30/09/2004 09:01 GMT+7

"Nhà văn" Saddam Hussein

     TUẤN VŨ (Theo Prospect)
     TUẤN VŨ (Theo Prospect)

TT - Trong một phòng giam nằm cách biệt với tất cả phòng giam khác, một người đàn ông già nua, râu dài cặm cụi viết lách trên một chiếc bàn nhỏ. Đó chính là Saddam Hussein, cựu tổng thống Iraq.

LXHQXiZQ.jpgPhóng to
TT - Trong một phòng giam nằm cách biệt với tất cả phòng giam khác, một người đàn ông già nua, râu dài cặm cụi viết lách trên một chiếc bàn nhỏ. Đó chính là Saddam Hussein, cựu tổng thống Iraq.

Ông viết mà không biết chắc lắm tác phẩm của mình sẽ được đăng hay không... Đó là tác phẩm thứ năm của Saddam Hussein, dự kiến mang tên Sự thức tỉnh lớn, một hùng ca đầy ẩn dụ, chất chứa những khao khát và hận thù...

Trong dịp tờ Asharq al-Awsat công bố tác phẩm thứ tư của Saddam Hussein Hãy cút đi, ma quỉ! (chưa ra mắt công chúng do hoàn tất ngay trước chiến tranh, vào tháng 3-2003), nguyệt san Prospect của Anh đã điểm lại "cuộc đời văn chương của Saddam Hussein" qua bốn tác phẩm đầu tiên của ông.

Nàng Zabibah và quốc vương

Trong số bốn tiểu thuyết của Saddam Hussein, tiểu thuyết đầu tiên Nàng Zabibah và quốc vương là nổi tiếng nhất và cũng bán chạy nhất (xuất bản năm 2000). Chuyện tình nồng cháy trong tiểu thuyết này cũng mang những ẩn dụ chính trị rõ rệt.

Nhân vật chính, nàng Zabibah, là hiện thân của Iraq (theo các nhà phân tích, nàng Zabibah được Saddam Hussein xây dựng theo hình tượng người vợ thứ tư, Imam, nhỏ hơn ông 40 tuổi mà ông lấy cách đó vài năm).

Gã chồng gian ác của nàng là hiện thân của Mỹ. Còn vị quốc vương hùng mạnh và đầy hận thù thì là hiện thân của chính ông, Saddam Hussein.

Tiểu thuyết được khởi đầu như một câu chuyện cổ tích: "Ngày xửa ngày xưa có một vị vua vĩ đại và hùng mạnh [...] ảnh hưởng của ngài vô cùng rộng lớn [...] ngài khiến mọi người phải tôn trọng, yêu thương và tin tưởng, đồng thời cũng ngưỡng mộ và sợ hãi. [...] Vị vua ấy buộc thần dân của mình phải tuân phục một cách tự nguyện hay bằng sức mạnh".

Sau một cuộc hôn nhân không may mắn, trái tim nàng Zabibah đã rung động trước vị quốc vương và nàng đã trao thân cho ông ta. Sau đây là một trích đoạn của tiểu thuyết: "Theo nàng, một nhà vua có nên áp đặt sự cai trị nghiêm ngặt lên nhân dân của mình không?" - vị quân vương hỏi. "Tâu hoàng thượng, nhân dân cần những biện pháp nghiêm ngặt để cảm thấy được bảo vệ" - nàng Zabibah đáp".

Có thể thấy những trao đổi giữa vị quốc vương và nàng Zabibah là cách thức Saddam Hussein thanh minh những hành động cứng rắn của ông. Trong tiểu thuyết, vị quốc vương luôn có tiếng nói cuối cùng về các đề tài như quyền lực, cái ác, công lý, thiên nhiên, truyền thống...

Một đêm nọ, trên đường về nhà, Zabibah bị một kẻ bịt mặt cưỡng hiếp và kẻ này hóa ra là chồng của nàng. Sự kiện này đã tạo cơ hội cho vị quốc vương phục thù. Một trận giao tranh lớn đã bùng nổ trùng hợp với ngày diễn ra chiến dịch "Bão sa mạc" trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Nhưng trong tiểu thuyết, người chồng tàn bạo chỉ chiến thắng một cách tượng trưng mà thôi bởi lẽ hắn đã bị đánh cho tơi bời khói lửa. Trật tự đã được vãn hồi, nhưng bi thảm thay, cả nàng Zabibah lẫn vị quốc vương đều không còn sống để thấy được khung cảnh thái hòa này.

Nàng Zabibah và quốc vương đã được dựng thành phim truyền hình 20 tập và một số trích đoạn đã được dự kiến đưa vào sách giáo khoa.

Ba cuốn tiểu thuyết kế tiếp

Cuốn tiểu thuyết thứ hai của Saddam Hussein mang tựa đề Pháo đài bất khả xâm phạm. Cũng giống như trong cuốn Nàng Zabibah và quốc vương, chính trị cũng được ngụy trang phía sau một câu chuyện tình ái.

Lấy bối cảnh sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, cuốn sách kể về một cựu binh si mê một cô gái ở miền bắc Iraq, nơi Saddam Hussein đã tiến hành những chiến dịch chống lại người Kurd.

Ông đã dùng hình tượng cô gái miền bắc để ẩn dụ cho mảnh đất phía bắc mà ông cho rằng cần phải được bảo vệ trước sài lang. Trong một diễn biến phụ, một người đầy tớ đã bỏ trốn cùng cô em gái của chủ nhân. Đây được xem là một ẩn dụ rõ rệt về "sự phản bội của Kuwait".

Cuốn tiểu thuyết thứ ba mang tên Những người đàn ông và một đô thành, kể về sự đi lên của Đảng Baath.

Trong cuốn tiểu thuyết thứ tư mang tên Hãy cút đi, ma quỉ!, Saddam Hussein đã trở lại với lối viết sở trường của ông mà các nhà phê bình Iraq gọi là "văn học chiến tranh".

Cuốn sách này kể về một trận chiến dẫn dắt bởi một chàng trai Ả Rập quí phái mang tên Salem chống lại các kẻ thù Mỹ và Do Thái (ngụy trang dưới lớp vỏ "các bộ tộc nước ngoài trong thời cổ") trong một cuộc tấn công khiến gợi nhớ đến các vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Nhà xuất bản Al Hourriyah ("Tự do") thuộc Phủ tổng thống Iraq đã dự định cho in 40.000 bản cuốn sách này thì cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 bùng nổ.

Người ta hiểu vì sao các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Israel lại chính là những bạn đọc nôn nóng nhất đối với các tiểu thuyết của Saddam Hussein.

Ai là tác giả?

Mặc dù bị các chuyên gia đánh giá không cao về văn phong, bố cục, thể hiện, song các sách của Saddam Hussein quả thật đã là một hiện tượng tại Iraq.

Các nhà phê bình Iraq lúc bấy giờ gọi chúng là "những kỳ tích văn chương mà không ngòi bút nào trong thế kỷ 20 có thể sánh được". Vì hiếu kỳ mà rất nhiều người Iraq đã mua sách của Saddam Hussein...

Tuy nhiên, một số dư luận lại cho rằng các tiểu thuyết này không phải do ông viết. Theo Amin al-Issa của Nhà xuất bản As Saqi, thoạt tiên Saddam Hussein đã để cho người khác tôn vinh ông.

Cuốn sách Những ngày dài do Abdel Amir Mua'la Saddam viết về chân dung của Saddam Hussein đã được nhà đạo diễn Ai Cập Toufic Salih đưa lên màn ảnh lớn. Nhưng Saddam Hussein vẫn không hài lòng với việc người khác viết về ông (dù khen hay chê), do đó tự bắt tay vào biên tập cuốn Nàng Zabibah và quốc vương.

Có những lời đồn đãi rằng có một người đã bị đầu độc chết để bí mật này mãi mãi không ai biết..., tất nhiên là ngoại trừ Saddam Hussein.

Điều này có thật hay chỉ là tin đồn? Câu hỏi đó có lẽ sẽ giải quyết được qua cuốn tiểu thuyết thứ năm của ông viết trong tù. Đây chắc chắn sẽ là cuốn sách đích thực do nhà cựu độc tài Iraq viết ra.

Saddam Hussein bắt đầu viết lách trong vài năm gần đây. Tác phẩm của ông đều là những tiểu thuyết tình cảm xen lẫn những yếu tố huyền thoại và điển tích, viết bằng lối văn hùng biện xen lẫn với tự sự.

Người ta đồn rằng S. Hussein lấy cảm hứng viết lách từ người chú của ông, cựu thị trưởng Baghdad, người đã xuất bản vào năm 1974 một cuốn sách mang tựa đề: Có ba điều mà Thượng đế lẽ ra không nên tạo thành: bọn Ba Tư (Iran), bọn Do Thái và loài ruồi.

Trong chưa đầy năm năm, Saddam Hussein đã cho ra mắt công chúng bốn tác phẩm. Mặc dù S. Hussein không dùng tên thật của ông, nhưng tất cả mọi người đều biết đó là những tác phẩm do ông viết (bản thân ông cũng không bao giờ phủ nhận).

Bằng cách bắt buộc 20.000 trường học khắp Iraq mua mỗi trường 50 cuốn, các sách của ông đã in ra ít nhất 1 triệu bản/cuốn mà không phải tốn một xu marketing nào để trở thành những đầu sách best-seller ở Iraq.

     TUẤN VŨ (Theo Prospect)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên