Thảo Trang: Đọc lại Tết ở làng Địa Ngục có khi sửa nát
* Thảo Trang này, sẽ không ít bạn đọc tò mò vì sao một cô gái như Trang lại viết tiểu thuyết kinh dị đấy. Bạn đã bắt đầu viết thể loại này trong một cơn cớ ra sao?
- Hồi nhỏ, tôi thường cộng tác cho các báo Thiếu Niên Tiền Phong, Nhi Đồng.
Thậm chí còn từng "tự sản xuất" một "tờ báo" tên là Hoa Đào để bán cho các bạn học cùng lớp (Cười). Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó, mình sẽ thành nhà văn cả.
Mọi thứ đến một cách hết sức tình cờ. Gia đình tôi có một nhà máy may ở Thanh Hóa. Ban ngày, không khí rất đông vui và náo nhiệt nhưng khi đêm về rất vắng vẻ và buồn.
Đó cũng là khoảng thời gian ngày nào tôi cũng nghĩ đến tiền, khiến cho tâm hồn mình, cách nói chuyện cũng khô cằn đi. Trang không vui với điều đó lắm.
Có một buổi tối gần Tết, trời mưa, lạnh, buồn, không biết làm gì, tôi quyết định ngồi viết. Năm chữ đầu tiên tự nhiên xuất hiện trong đầu: Tết ở làng Địa Ngục. Đó cũng là tên cuốn tiểu thuyết đầu tay trên mạng của tôi.
* Tự nhiên nghĩ ra cái tên đó và viết? Hay nhỉ? Sao lúc đó "Tết" lại đi cùng "Địa Ngục"?
- Tết có phải lúc nào cũng vui đâu. Đủ thứ lo toan của đời sống và bên cạnh những ấm áp, vui vẻ, hạnh phúc thì cũng có những cô đơn, bộn bề, thậm chí những giọt nước mắt. Tôi nghĩ, mình muốn viết một cái gì đó về Tết mà nó phải gợi ra được nhiều ý nghĩa.
Lúc đó Trang cũng chưa viết tiểu thuyết dài bao giờ, chỉ biết mình muốn viết thì viết thôi. Trang cũng không nghĩ nó thành công đến vậy. Bây giờ mà đọc lại chắc Trang sẽ sửa nát.
"Hệ thống ma quỷ dân gian Việt Nam xịn khủng khiếp"
* Một cô gái chọn viết thể loại kinh dị thì gu Thảo Trang cũng phải "dị" lắm… Thế giới kinh dị ma quỷ có điều gì thu hút bạn thế?
- Khi viết kinh dị, Trang phát hiện ra một điều, đó là các cụ nhà mình sao mà "xịn" quá!
* Xịn ra sao?
- Lời ăn tiếng nói, những kiêng kỵ, những con "ma" mà các cụ tạo ra và để lại trong hệ thống văn hóa dân gian Việt Nam "xịn" khủng khiếp.
Trang bị ngạc nhiên lẫn thu hút. Chúng có nhiều thông điệp, lớp tầng ý nghĩa cũng như có nhiều biểu hiện sinh động, phong phú, chẳng thua kém bất cứ nền văn minh, văn hóa nào.
Chúng ta đa số đi ra từ nông thôn, bờ tre gốc rạ. Hồi bé, ai mà chẳng một lần được nghe ông bà cha mẹ kể chuyện về những con ma.
Tụi trẻ con vừa sợ vừa hóng. Nghĩ lại, Trang thấy chính lúc đó thế giới tuổi thơ mới đẹp nhất, phong phú nhất.
Giờ, sao chúng ta ngồi giữa điều hòa mát rượi, mạng Internet kết nối toàn cầu, nhiều phương tiện giải trí mà có những lúc ta chợt giật mình khi cảm thấy đời sống tinh thần sao mà nghèo nàn thế?
Trong khi thời các cụ, đời sống khó khăn nhưng thế giới tinh thần lại đầy tính giải trí như thế!
Chúng ta đi đông đi tây, nói về toàn cầu, về thế giới phẳng và chúng ta quên bẵng đi một kho tàng, kho báu đến từ tri thức của dân gian mà thế hệ trước để lại.
Mang một phần nhỏ bé trong kho tàng đó ra để kể, độc giả ồ lên kinh ngạc, tôi thấy vui và nhận ra công việc viết văn đầy giá trị.
Con người phải "tháo chuông"
* Nhưng viết văn kinh dị có yếu tố ma quỷ dễ bị nói là cổ xúy mê tín dị đoan, Thảo Trang không sợ mình đang đi trên... dây ư?
- Không riêng gì Việt Nam, ở trên thế giới, mảng đề tài ma ma quỷ quỷ cũng chưa được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng.
Có khi người ta tôn trọng nhà văn viết lịch sử nhưng lại khinh miệt nhà văn viết kinh dị. Người ta nhầm lẫn giữa mê tín dị đoan và tín ngưỡng.
Ngay cả phong tục cũng có những phong tục tốt đẹp cần phát huy và có cả những hủ tục cần thay đổi mà. Để đánh giá câu chuyện này không dễ.
* Thảo Trang chọn cho mình một hướng đi ra sao?
- Trước đây có nhiều truyện kinh dị tâm linh nhưng tác giả mới dừng lại ở khai thác nỗi sợ và dựa vào cô đồng, thầy pháp để giải quyết vấn đề. Tôi đi theo một hướng khác: con người phải là đối tượng "tháo chuông".
Trong văn của tôi, câu chuyện kinh dị tâm linh chỉ là lớp áo bên ngoài, tôi muốn mượn những yếu tố đó để nói về thế giới mà chúng ta đang sống. Như Ngủ cùng người chết nói về nạn buôn người; Tết ở làng Địa Ngục nói về nhân quả báo ứng…
Qua đó, lồng vào những triết lý, quan điểm nhân sinh quan, những phong tục văn hóa dân gian của người Việt.
Xuất phát điểm từ văn học mạng, Thảo Trang đang là nhà văn "ăn khách" với thể loại kinh dị.
Tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục của Trang được chuyển thể thành phim cùng tên, chiếu trên nền tảng OTT; phim Kẻ ăn hồn - phần ngoại truyện của phim Tết ở làng Địa Ngục - do cô đồng kịch bản vừa ra rạp được vài ngày.
Một tiểu thuyết khác của Thảo Trang - Nhật Bình đoạt mạng - nói về thảm nạn đường sắt năm 1988 - cũng sẽ được chuyển thể và đưa lên màn ảnh trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận