03/10/2005 13:02 GMT+7

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn: Đổi buồn lấy vui!

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Theo Thể Thao & Văn Hóa

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện về những năm tháng trở lại cuộc đời. Đó là khoảng những năm 1974 đến năm 1994, ông được nhận một chân công chức khiêm nhường ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long và trở thành "người ẩn dật".

tfwebE4R.jpgPhóng to
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đang hoàn thành cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp tự truyện về những năm tháng trở lại cuộc đời. Đó là khoảng những năm 1974 đến năm 1994, ông được nhận một chân công chức khiêm nhường ở Quốc doanh đánh cá Hạ Long và trở thành "người ẩn dật".

Đây là đoạn đời nhiều gian khó, tưởng như bình lặng nhưng lại đầy ẩn ức, là phần phục sinh vừa đắng cay vừa tha thiết của Bùi Ngọc Tấn. Thêm một lần, ông trở thành nhân chứng, trong hiện tại thờ ơ và náo nhiệt, về những năm tháng qua, với những điều còn ít ai được biết.

Đổi buồn lấy vui

Ấn tượng về nhà văn Bùi Ngọc Tấn, với nhiều người, là nụ cười tươi sáng, chân thành và hiền khô. Bà Đoàn Lê hóm hỉnh: "Ông ấy giả vờ đấy! Con người này đáo để lắm". Khi nhận trả lời phỏng vấn, ông nói, với cái dí dỏm khiêm nhường của người vừa vượt qua khổ nạn: "Bị trói lại mà đánh thì phải chịu thôi, chứ không ai muốn đày ải bản thân!". Kể từ cuối năm ngoái, Bùi Ngọc Tấn vừa viết văn vừa phải chia sẻ "đau thương" với hai đốt sống lưng đang có nguy cơ cáo lão.

Thang dược hữu hiệu trị chứng đau lưng để nhà văn lại yên ổn ngồi bên trang viết là rượu tẩm… cao hổ cốt. Nhưng biệt dược này ngày một hiếm hoi, giá cao ngất ngưởng. Bùi Ngọc Tấn lại cười hóm hỉnh: "Thôi ta cứ nhìn "ông Hổ" trên ti vi đi lại mềm mại uốn lượn là cũng thấy linh hoạt, trẻ khỏe ra rồi!". Tựa hồ như số phận còn muốn thử thách mãi con người hay cười đùa, tươi tỉnh mà thâm trầm này bằng những tai ương.

Dẫu vậy, dường như sao chiếu mệnh của Bùi Ngọc Tấn là ngôi sao… lành, nên trải qua đủ mọi bất trắc quanh co, đời ông có thể biến nguy thành an, biến gan góc thành nụ cười sảng khoái. Vào cuối những năm 70 thế kỷ trước, đoạn đời Bùi Ngọc Tấn chứng nghiệm lại "sống".

Thời điểm này, Lưu Quang Vũ "cảm nhận màn cuối cùng của cuộc chiến tranh khủng khiếp và phát giác một sự thật; Tấm màn hạ xuống/ Như không có gì xảy ra. Một cuộc sống khác đang hiện rõ dần. Thành phố nhuốm "màu thời gian" của gạo sổ quá đát, nhưng cánh thủy thủ viễn dương vẫn nửa dấm dúi, nửa ngang nhiên khuân lên bờ xà phòng Camay, ti vi nội địa Nhật, vải mông tơghi, quần "gin" và băng hình ngoài luồng". Con người hiện lên với những bản năng ngang nhiên không che giấu trong mắt nhà văn đang dò dẫm trở lại với đời.

Ông rì rầm kể, chân thành mà tinh quái: "Mình có thâm niên hai chục năm hôi cá ở bến cá Hạ Long. Cứ đêm nào tàu cập bến, là phải chực sẵn, chờ anh em nhà tàu "chia chác", rồi ôm mớ cá về nhà lịch kịch gọi cửa vợ con. Con gái đầu của tôi, Giáng Hương, phát ốm… vì bị thức đêm làm cá, nói, bố cứ mang cá về thế này, con khổ quá!

Tôi cứ bị ám mãi, cái cảm giác mỗi sáng sớm thức dậy, trời đổi gió, vần vụ mây. Ngoài khơi anh em đi biển chưa về, mà cứ phải nghe mãi giọng cô phát thanh viên thản nhiên máy móc đọc bản tin biển động trên loa phát thanh đầu xóm…"

Bùi Ngọc Tấn hóm được, ngay cả trong những cảnh ngộ buồn thảm nhất, ngoài cái thiên bẩm nhanh trí sắc sảo hơn người, chính là nhờ lòng thành tâm với từng khoảnh khắc sống.

Bình yên của tâm hồn

Có lần tôi tò mò hỏi ông: "Ngoài… nàng tiên rực rỡ nhất đời mình ra, ông còn có chuyện say đắm… gì nữa không?". Ông rất nghiêm trang trả lời: "Có", và nghiêm trang kể câu chuyện sau. Ngày đó, khi còn đi làm báo, ông cũng thầm vụng nhớ nhung một "bà" còn tre trẻ, tất nhiên là phải rất khác "bà nhà mình". Sau khi gửi một lá thư, hình như có cả thơ nữa, bị "bà tre trẻ" cự tuyệt, ông cũng yên ắng luôn, từ bấy đến giờ. Tôi nghi hoặc, có lẽ là chuyện hư cấu, ông muốn chiều theo thị hiếu "hàng chợ" của tôi mà sáng tác để tặng tôi chăng?

Bây giờ thì không phải viết, mà là cuộc chiến đấu. Ông đã ở tuổi 73, chung sống với bệnh tật, lặng lẽ và gồng mình chịu trận những thưởng đoạt của số phận. Chẳng ai, kể cà bà, dám khuyên ông nghỉ ngơi. "Bị trói lại mà đánh", đa số người ta phục tùng và nhu nhược.

Tôi đọc Người gác đèn biển của Bùi Ngọc Tấn từ khi còn cắp sách lóc cóc tới trường tiểu học. Như đọc một truyện thần tiên. Vẻ buốt lạnh tinh khiết và chói ngời của những con sóng lúc hừng đông hay ánh sáng kiêu hùng mê hoặc của ngọn đèn biển được miêu tả trong truyện, rủ rê tôi mơ ước, mon men tôi đến điều gì thật cao siêu, phi phàm. Sau này tôi được biết, đó là thẩm mỹ lý tưởng của những năm tháng vừa qua, của thế kỷ bão táp nhưng chưa hết mơ mộng.

Nhưng đó cũng không phải là một lý tưởng được áp đặt hay ngộ nhận. Nó được thừa nhận bởi có một thứ đức tin nội tâm trong sáng và nguyên sơ, mà không hẳn là, bất cứ ai cũng sẵn có. Tương tự như niềm tin được đọc thấy trong cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, mới đây. Vẻ đẹp lý tưởng này nhiều lần trở lại khi ông viết về bạn bè, hay phản tỉnh về những nghịch lý không dễ được nhận thấy và nói ra.

Dường như đức tin này lý giải vì sao, môt con người, có thể cũng bình thường và yếu đuối như mọi người khác, lại đường hoàng, an nhiên vượt qua những trắc trở của thân phận.

Theo Thể Thao & Văn Hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên