![]() |
* Lúc viết Cánh đồng bất tận, có lúc nào Ngọc Tư nghĩ rằng truyện của mình rồi sẽ trở thành best-seller không?
- Thiệt tình là không. Lúc viết thì vì cảm xúc, cũng vì chút tự ái mà quyết liệt viết vậy thôi. Vừa rồi đọc báo thấy nói sách bán chạy, Tư nghĩ bán được nhiều, có tái bản, chắc là được thêm ít nhuận bút (cười).
* Viết vì tự ái ư?
- Lúc đó bạn bè chê mình viết không có gì mới. Và tự mình Tư cũng thấy cần phải đổi mới mình đi.
* Còn cảm hứng?
- Từ một chuyến đi An Giang, khi nghe một ông cán bộ nói bây giờ thợ gặt quê ông bị nhiễm HIV còn nhiều hơn con gái trên phố nữa. Vậy là cảm xúc bị kích lên, Tư thấy cần phải viết. Vậy thôi...
* Đọc Cánh đồng bất tận, thấy nổi lên triết lý nhân quả qua nỗi đau của những phận người. Tư có chủ ý viết về nhân quả?
- Có chủ ý chứ. Với lại nhân quả trong cuộc sống có nhiều lắm, ngay trong các câu chuyện, lời nói của bà ngoại Tư. Và nhân quả không phải là cái gì do Trời giáng xuống, mà do chính lòng người; những nỗi đau bắt nguồn từ lòng thù hận của con người. Tư nghĩ con người nên mở lòng ra, sống nhân ái với nhau.
* Tư có nghĩ rằng con người có thể vượt ra khỏi qui luật nhân quả không?
- Chắc là không.
* Nếu bây giờ có nhân vật Điền và Nương ở ngoài đời thực, khi đưa truyện Cánh đồng bất tận cho họ đọc, theo Tư thì hai người đó sẽ nói gì?
- Chắc họ kêu mình nói dóc quá. Làm gì mà có người cha ghê gớm quá vậy. Với lại mình là nhà văn mà. Thế nào người ta cũng nghĩ mình... nói dóc!
* Nhà văn Sơn Nam từng nói: đọc Nguyễn Ngọc Tư thấy những người nghèo ở miền Tây Nam bộ trong Cánh đồng bất tận còn nghèo hơn cả những người nghèo mà ông từng viết các thời trước... Tư nghĩ sao?
- Người nghèo thì trước đây hay bây giờ đều có. Tư chọn viết những gì mà người đi trước không viết thôi. Với những gì người đi trước viết rồi, nếu mình đi lại con đường ấy, hoặc mình phải tránh qua một bên, hoặc là mình phải vượt trội hơn. Nhưng vượt trội thì khó quá, ví dụ như để vượt qua Vũ Trọng Phụng thì... thôi đi, Tư không tự làm khó mình mà chọn cái mình làm được. Như viết Cánh đồng bất tận.
* Ngọc Tư có quan tâm tại sao người ta thích đọc sách, đọc truyện của mình?
- Chắc là không. Mình không thể hiểu hết bạn đọc, có khi viết xong cái truyện mà bản thân mình thấy thích lắm nhưng bạn đọc lại chê. Còn với truyện Cánh đồng bất tận, Tư không nghĩ nó sẽ được nhiều người thích mà chỉ mong có bạn bè, đồng nghiệp thích là đã hạnh phúc lắm rồi. Với lại Tư cũng không có ý tìm hiểu bạn đọc của mình.
Vì nếu biết người ta muốn cái gì, thích đọc cái gì có khi mình lại viết chiều theo ý của họ. Thôi thì cứ đường ai nấy đi, nếu gặp nhau là tốt. Cũng có người mê truyện của Tư nhưng không giải thích tại sao. Mấy nhà phê bình cũng không nói sâu cho Tư hiểu. Họ chỉ khen mấy cái mà bản thân Tư đã rõ về mình.
* Khen sâu sắc hay chê sâu sắc cũng là đóng góp tích cực cho người viết chứ, phải không?
- Đúng, nên khen hay chê cho sâu. Chỉ có đánh bóng và vùi dập là không tốt. Mình còn trẻ, chưa dày dạn, nếu đánh bóng thì không tốt mà bị vùi dập là chết liền đó nghen. Có thể nói là Tư hơi nhát gió. Truyện nào viết xong cũng phải đưa ai đó đọc qua, nghe họ nhận xét, về suy nghĩ lại rồi mới dám gửi báo.
* Tư tích lũy, bồi đắp thêm cho nghề văn như thế nào?
- Khi tuổi đời mình lớn lên thì sự tích lũy tự nhiên nhiều lên thôi. Cái nhìn của Tư so với cách đây năm, bảy năm cũng khác lắm rồi. Và Tư muốn đọc nhiều sách, nhiều lúc muốn đọc các trường phái, xu hướng mới để biết người ta đang viết như thế nào. Nhưng ở dưới này ít sách quá. Thật ra sự bồi đắp cho nghề theo Tư nghĩ cũng không cần phải làm gì ghê gớm đâu, tự nó đến thôi.
* Cánh đồng bất tận có vai trò quan trọng như thế nào trong chuyện viết văn của Tư?
- Tư nghĩ vượt qua chính mình là quan trọng nhất. Tư không biết đến 50 tuổi mình sẽ viết cái gì, viết như thế nào đâu. Lâu lâu mình đánh “ùm” một cái cho người ta nhớ mình. Với lại khi bạn đọc thấy mình đã nhàm, bản thân mình thấy mình cũng cạn kiệt khi đi theo hướng đó thì mình phải vẹt một hướng khác mà đi chứ. Vẹt một hướng khác nhưng là mình vẹt theo kiểu của mình, trước khi người đọc chán mình. Cánh đồng bất tận là món mà Tư xen vào cho người ta thấy khác lạ, để còn nhớ đến mình...
* Thường thì nhà văn có hai cách nói: tôi có ảnh hưởng ai đó, và tôi không ảnh hưởng ai cả. Còn Tư thì sao?
- Người cho rằng mình bị ảnh hưởng ai đó thì có vẻ không tự tin, còn người tự cho là mình không chịu ảnh hưởng của ai thì lại quá tự tin. Với Tư thì có khi mình bị ảnh hưởng mà không hay. Tư nghĩ ít nhiều mình cũng bị ảnh hưởng chứ, vì sống giữa đời mà. Cũng như có người cứ nói là từ nhỏ tới lớn và tới già tới chết tôi không nhờ vả ai. Nhưng lỡ mai mốt xảy ra cái gì đó, chẳng hạn bị... cháy nhà thì sao. Nói tuyệt đối thì cũng không chắc chắn được!
* Trong khi viết, Tư có cái gọi là “trường hợp sáng tác” không? Và Tư có bao giờ nghĩ rằng mình viết cái này là để chuyển tải một tư tưởng gì không?
- Không. Tư tưởng gì thì chắc do mấy nhà phê bình đọc truyện rồi nói ra thôi. Còn sáng tác thì cứ lúc nào thấy xúc động, đủ cảm xúc, có suy nghĩ về cái mình đã trải qua, có nhu cầu phải viết, nếu không viết chắc... tự tử mất thì Tư viết thôi.
Với lại mình viết mấy cái dễ dễ trước, cái khó để đó từ từ viết. Với những đề tài hiền hiền Tư viết một trăm cái truyện nữa cũng chưa hết vốn. Cũng có đề tài suy nghĩ rồi nhưng chưa viết được, nói ra sợ người ta cản mình à nghen. Từ từ thôi, mình không thể tự hủy mình trong sáng tác.
* Có bao giờ vì xác định đề tài sai, hay xác định thời điểm công bố tác phẩm sai mà thành ra nhà văn tự hủy mình không?
- Có chứ, Tư thấy nhiều người bị nạn rồi. Mình có nhiều cách để lựa chọn chứ, hãy làm những cái sức mình chịu đựng được. Có những người sùng bái văn chương nhưng với Tư văn chương có quan trọng gì đâu, cuộc đời mình còn nhiều thứ khác chứ. Nói thiệt, văn chương không là gì để cho mình đánh đổi tất cả.
Với riêng Tư, một truyện được viết ra là trút bỏ một cái gì đó từ cảm xúc của mình, chứ không phải “đứa con tinh thần” gì như nhiều người nói. Đứa con thiệt là đứa Tư đang ẵm trên tay nè. Còn văn chương chỉ là cái nghề sống được.
Khi Tư viết xong, tác phẩm ra đời, người ta muốn làm gì nó thì làm, thây kệ nó. Người ta có lấy cái truyện hay của mình mà làm phim dở thì cũng... kệ họ. Tư viết ra được cái truyện hay là quá mệt rồi. Nhiều người cũng muốn Tư tôn sùng văn chương giống họ, nhưng Tư thì không. Nếu vì chuyện văn chương mà mình chịu hệ lụy này khác thì phải suy nghĩ trước khi viết. Tư có cảm giác mình tỉnh táo quá, nhưng mà như vậy cho khỏe.
* Không phải văn chương, vậy với Tư, cái gì mới là quan trọng trong cuộc sống?
- Thoải mái và vui vẻ, cảm giác bản thân là quan trọng. Gia đình, chồng con, văn chương... cũng là quan trọng, nhưng cảm giác bản thân là quan trọng nhất. Bởi mình có muốn sống thì mình sẽ sống vì gia đình, sống cho văn chương, cho những cái quan trọng kia nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận