09/08/2005 12:45 GMT+7

Nhà văn Robert Olen Butler: VN đã dạy cho tôi tình yêu tha nhân

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Nhà văn Mỹ từng đoạt giải Pulitzer này tâm sự, ông đã "trầm mình" vào lối sống VN từ khi còn là một trung sĩ thông dịch viên đóng quân tại Long Bình và Sài Gòn. Chuyện xảy ra cách đây đã gần 40 năm nhưng vẫn còn nguyên xúc cảm trong tâm trí ông Butler, hiện là giáo sư khoa Văn ở Đại học McNeese.

2SIujV4n.jpgPhóng to
Nhà văn Robert Olen Butler
Nhà văn Mỹ từng đoạt giải Pulitzer này tâm sự, ông đã "trầm mình" vào lối sống VN từ khi còn là một trung sĩ thông dịch viên đóng quân tại Long Bình và Sài Gòn. Chuyện xảy ra cách đây đã gần 40 năm nhưng vẫn còn nguyên xúc cảm trong tâm trí ông Butler, hiện là giáo sư khoa Văn ở Đại học McNeese.

Là khách mời của mục Diễn đàn văn học trên tuần báo Le Nouvel Observateur (Pháp) nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày VN thống nhất, Robert OLen Butler tâm sự rằng nếu không sang VN (từ 1969 đến 1972) thì ông không thể có các tác phẩm đoạt được giải thưởng giá trị như Pulitzer dành cho tiểu thuyết (cuốn A Good Scent From A Strange Mountain, năm 1993), National Magazine Award (A Fair Warning , năm 2001)...

"Không phải nhờ chiến tranh, bởi nó chỉ là cái màn phông hậu trường đã giúp ngũ quan của tôi phát triển sắc cạnh hơn, mà vì thực tế phi chiến tuyến ở đó đã khiến tôi phải trầm mình sâu vào nền văn hóa VN, học tiếng Việt, kết thân với người Việt thuộc mọi nấc thang xã hội để rồi chỉ có kinh nghiệm ở VN đã là tất cả hành lý quý giá nhất của tôi, hơn hẳn mọi kinh nghiệm tôi từng trải qua với đủ các nghề trước đó. VN đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã yêu say mê với VN", ông thổ lộ.

"Để tránh không bị điều ra mặt trận, tôi đã đăng ký học tiếng Việt trong một trường dành cho binh lính Mỹ. Tôi học trong một năm, mỗi ngày 7 tiếng, mỗi tuần 5 ngày với những thầy giáo sử dụng tiếng Việt thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Thế nên tôi cũng đã có thể nói tiếng Việt thật trôi chảy", Butler cho biết.

Ông được biệt phái sang Army Military Intelligence (Quân báo của bộ binh Mỹ) phục vụ trong một căn cứ quân sự cách Sài Gòn khoảng 40km về hướng Đông Bắc trong thời gian năm tháng.

"Lúc ấy tôi đã kết thân với những cô gái điếm, người lao công, thợ may, tiều phu, nông dân, thầy giáo, viên chức chính quyền làng, ấp, khóm, xã... Nói được tiếng Việt, tôi đã được họ tin cậy. Tôi đã tự "Việt Nam hóa" chính mình rất thành công, tôi tự nhủ như vậy".

Rồi Butler có 7 tháng sống và làm việc ngay tại Sài Gòn. Chiều nào ông ta cũng mặc thường phục, súng ngắn P38 lận lưng mà dạo phố, sục vào các con hẻm, khu ổ chuột, nơi hầu như không có ai ngủ vào ban đêm.

"Họ thường thích thú mời tôi vào nhà họ chơi. Tiếng Việt đã giúp tôi thoát chết hàng ngàn lần, điều mà mãi sau này tôi mới tình cờ khám phá ra", ông kể.

"Tôi đã trở lại Sài Gòn vào các năm 1994, 1995 và 2000. Lần trở lại năm 1995, tôi đã tìm ra được căng tin mà mình thường lui tới giải khát năm xưa và biết rằng chỗ ấy từng là bản doanh của một đơn vị Việt Cộng. Hóa ra tôi đã chỉ là một sĩ quan quân báo hạng bét".

Butler nhận xét rằng nếu như hồi năm 1961 khi Tổng thống Kennedy phái McNamara sang Sài Gòn với lệnh hãy tìm hiểu xem thực chất người dân Nam VN muốn gì, cần gì, thay vì chỉ gặp các nhà lãnh đạo chính quyền thì chắc chắn cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại VN đã không kéo dài, thậm chí không leo thang hơn kể từ năm 1964.

"Muốn biết tâm tư và hành động của người VN thì chỉ cần thử băng qua một con đường tấp nập xe gắn máy ở Sài Gòn. Băng qua là băng, không chần chừ chờ đợi, vì nếu chờ dòng xe dừng lại cho bạn qua thì có khi bạn sẽ chết già bên lề đường không chừng. Đừng thối lui nửa chừng, không kinh hãi nhìn các xe đang lao về phía mình vì đến khoảnh khắc cuối, chiếc xe ấy sẽ tránh bạn thật tài tình và bạn thì sẽ sang được đến lề đường bên kia thật an toàn", ông nói.

"Người VN là như thế, rất thực tế và tinh tế nắm bắt thời cơ, uyển chuyển xử trí theo từng thời điểm, giỏi tính toán, rất kiên trì, nhẫn nại và giỏi học tập. Trong làng nào cũng có đình thờ một vị tướng, một người hùng đã chiến thắng giặc ngoại xâm.

Nếu như McNamara và Kennedy hiểu được như thế thì đã chẳng có chiến tranh. Cuộc chiến ấy thật sự là vô ích", Butler nhận định, "Hãy nhìn lại cách nay hơn 10 năm, khi lệnh cấm vận của chính quyền Washington vẫn còn hiệu lực thì nền kinh tế VN đã chuyển sang cơ chế thị trường, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia".

Tác giả của khoảng 15 tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn (gần đây nhất là cuốn Had A Good Time và tuyển tập Severance ) cùng rất nhiều bài báo được giới phê bình ca ngợi này kể rằng, tuy sinh ra (năm 1945) và lớn lên ở Granite City, bang IIlinois, nhưng sau khi từ chiến trường VN trở về an toàn, ông đã chọn sống ở miền Nam bang Louisiana vì ở đó có cảnh quan thiên nhiên và thời tiết khá gần gũi với VN.

Cũng chính tại đây ông đã gặp nhiều người Mỹ và người Mỹ gốc Việt từng ít nhiều "can dự" đến chiến trường VN năm xưa. Họ đã trở thành những nhân vật trong tập truyện ngắn A Good Scent From A Strange Mountain đem về cho ông giải Pulitzer năm 1993.

"Là người sáng tác văn học, tôi không thể chữa cho mình hết "nghiện", hết ám ảnh bởi VN. Đất nước này đã dạy cho tôi biết thế nào là tình thương, tình yêu tha nhân và nhờ vậy mà hôm nay tôi có thể viết về những giờ phút cuối đời của những Marie-Antoinette, Ciceron, Lacenaire, Mishima trong tác phẩm mới của mình", Butler thổ lộ ông đã có vợ, bà Elizabeth Dewberry, cũng là một văn sĩ, tác giả cuốn tiểu thuyết His Lovely Wife và từng đi cùng ông trong những lần trở lại VN.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên