![]() |
Một khu nhà vườn ở Huế |
Nhà vườn Huế
Nhà vườn Huế đã có lịch sử hơn 200 năm kể từ khi nhà Nguyễn xây dựng kinh đô tại đây. Ban đầu, nhà vườn chủ yếu là những phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa, hoàng thân, quốc thích được xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau ở trung tâm thành phố và vùng phụ cận.
Theo thời gian, việc xây dựng phủ không còn là đặc quyền của tầng lớp quý tộc nữa, mà trong dân gian đã xuất hiện những ngôi nhà vườn của nông dân, thương gia, công chức... tạo thành một loại hình kiến trúc nhà ở ổn định mang những đặc trưng riêng của nhà vườn Huế.
Như tên gọi của nó, mỗi nhà vườn gồm hai bộ phận chính: Ngôi nhà rường làm bằng gỗ (1, 3, hoặc 5 gian 2 chái) và khu vườn bao bọc xung quanh. Trước khi xây dựng nhà cửa, người Huế thường cho quy hoạch kiến trúc theo các nguyên tắc của thuật phong thuỷ.
Các loài hoa và cây trong vườn Huế thường được chủ nhân nghiêng về giá trị tinh thần hơn là kinh tế. Có thể nói rằng, nhà vườn Huế là một tổng thể kiến trúc đậm nét dân gian, với đặc trưng văn hoá phản ánh hoa tay của người thợ hoà quyện với đời sống tinh thần của chủ nhân.
Ở những ngôi nhà vườn hoàn chỉnh, những đường nét kiến trúc đã đạt đến mức quy chuẩn, tinh xảo, mang tính thẩm mỹ cao. Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An có một nhận xét rất hay rằng: "Nhà vườn Huế còn là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của dân tộc và nhất là đạo lý truyền thống của gia đình. Điều này có nghĩa là nhà vườn Huế là một không gian văn hoá, không những bảo lưu được những giá trị văn hoá vật thể mà còn là phi vật thể của từng gia đình và cộng đồng".
Nhà vườn Huế thường được ví là "nơi trú ngụ của những tâm hồn xứ Huế, kín đáo, thanh tao và hồn hậu", hay "là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị" - như nhận xét của ông A.Mahtar MBow - nguyên Tổng Giám đốc UNESCO trong một lần đến Huế.
Tan nát nhà vườn
Với nhiều lý do khác nhau như thời gian, ảnh hưởng của sự đô thị hoá và bùng nổ dân số..., nhà vườn Huế bị phân rã, mà đỉnh điểm là những năm 80 của thế kỷ trước và kéo dài cho đến bây giờ.
Ý thức được nguy cơ biến mất của những ngôi nhà vườn, từ năm 1986 đến nay, các cơ quan chức năng cấp tỉnh và thành phố, những tổ chức nước ngoài (Đại học nữ Chiêu Hoà - Nhật Bản; cộng đồng đô thị Lille - Pháp...) đã có rất nhiều công trình khảo cứu về nhà vườn Huế với mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị của nó.
Tuy nhiên, do các mục đích nghiên cứu khác nhau, nên các công trình nói trên chỉ đề cập đến những lĩnh vực mà đề tài quan tâm như vấn đề bảo tồn di tích, vấn đề vườn sinh vật cảnh,... mà chưa có một công trình nào đi sâu vào đánh giá những thực trạng đau lòng mà nhà vườn Huế đã và đang phải gánh chịu cũng như đề ra các giải pháp có hiệu quả để tôn tạo, bảo vệ, khai thác du lịch.
Theo những thống kê khác nhau, kể từ năm 1998 đến nay, ở TT-Huế có hàng trăm ngôi nhà cổ (hầu hết là nhà và vườn) bị "biến mất" bởi nhiều lý do khác nhau. Đối diện với thực trạng trên, những người tâm huyết với vốn cổ, với di sản văn hoá của cha ông để lại đau lòng đã đành, kể cả người trong cuộc - các chủ nhân của nhà vườn cũng xót xa không kém.
Tuy nói thế, nhưng không có nghĩa là nhà vườn Huế đã "tan nát" không còn cách cứu. Hiện ở Huế vẫn còn rất nhiều nhà vườn được nhiều thế hệ của các gia đình, dòng họ, các lớp chủ nhân kế nghiệp kiên trì, bền bỉ bảo tồn, tôn tạo như phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn An Hiên, Lạc Tịnh, nhà ở của nguyên Thượng thư Phạm Hữu Điềm; nhà vườn Bùi Thị Xuân Phương, Nguyễn Thị Tâm...
Từ nhiều năm nay, nó đã và đang là những "điểm đến" được các du khách trong, ngoài nước tìm đến thưởng lãm. Tuy nhiên, đó là những "điểm đến" mà các chủ nhân của nó ở vào thế chẳng đặng đừng. Điều này lại liên quan đến một vấn đề khác đang rất thời sự mà các cấp chính quyền tỉnh TT-Huế đang loay hoay chưa tìm được lối ra: Chính sách và phương cách đưa nhà vườn Huế vào khai thác du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận