
* Thưa nhà văn, nguyên nhân nào gợi cho ông viết cuốn Gạ tình lấy điểm?
- Trong lời tựa Gạ tình lấy điểm tôi cũng đã nói ra một vài lý do. Tôi đang thử nghiệm một số lối viết tiểu thuyết cho riêng mình. Nghề văn là một nghề luôn phải tìm tòi sáng tạo. Trước trang giấy trắng, nhà văn nào dù tài giỏi đến đâu cũng đều như một học trò vụng dại. Đã từng có thời văn học ở ta chỉ chấp nhận một nguyên lý viết, một tiêu chuẩn định giá nên nhiều nhà văn dù ba đầu sáu tay đến mấy cũng bị khuôn cứng trong lề lối đó.
Những cây bút mới với lối viết mới khi mang bản thảo đến xuất bản đều bị coi là “không biết viết văn”. Tôi cũng đã từng bị như thế. Rất may thời đó đã qua rồi. Ngày nay người ta đã bắt đầu chấp nhận nhiều hình thức mới.
* Trên thực tế đã có nhều cây bút trẻ chịu ảnh hưởng phong cách viết của ông, vậy ông nghĩ những thể nghiệm này sẽ ảnh hưởng tới họ như thế nào?
- Những cây bút trẻ, khi mới viết, đều từng bị ảnh hưởng của ai đó. Tôi cũng đã từng như vậy. Đó là điều mà Hoàng Ngọc Hiến gọi rất hay là quy luật “văn đẻ ra văn”. Những cây bút trẻ có tài năng thực sự thì đến lúc nào đó đếu biết cách thoát ra khỏi những ảnh hưởng của người đi trước. Họ cũng biết tiếp nhận những bài học thành công như thế và chẳng có dại gì đi theo những thể nghiệm xấu.
* Tại sao những đề tài nóng trong xã hội lại trở thành mối quan tâm trong lối viết hiện nay của ông?
- Như thế là tôi cũng đang …hư hoại rồi, đang già rồi “lòng như sắt cứng cũng mềm dần” (Lê Thánh Tôn). Tôi đã theo nghề văn đuợc chừng 20 năm và càng ngày tôi càng thấy hoang mang hết sức. Tôi đã từng thấy những cuốn sách nhảm nhí được người ta đánh giá cao. Tôi không ghen tị, nhưng tôi chán. Thực sự, tôi không phải là người quan tâm đến những đề tài nóng. Tôi nghĩ đã là nhà văn thì cũng không nên chú ý đến những chuyện ấy làm gì, nhà văn nên nghĩ đến những điều vô sự.
Cuộc sống thực ra là những điều vô sự. Con người sinh sự, làm cho nó hữu sự. Nhưng ác nỗi, những đề tài nóng, dung tục thực tế thì lại được lên ngôi. Độc giả văn học nhiều khi cũng nhầm lẫn, cũng tệ! Độc giả thế nào thì nhà văn thế ấy. Không còn nhiều độc giả trung thành và dũng cảm biết đứng ra bảo vệ, tôn vinh những tác phẩm văn học giá trị. Tôi rất cay đắng, thực sự rất cay đắng…
* Trong lời tựa cuốn Gạ tình lấy điểm, ông viết rằng “tiểu thuyết - đấy là một thể loại nghệ thuật có tính thị phi, ngồi lê đôi mách” nghĩa là thế nào, có khác với quan điểm lý luận văn học “cao thượng” mà người đời vẫn thường hay quan niệm hay không?
- Điều cốt yếu của nhà văn - người nghệ sĩ là sự hồn nhiên, là tôn trọng tạo hóa, tôn trọng tự nhiên. Cuộc sống - tôi đã nói rồi - bản chất của nó là sự vô sự, thậm chí là sự nhảm nhí, lung tung lộn xộn, vô minh và hỗn độn. Hãy trình bày nó như nó vốn thế, hãy làm cho nó đẹp và nhân đạo hơn trong mức độ có thể. Hết! chúng ta chẳng làm được gì!
* Gạ tình lấy điểm xuất phát từ một chuyện tai tiếng trong ngành giáo dục, ý đồ của tác giả trong tiểu thuyết này là gì vậy?
- Tôi đã có kinh nghiệm buồn rầu trong hai muơi năm phục vụ trong ngành giáo dục từ một giáo viên tiểu học miền núi đến một cán bộ của Bộ giáo dục. Tôi đã chứng kiến những mặt trái mặt phải của nghề dạy học. Giáo dục là nền tảng nhân đạo, nhân văn của một thể chế xã hội. Rất tiếc hiện nay giáo dục của ta còn nhiều vấn đế rất tệ. Tại sao như thế? Nhiều người đã nói về nó.
Tôi đã nghĩ mãi và nhận ra rằng hình như giáo dục của ta đã có những chuyện không ổn ngay từ nguyên lý. Trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết này, lúc đầu tôi tưởng dễ dàng nhưng càng viết tôi càng thấy khó. Thật ra, dù xuất phát từ một scandal có thật, nhưng câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng là vô sự. Đi đến kết thúc ấy rất khó, tôi đã vất vả loay hoay đến 7 tháng trời.
Tôi biết tỏng rằng Tiểu long nữ tôi chỉ cho điểm 3/10, còn Gạ tình lấy điểm khéo lắm cũng chỉ 2/10.
* Ông từng là giáo viên, vậy khi viết về Nhân vật thầy giáo gạ tình lấy điểm, ông nghĩ sao về nhân vật ấy?
- Dạy học là một nghề lương thiện, một nghề “kiết xác”, đấy từng là kinh nghiệm của tôi. Tôi đặc biệt qúy trọng và có thiện cảm với các giáo viên tiểu học, những “người thầy đầu tiên”. Trong tình cảm của mình, thậm chí tôi đã từng coi họ là những bậc tiểu thánh. Sơ học - đấy thực sự là một môi trường tuyệt vời và trong sáng nhất (cho dù đôi khi người ta có phải liếm ghế, ăn giẻ lau hoặc chạy vòng quanh sân trường giữa trưa nắng đi nữa!).
Càng học lên cao tôi càng ngờ vực nhiều hơn. Nhưng làm sao được? Thế giới này muôn thủa rốt cuộc là vẫn vô minh! Đời là như thế. Lúc đầu, khi viết tiểu thuyết Gạ tình lấy điểm, tôi đã nghĩ ngay đến điểm kết thúc. Chương cuối của cuốn tiểu thuyết sẽ là hình ảnh ông thầy giáo tệ hại bị rơi vào một hố phân trên cánh đồng: tình thế này vừa bi thảm, vừa trớ trêu lại vừa buồn cười nữa!
Trong quá trình viết, tôi đã không làm sao dẫn dắt được nhân vật tới tình huống ấy. Có lẽ vì trong sâu thẳm tôi đã từng là giáo viên. Trong cuốn tiểu thuyết này điểm nghệ thuật duy nhất là ông thầy giáo gạ tình lấy điểm từ đầu đến cuối đã không xuất hiện một chút nào! Không phải vì tôi thương ông ta, thực sự là tôi thương tôi thôi. Có lẽ tôi cũng thương những người từng đi dạy học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận