn những công ty chuyên vận chuyển nhạc cụ thực hiện việc này.

Với điều kiện có hạn như các bạn hiện nay (chưa biết kho chứa nhạc cụ có đạt chuẩn không, không có kỹ sư chuyên bảo quản nhạc cụ - PV), đầu tiên là các bạn phải đọc thật kỹ lưỡng các hướng dẫn cơ bản nhất cho việc bảo quản nhạc cụ mà tôi nghĩ rằng đều có trong catalogue của từng nhạc cụ. Có gì chưa rõ hoặc điều kiện không cho phép thực hiện đúng như hướng dẫn nên liên lạc ngay với nhà cung cấp để xin ý kiến. Trước mắt các bạn cũng có thể tham khảo các tài liệu về bảo quản từng nhạc cụ riêng biệt (có khá nhiều trên mạng Internet). Nhưng về lâu về dài cũng nên hợp đồng với các chuyên gia có kinh nghiệm của nước ngoài về giúp các bạn bảo quản hoặc cử người đi học các kỹ thuật này.

zEUfUsAb.jpgPhóng to

Kỹ thuật viên James Patmore lên dây cho đàn piano Ảnh: Piano Haus cung cấp

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên