Phóng to |
Nhà văn Võ Diệu Thanh |
Chị là tác giả trẻ duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long được hội đồng chuyên môn và ban nhà văn trẻ giới thiệu lên BCH hội và đã được xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Bắt đầu viết từ năm 18 tuổi, đoạt giải nhất Văn chương Thủ Khoa Nghĩa do Hội VHNT An Giang kết hợp Sở GD&ĐT An Giang tổ chức năm 1994. Năm 2010, tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của Võ Diệu Thanh đoạt giải nhì trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ 4 do Hội Nhà văn TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ đồng tổ chức. Năm 2011, chị đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên trang mạng xã hội Yume...
Các giải thưởng văn học khác: giải nhất, nhì, ba cuộc thi viết Gương người tốt việc tốt trong phong trào khuyến học do Hội LHVHNT An Giang kết hợp báo An Giang và Hội Khuyến học An Giang tổ chức năm 2004; giải khuyến khích cuộc thi viết Kỷ niệm ba mươi năm giải phóng miền Nam do Hội LHVH An Giang tổ chức năm 2005; tập truyện Lời thề đá được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT xét tặng giải C năm 2008; giải nhì cuộc thi Truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long năm 2011; giải thưởng Truyện ngắn hay tạp chí Nhà Văn năm 2011...
Các tập truyện đã xuất bản: Lời thề đá (NXB Phương Đông, 2009), Cô con gái ngỗ ngược (NXB Trẻ, 2010), Gạt nước mắt đi (NXB Trẻ, 2012)...
* Chào chị! Là một nhà giáo viết văn, công việc dạy học và viết văn đã ảnh hưởng và hỗ trợ nhau như thế nào?
- Võ Diệu Thanh: Đối với tôi, cả hai nghề đều là tay phải. Nghề dạy đôi khi có làm cản trở nghề viết chút đỉnh. Thứ nhất là bị đóng khung về giờ giấc. Thứ hai là tính cách khuôn mẫu của môi trường mô phạm dễ làm cho ngòi viết mất sức tung tẩy. Cũng may là cá tính văn chương trong tôi không đến nỗi dễ bị ăn hiếp. Nên thay vì bị đồng hóa, nó đã đồng hóa ngược lại cô giáo trong tôi. Nó làm cho cô giáo có thói quen khoái sáng tạo, quan tâm tới chiều sâu mỗi con người, mỗi sự việc, giúp cô dễ dàng hiểu học trò cũng như đồng nghiệp và phụ huynh. Nghề dạy giúp tôi có một chốn bình yên để lắng lại các thứ, sau khi tôi đã đào bới xới giở một cái gì đó thành bình địa.
* Tác phẩm đầu tiên của chị được đăng ở báo nào? Sau những tác phẩm đã xuất bản, chị có mong muốn gì ở chúng?
- Tác phẩm đầu tiên tôi viết dự thi. Khi được giải, báo An Giang có đăng tải mấy kỳ như dạng công bố. Tôi tệ bạc. Khi viết thì đầu tư khá công phu, cưng yêu chăm chút nó kỹ lưỡng, tích cóp từng chút vốn liếng, kiếm cho nó mảnh áo, món ăn thích hợp để nó đẹp đẽ khỏe mạnh. Nhưng khi tác phẩm đã xuất bản, tôi không đòi hỏi gì ở nó nữa. Vì lúc đó tôi lại tất bật với những cái mới hơn.
* Đọc truyện ngắn Võ Diệu Thanh, có thể khái quát: “Chị viết về cuộc sống gian khó ở nơi mình sinh ra và lớn lên, với những bất hạnh của người phụ nữ quanh mình...”. Chị đã đưa những yếu tố gì lên trang viết để làm “chất liệu” riêng cho mình?
- Tôi không nghĩ là mình viết về những gian khó. Vì vùng đất này không đặc trưng gian khó. Tôi chỉ đưa ra những “cái gút” để thấy nó chắc như thế nào, như bức tường thành dựng đứng không thể nào vượt qua. Nhưng thật ra cái gì cũng có thể vượt qua được hết, kể cả định kiến. Tôi không có một chất liệu duy nhất nào hết. Kể cả vốn từ địa phương, kể cả đặc trưng vùng miền, cảm xúc, kịch tính hay hình tượng... đều chỉ là những phần trong khối chung. Và cái khối chung đó phối hợp trong chính những ý nghĩ độc lập của tôi. Có thể hay, có thể dở nhưng là của chính tôi chứ không phải của ai khác.
* Tham dự và đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 4, chị có thấy đây là một chuyển biến tích cực cho sức viết của mình về sau?
- Tôi luôn đòi hỏi mình vận động. Trước đây, tác phẩm đầu tay thời đi học, văn tôi là những gì bức xúc rất cá nhân và đầy căm giận. Khi phát hiện con người ta không thể căm giận để khôn lớn, tôi đã nghĩ tới một cách sống khác, lối viết khác. Giải Văn học tuổi 20 như là một phép thử về những biến chuyển trong tâm thế của riêng tôi. Đó là khúc ngoặt bước đầu giúp tôi tự tin là mình đã chọn được con đường cho mình. Dự thi hay không dự thi tôi đều phải phấn đấu, tính tôi là vậy. Nhưng có thi, cuộc vận động có tính chất hào hứng hơn, quyết liệt hơn.
* Ý kiến của chị về các điểm mới trong cuộc thi sáng tác Văn học tuổi 20 lần 5 (Chấp nhận văn học mạng, trưng cầu bình chọn của bạn đọc...)? Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 đang được phát động, với kinh nghiệm của người đã đoạt giải, chị có sẻ chia gì với các bạn trẻ đang chuẩn bị gửi tác phẩm dự thi?
- Một cuộc thi với thể lệ mở như thế thì lượng bài gửi về sẽ rất nhiều, tôi nghĩ vậy. Nhất là với cuộc thi mà giới trẻ viết lách quan tâm nhiều. Qua cách tổ chức lần thi này thêm phần trưng cầu bình chọn thì lượng người quan tâm sẽ tăng lên. Dễ cho người thi nhưng lại khó cho ban tổ chức, nhất là ban giám khảo. Tuy nhiên thời gian dự thi được kéo dài cũng giúp cho sự lựa chọn có phần kỹ lưỡng hơn. Tôi nghĩ thể lệ thế nào cũng chỉ là thể lệ thôi. Chúng ta đừng quan tâm cứng nhắc. Các bạn trẻ thích viết, thích dự thi cứ trau dồi bút lực của mình. Đừng ngộp trước bất cứ một cái gì có dính dấp tới số lượng. Đỉnh thì vẫn là đỉnh dù ít hay nhiều.
* Tác giả 8X, 9X thuộc GĐAT An Giang cộng tác với tập san Áo Trắng tương đối đều. Chị kỳ vọng điều gì ở lớp viết trẻ này?
- Tôi rất vui vì lực lượng viết trẻ ở An Giang khá đông và mạnh. Có những cây viết rất trẻ nhưng đi đâu cũng nghe nhiều người nhắc tên, bài đăng báo khá phong phú và rất “máu” nghề. Tôi tin đây là lực lượng kế thừa văn học An Giang rất xứng đáng ở tương lai.
* Những dự định sắp tới của chị cho văn chương?
- Tôi đã hoàn thành một tiểu thuyết, một tập truyện ngắn mới. Nếu thuận lợi thì cả hai được in trong năm 2013. Còn những gì đằng sau đó, tôi dự định sẽ... ngồi nhìn. Văn chương có bao giờ cho tôi định trước được cái gì đâu. Vì văn chương vốn khoái tự do và ngẫu hứng mà.
* Xin chúc chị đạt nhiều thành công mới!
Áo Trắng số 4 ra ngày 01/03/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận