Phóng to |
Ông nói: “Chúng ta ai cũng biết đến và khâm phục Tolstoi với tư cách một văn hào vĩ đại, nhưng ít ai biết ông còn là một nhà tư tưởng vĩ đại không kém, thậm chí hơn thế. Không chỉ ở VN, trên thế giới mà ngay ở Nga, đã một thời gian dài người ta cố tình đề cao hết mức nhà văn Tolstoi để hạ thấp hoặc chính xác là lờ đi một Tolstoi, nhà tư tưởng.
Sự ra mắt của cuốn Đường sống - văn thư nghị luận chọn lọc của Tolstoi bằng tiếng Việt bù đắp phần nào sự thiếu hụt trong nhận thức và tri thức của chúng ta lâu nay. Đường sống mở ra cho chúng ta một góc nhìn khác, một thế giới khác của Tolstoi - nhà triết học, nhà tư tưởng, nhà đạo đức... Càng đọc càng thấy ông quá lớn so với những gì ta đã biết”.
Phóng to |
* Điều gì trong tư tưởng của Tolstoi thể hiện trong Đường sống mà ông thấy nổi bật nhất và có thể chia sẻ được ngay, thưa nhà văn?
- Những dấu ấn tư tưởng nổi bật nhất của Tolstoi trong những tiểu luận và thư từ này là sự gắn kết những tinh hoa của trí thức Nga với những tinh túy của nhân dân lao động Nga - nhất là nông dân. Tolstoi yêu người nông dân Nga và nhận rõ những giá trị của họ, nhưng không thần thánh hóa nông dân, coi đó là những giá trị tuyệt đối và phủ nhận trí thức - thành phần xuất thân của chính mình - như các nhà cách mạng dân túy cùng thời và sau này.
Có thể thấy tinh thần này xuyên suốt trong các tác phẩm của Tolstoi, từ văn học đến triết học, dễ thấy nhất qua ngòi bút của ông đặc tả vẻ đẹp Nga (Natasha Rostova trong Chiến tranh và hòa bình). Nhưng ông kiên quyết không biến cái tinh thần Nga đó thành “chủ nghĩa dân tộc” để cho các nhà cầm quyền lợi dụng. Ông đã nhấn mạnh điều đó nhiều lần trong các tiểu luận.
Một điểm nổi bật khác mà chúng ta có thể đọc được từ Đường sống, đó là tầm vóc của Tolstoi, những kiến giải sâu sắc của ông về giáo dục, tôn giáo, triết học, chính trị, xã hội, kinh tế... Nga. Rất thú vị là khi đọc tiểu thuyết của ông, có những điều ta chưa nhìn rõ mà chỉ cảm nhận thì đọc văn nghị luận của ông, ta bỗng thấy được soi sáng và lý giải thấu đáo. Đọc Tín ngưỡng của tôi, Tôn giáo là gì và bản chất của nó ở đâu?..., ta sẽ thấy những diễn biến tâm lý của “cha Xerghi” dưới một ánh sáng nhận thức khác. Hay khi đọc Bàn về giáo dục, về chủ nghĩa xã hội sẽ thấy những tư tưởng của ông thật hiện đại, nó trùng hợp với ý tưởng cách mạng giáo dục của những nhà giáo dục tiên tiến như John Deway (tác giả cuốn Giáo dục và dân chủ - NXB Tri Thức đã xuất bản), nhưng ông đi trước gần nửa thế kỷ...
* Vấn đề đặt ra là sách quá dày, quá nặng cả về trọng lượng và nội dung, chỉ nhìn mà chưa cầm lên đã thấy e ngại, làm sao có thể “phổ cập” nó như mong muốn của ông?
- Đầu tiên, tôi và tất cả độc giả của cuốn sách muốn chuyển lời cảm ơn đến nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư - người nghiên cứu, tuyển chọn và chú giải của bộ sách, cùng toàn thể nhóm dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan, Lã Nguyên. Họ đã làm việc rất cực nhọc và rất hiệu quả để cho ra đời một bản dịch theo tôi là rất tốt, đọc rất hấp dẫn và có chất Tolstoi.
Thứ hai, tôi muốn cảm ơn NXB Tri Thức vì đã quyết tâm xuất bản một cuốn sách thuần túy phổ biến kiến thức và rất khó tiêu thụ như thế này.
Thứ ba, tôi muốn người đọc hãy “bình tĩnh”, Tolstoi - nhà tư tưởng không hề khó đọc hơn Tolstoi - nhà văn. Hơn nữa, đấy là tập tiểu luận - thư từ, bạn có thể từ từ đọc những gì bạn thích trước, quan tâm đến vấn đề nào thì đọc vấn đề đó trước, vì thời lượng của mỗi tiểu luận đều không quá dài. Và khi đó, bạn sẽ thấy tất cả vấn đề mà Tolstoi đặt ra từ hơn một thế kỷ trước đều không xa lạ với chúng ta, từ tự do giáo dục đến quay trở về với nông nghiệp sinh thái..., không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả lớn của thế giới đều nói: “Nhân loại sẽ còn quay trở lại với Tolstoi vì những gì ông đã tìm kiếm, trăn trở và tiên liệu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận