- Nhà văn Nguyên Hương: Khi được nhận giải thưởng tôi rất vui và... yên tâm là mình có tiền sống tiếp đến khi lĩnh nhuận bút của truyện (hoặc tập truyện) sắp được in. Vậy là tôi cũng đã trả lời luôn phần sau của câu hỏi rồi đó. Nói thêm một tí, tôi là phụ nữ cho nên rất biết cách liệu cơm gắp mắm.
* Câu 2: Nguyên Hương là tên thật hay bút hiệu? Ðến nay nhà văn đã có gia đình chưa? Ðược mấy con? Quan niệm của nhà văn về một gia đình hạnh phúc?
- Nguyên Hương là bút hiệu. Tôi đã lập gia đình và có hai con. Gia đình hạnh phúc, theo tôi, là các thành viên chia sẻ với nhau mọi điều, chùm chìa khóa treo ở nơi mà ai cũng nhìn thấy.
* Câu 3: Thế mạnh của một nữ văn sĩ là gì? Nữ văn sĩ nào của VN có ấn tượng nhất với Nguyên Hương? Còn nữ văn sĩ thế giới nào Nguyên Hương thích nhất?
- Thế mạnh của nữ văn sĩ ư? Tôi chưa từng nghĩ tới điều này, câu hỏi của bạn khiến tôi bắt đầu nghĩ tới nó. À, có lẽ là họ rất biết cách chạy đua với thời gian để hoàn thành được vô số công việc có tên và không tên cùng lúc với hoàn thành tác phẩm.
Tôi chỉ ấn tượng với từng tác phẩm cụ thể chứ không ấn tượng tác giả, vì nếu ai đó để lại ấn tượng với mình thì ít nhất mình phải được tiếp xúc với họ trong một dịp đáng nhớ, hoặc mình hiểu về họ thật sâu sắc. Cả hai điều này tôi đều chưa có dịp.
* Câu 4: Tôi muốn có địa chỉ email và số điện thoại của Nguyên Hương để có thể liên lạc nói chuyện văn chương được không?
- Dĩ nhiên là được. Số điện thoại của nhà tôi là 0500 6250405.
Email: huongbanmethuot@gmail.com
2/ NGUYỄN VƯƠNG THANH (lớp 12B1 THPT Lê Thành Phương, xã An Mỹ, huyện Tuy An, Phú Yên)
* Câu 1: Cô có suy nghĩ gì về cách viết văn của nhà văn Trương Anh Quốc, có gì giống và khác khi cô đoạt giải nhất Văn học tuổi 20 (1995)?
- Giống là chúng tôi đều lần đầu được giải nhất. Khác là Trương Anh Quốc viết về biển, còn tôi viết về cuộc sống quanh mình ở cao nguyên.
Ðọc Trương Anh Quốc, ngoài cảm xúc và kiến thức về biển, tôi ngộ thêm nhiều điều bất ngờ. Ví dụ như xem phim đã quen nhìn thấy những thủy thủ đầu đội trời chân đạp sóng hiên ngang giữa biển khơi, đâu biết có lúc họ cần một… chai dầu khuynh diệp.
* Câu 2: Cảm xúc nào đến với cô khi tạo nên hai nhân vật Bảo Yến và Trà My (phim Cỏ đuôi gà), với hai tính cách trái ngược nhau. Gần đây cô có viết kịch bản phim nào không?
- Thời tôi còn trẻ như em, và cả ngay bây giờ, tôi thấy có những đôi bạn rất thân dù tính cách rất khác nhau. Sự khác nhau này gây nên nhiều giận hờn và có lúc thành sóng gió tưởng không bao giờ nhìn nhau được nữa. Nhưng rồi một lúc nào đó họ bỗng thấy nhớ nhau và cái lý do gây giận hờn kia bỗng chỉ là chuyện nhỏ.
Lúc này cái tôi đang viết không phải là kịch bản.
* Câu 3: Tập truyện Quà muộn là truyện ngắn đầu tiên khi cô là thợ may. Vậy tại sao cô quay lưng với nghề này?
- Ðiều đó có nghĩa là tôi rất yêu văn chương, khi quỹ thời gian khiến tôi phải chọn lựa thì tôi chọn công việc viết.
* Câu 4: Nếu không đến chơi với các trẻ em khuyết tật, cô có cho ra đời được tập truyện Yêu bằng tai không? Sao lại có tên như vậy?
- Nếu không đến chơi với các em mà dám viết, thì có lẽ những truyện ấy sẽ rất khác với những truyện tôi đã viết. Bản thân ba tiếng "yêu bằng tai" đã giải thích rõ rồi mà. Em tìm đọc sẽ rõ.
3/ NGUYỄN THỊ DIỆU THÔNG (11A9 THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
* Câu 1: Ðược biết đến cô trong một lần tình cờ nghe truyện dài Học trò phố huyện qua chương trình Ðọc truyện đêm khuya của Ðài Tiếng nói nhân dân TP.HCM. Từ đó mỗi lần đi nhà sách con luôn tìm kiếm cái tên Nguyên Hương, nhưng sao tác phẩm của cô rất hiếm hoi trên các kệ sách mặc dù lượng tác phẩm mà cô sáng tác không hề nhỏ?
- Hi vọng câu hỏi này của Diệu Thông sẽ vọng tới tai của nhà xuất bản, và... tác phẩm được tái bản.
* Câu 2: Con đọc tác phẩm của cô không nhiều. Con chỉ biết đến Học trò phố huyện và Website thương nhớ, thế nhưng cả hai đều lấy của con không ít nước mắt... Văn của cô thường bàng bạc một nỗi buồn khó nói thành lời. Phải chăng vì văn vui khó viết hơn văn buồn, hay bởi tâm hồn cô đang đồng điệu với từng con chữ trong mỗi tác phẩm?
- Cảm ơn nước mắt của em. Em nhận xét văn tôi viết buồn sao? Vậy mà tôi vẫn nghĩ mình là người lạc quan đó. Tôi không nghĩ văn vui khó viết hơn văn buồn. Có vui, có buồn, cuộc đời là vậy mà.
* Câu 3: Không biết có đúng không khi con nhận thấy cô có lối viết văn rất riêng. Ðó là thường đặt dấu chấm lửng cuối câu. Cô viết như vậy là để dòng cảm xúc cứ ngân vang mãi trong lòng độc giả hay là để người đọc tự nghiệm ra điều cô muốn gửi gắm hay đó chỉ đơn thuần là một lối viết?
- Ơ... Tôi đành phải chấm lửng những câu... không thể không chấm lửng. (Trả lời kiểu này là câu hỏi của em khiến tôi bí mất rồi).
* Câu 4: Từ một thợ may, cô chuyển sang một nhà văn. Không biết cô bén duyên với nghiệp văn chương từ bao giờ, cơ duyên nào đã đưa cô đến với văn chương và gắn bó lâu dài với nó?
- Câu hỏi của bạn khiến tôi phải lục lọi ký ức để nhớ... À, hồi đó tôi học ban toán, nhưng bài làm văn thì được thầy giáo đem qua đọc cho lớp văn nghe. Có thể nói bài tập làm văn ngày đó là cơ duyên không nhỉ? Gắn bó lâu dài thì còn điều gì khác ngoài thôi thúc bởi tình yêu?
* Câu 5: Mỗi lần viết xong một tác phẩm, cô có nhờ ai "tư vấn" cho mình cái hay và cả cái chưa hay của tác phẩm không? Theo cô, để một tác phẩm đi sâu vào lòng độc giả chứ không chỉ là những tác phẩm người ta chỉ đọc một lần, hay đấy nhưng rồi họ quên ngay thì người cầm bút phải có những tố chất nào?
- Khi viết xong một truyện mà những suy nghĩ về truyện đó tan chảy đi, trả lại cho mình sự trống rỗng nhẹ nhõm, thì tôi đưa truyện đó vào folder có tên "truyện đã xong". Có những truyện đã viết tới đoạn kết rồi mà vẫn cảm thấy lướng vướng không yên, thì tôi cất tạm vào folder có tên "truyện đang viết". Tư vấn cho tôi là cảm giác của chính tôi.
Tác phẩm đi sâu vào lòng độc giả hay chỉ chạm phớt, là số phận của tác phẩm đó. Còn người cầm bút (hay bất cứ nghề nào khác) thì điều cần thiết là yêu nghề và dám dấn thân.
* Câu 6: Là người đoạt giải cao nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 được tổ chức lần đầu tiên, cô nhìn nhận như thế nào về sức sáng tác của những cây bút trẻ sau mình qua mỗi đợt thi?
- Tuyệt vời.
4/ ÐẶNG TRUNG THÀNH (B5/15K Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM)
* Ðược biết, trước khi đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần I thì chị là một cô thợ may trẻ ở Ðắk Lắk. Vậy nghề may có "bổ trợ" gì cho chị trong việc sáng tác lẫn những giải thưởng về văn học mà chị đã đạt được?
- Hồi đó, dân trong vùng kinh tế mới muốn may một bộ áo quần mới thì phải mất cả ngày đi ra tiệm may ở phố. Nói mất cả ngày là vì hồi đó rất hiếm nhà có xe gắn máy, phải ra ngã ba từ sớm để chờ chực có xe hàng ngang qua vẫy tay xin quá giang, mà xe hàng thì đi suốt ngày tới chiều mới về. Rồi mất thêm cả ngày nữa để ra tiệm lấy áo quần đã may xong (rủi ro mặc không vừa thì mất thêm ngày nữa để thợ may sửa lại). Vậy nên tôi khiêng cái máy may của mình từ phố vào vùng kinh tế mới, mở một tiệm may.
Tôi trở thành cư dân của vùng kinh tế mới như vậy đó, mục đích là kiếm tiền. Nhưng loay hoay một hồi thì tôi lại "kiếm" ra một số truyện ngắn, và một vài trong số đó may mắn được giải thưởng như bạn vừa hỏi.
5/ NGUYỄN HỒNG PHƯỚC (160 ấp Tân An, xã Tân Bình, Châu Thành, Ðồng Tháp)
* Câu 1: Ðược biết truyện ngắn Yêu bằng tai là một chuyện tình buồn của hai người khiếm thị. Vậy có bao giờ chị bị cuốn vào hoàn cảnh của nhân vật mà mình viết, không thể thoát ra được? Những lúc như thế chị sẽ làm gì để lấy lại cân bằng cho cuộc sống?
- Ðang viết bỗng thấy mắt mình cay, quả là có khi như vậy. Và tôi không làm gì cả, cứ để nước mắt tự do rơi xuống và khô đi thôi.
* Câu 2: Nếu Nguyên Hương là bút danh thì chị có thể chia sẻ một tí về cái tên này?
- Hồi đó tập tành viết, đang tự hỏi "nếu gởi đi mà được in thì mình nên lấy tên gì?", thì đứa cháu gái tên Nguyên Hương từ đâu chạy tới, miệng cười châm chọc hỏi: "Dì viết thư cho ai mà viết hoài vậy?".
* Câu 3: Bộ phim truyền hình Cỏ đuôi gà do chị viết kịch bản hình như không được khán giả đón nhận nhiều. Chị có cảm thấy buồn vì điều này không?
- Có.
* Câu 4: Thành tích văn chương của chị thật đáng khâm phục. Không biết lúc trước chị có theo học ngành nào liên quan đến văn chương không?
- Cảm ơn bạn quá khen. Thời phổ thông tôi học ban toán.
Có kỷ niệm này kể bạn nghe. Tôi mê đọc mà hồi đó thư viện tỉnh không cấp thẻ cho học sinh, lý do: học sinh có thư viện của nhà trường rồi. Chị tôi bèn xin giấy giới thiệu của cơ quan chị để làm thẻ thư viện cho tôi mượn. Bằng cách gian lận này, tôi được đọc nhiều sách hay có ở thư viện tỉnh.
Chuyện này nữa, thời bao cấp, tôi có người bạn thân làm nhân viên rạp chiếu phim. Hồi đó, giải trí chỉ có rạp chiếu phim mà thôi, cho nên phim hay là rất khó mua vé (mà cũng không dễ có tiền để mua). Bạn tôi thường lén mở cửa sau cho tôi vô coi cọp. Hên thì còn sót cái ghế ở hạng ba, không thì lót dép ngồi sau rèm cửa thò đầu ra (rèm bằng nhung rất dày và nhiều nếp gấp), lỡ rạp trưởng đi ngang qua thì tôi thụt đầu vô.
Cánh đồng hoang, Pho tượng, Mối tình đầu, Gánh xiếc rong, Thầy lang, Chiếc sừng trâu, Hoa hồng vàng... Tôi đã được coi những bộ phim rất hay bằng cách đó suốt bao năm tháng dài. Những bộ phim đạt sự đồng cảm của khán giả đến mức khi tan phim tất cả những khuôn mặt đều có cùng cảm xúc, những bộ phim khiến tôi thao thức, những bộ phim khiến bạn tôi và tôi xuýt xoa giành nhau nói về nó...
Ðó có thể gọi là ngành học liên quan tới văn chương không?
6/ DƯƠNG THANH HỮU
(HT 057 - Bưu điện tỉnh đồng Tháp)
* Câu 1: Khi viết, chị có nghĩ giữa viết kết thúc có hậu với kết thúc không có hậu thì cái nào nên hơn?
- Cái nào thuận thì nó sẽ dẫn dắt mình. Nhiều khi ý mình muốn vậy mà thành chữ thì cảm thấy trúc trắc.
* Câu 2: Chị có cho việc viết văn là cái mà chị phải làm mỗi ngày không?
- Là việc tôi vui được làm hằng ngày.
* Câu 3: Chị có nhận định gì về luật nhân quả với những thân phận con người?
- Tôi tin luật nhân quả.
* Câu 4: Chị thích nhất điều gì ở con người và các nhân vật của mình?
- Tính cách của họ.
* Câu 5: Bạn đọc cảm nhận chất sống luôn tràn trề trong từng trang viết của chị. Làm cách nào chị có thể thu thập được nhiều chất liệu, chi tiết như vậy?
- Tôi sống.
* Câu 6: Ðã trải qua khá nhiều thăng trầm và đạt được không ít thành công trong chốn "trường văn, trận bút", đến hôm nay chị có còn nghĩ mình vẫn là một cây bút trẻ?
- Ô, đó là một cách gọi thôi, giống như trong tuần có một ngày tên là chủ nhật, cho dù ngày đó mình bận rộn tít mù thì tên của nó vẫn cứ là chủ nhật.
* Câu 7: Với chị, viết văn là cuộc dạo chơi hay là cái nghiệp lỡ vận vào mình...?
- Là công việc rất nghiêm túc.
* Câu 8: Chị quan niệm như thế nào về hạnh phúc?
- Ðược thanh thản.
7/ NGUYỄN THÀNH NHÂN (Lớp 11A9 Trường Trần Hưng Ðạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM)
* Câu 1: Người ta thường nói: Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Vậy đối với một nữ văn sĩ như chị, theo chị thì phía sau thành công của một phụ nữ sẽ là gì?
- Là cả gia đình của họ. Người phụ nữ vướng bận nhiều việc không tên, nếu không có sự chia sẻ của các thành viên trong nhà, người phụ nữ nghị lực đến mấy cũng khó có đủ thời gian (và sức khỏe nữa).
* Câu 2: Có ý kiến cho rằng: Thành công và thành đạt là hai khái niệm khác biệt. Vậy đối với chị, thành công và thành đạt khác nhau như thế nào và chị đang phấn đấu để thành công hay thành đạt?
- Theo tôi, thành công là hoàn thành công việc của mình. Thành đạt là cùng với thành công, mình đạt được vị trí nhất định nào đó trong xã hội. Ngày trước, tôi cũng có nghĩ ngợi về hai từ này, bây giờ, quý giá nhất với tôi là sự thanh thản.
* Câu 3: Cùng là những nhà văn đoạt giải cao từ cuộc thi "Văn học tuổi 20" và cùng được báo Áo Trắng tổ chức "Bạn đọc đặt câu hỏi", chị không nghĩ rằng mình bị đem ra so sánh với nhà văn Trương Anh Quốc sao?
- Nếu có nghĩ, tôi sẽ nghĩ là mình được so sánh. Và tôi nghĩ Áo Trắng không thực hiện điều này vì lý do đó đâu, mục đích của Áo Trắng dễ thương hơn nhiều - là làm cầu nối giữa tác giả và bạn đọc, mong muốn làm ấm nồng không khí văn chương.
* Câu 4: Giải thưởng về tinh thần lớn nhất mà chị nhận được là gì?
- Ðược làm điều mình thích.
* Câu 5: Mỗi khi cầm bút viết một tác phẩm, điều đầu tiên chị nghĩ đến là gì? Và sau khi hoàn thành một tác phẩm, điều đầu tiên chị nghĩ đến sẽ là gì?
- Nếu vào mùa khô như hiện nay, điều đầu tiên tôi nghĩ là "Lạy trời đừng bị cúp điện" và khi hoàn thành là "ngủ một giấc cái đã".
* Câu 6: Thường thì các nhà văn hay đưa một phần cuộc sống của mình vào văn chương. Vậy với chị thì tác phẩm và nhân vật nào là chị tâm đắc nhất?
- Thật sự là rất khó xếp hạng nhất nhì ba các nhân vật trong tác phẩm của mình... Nếu em nhất định phải có câu trả lời thì có lẽ tôi sẽ chọn chàng trai mù chữ tên Hùng trong truyện ngắn Thầy ơi thầy.
Nếu em đồng ý, tôi sẽ gởi em qua email truyện ngắn Thầy ơi thầy, để em hiểu vì sao tôi quý mến Hùng. Không cần phải thành công hay thành đạt mình cũng giúp được người khác, một khi mình thật lòng muốn giúp.
8/ MỸ NGỌC (myngoc161293@yahoo.com.vn)
* Câu 1: Thường thì nhà văn phải suy tư rất nhiều mới có thể viết ra một tác phẩm hay. Vậy nhất là phái nữ, rất sợ nếp nhăn = tuổi xuân trôi mau, chọn con đường văn chương có phải là "mạo hiểm" lắm không? Chị có nghĩ mình sẽ đi theo cây bút suốt đời? Bằng niềm đam mê? Hay vì...?
- Tôi lại nghe được lời khuyên là "Khi trí não chăm chỉ làm việc, bạn sẽ được minh mẫn hơn và sự lão hóa sẽ chậm lại". Mỹ Ngọc nghĩ sao?
Như nãy giờ đã tâm tình với các bạn, tôi yêu công việc hiện nay của mình lắm.
* Câu 2: Chị thấy giữa nghề may và nghề văn có gì khác và giống nhau? Hai bên đều sáng tạo nghệ thuật, lao động trí óc, nhưng dường như chúng chẳng liên quan gì nhau. điều gì đã thúc đẩy chị đến với văn chương? Chắc hẳn hồi nhỏ chị cũng viết rất nhiều? Và đạt được nhiều thành công vậy có phải là văn chương "quyến rũ" chị hơn là nghề may, suốt ngày phải đối diện với những con chữ hơn là với những kim chỉ vải vóc? Ðấu tranh với mấy mươi chữ cái thú vị và sung sướng hơn?
- Mỹ Ngọc ơi, không phải "đấu tranh" mà là "được làm bạn" với mấy mươi chữ cái.
* Câu 3: Chị nghĩ trở thành nhà văn là do cơ may hay do đam mê nhiều hơn? Tại sao?
- Cả hai. Và là số phận nữa. Tôi rất đồng ý với câu này: "Từ suy nghĩ thành hành động, từ hành động thành thói quen, từ thói quen thành số phận".
* Câu 4: Một nhà văn và một nhà thơ có thể hòa hợp được với nhau không? Khi một bên là tâm hồn đầy "rắc rối" suy tư lý lẽ, còn một bên là tâm hồn thơ mộng lãng mạn? Ở họ có điều gì nảy sinh tình yêu? Dù là thơ văn có nhiều điểm tương đồng nhưng làm sao nhà thơ với nhà văn lại ấy ấy với nhau được?
- Nhà văn có thể hòa hợp với nhà thơ, hoặc nhà giáo, hoặc nhà buôn... miễn là họ biết trân trọng nhau.
Câu hỏi "Ðiều gì nảy sinh tình yêu?" khiến tôi đâm ra lơ mơ rồi đây.
9/ HÀ THẾ AN (Lớp 09 báo chí, ÐH Sư phạm Ðà Nẵng)
* Câu 1: Em được biết đến cái tên Nguyên Hương khi đọc truyện dài Học trò phố huyện. Có thể nói rằng, đề tài về thiếu nhi đã mang lại không ít thành công cho chị. Vậy chị thấy viết truyện về thiếu nhi có gì khác biệt so với những đối tượng khác? Ðề tài về thiếu nhi có phải là sở trường của chị không?
- Tôi hơi lúng túng về cụm từ "đề tài thiếu nhi" của bạn, vì nhiều nhân vật trong truyện của tôi ở tuổi thanh thiếu niên. Ðúng là khi viết về những nhân vật trẻ tuổi, tôi cảm thấy mình và họ có sự đồng cảm. Xin cảm ơn nhận xét rất tinh của em.
* Câu 2: Nếu như một tác phẩm của chị được dựng thành phim thì chị sẽ làm thế nào khi đạo diễn thay đổi một số tình tiết trong câu chuyện mà chị nghĩ nó cần được giữ nguyên?
- Viết văn là công việc của riêng tôi. Còn một bộ phim là công sức của rất nhiều người và phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nữa. Khi lần đầu tiên xem bộ phim từ truyện của mình, tôi rất sửng sốt. Nay thì tôi đã quen rồi. Câu hỏi của bạn gợi lại nỗi buồn như đã chìm lẫn vào lối mòn nào đó.
* Câu 3: Chị có nghĩ các nhà văn nữ viết văn thường đi vào lòng người đọc dễ hơn các nhà văn nam không? Nhà văn nữ có ưu thế gì so với các nhà văn nam không chị?
- Có những công việc không hề phân biệt nam nữ, viết văn là một trong những công việc đó.
oOo
Tạm ngừng cuộc trò chuyện này, xin cảm ơn bạn đọc đã quan tâm hỏi han, đây chính là món quà năm mới dành cho tôi. Và xin cảm ơn Áo Trắng đã cho tôi được dịp gặp gỡ bạn đọc. Tôi sẽ lưu những câu hỏi này vào một folder và đặt tên cho nó là "Những câu hỏi của mùa xuân".
Nguyên Hương
Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận