30/05/2008 05:35 GMT+7

Nhà thơ Võ Quê: Ta trân trọng đời nhau ta sống

TRẦN HOÀNG NHÂN thực hiện
TRẦN HOÀNG NHÂN thực hiện

AT - Tên nhà thơ là Võ Quê nhưng nhiều người bạn của ông gọi đùa thành Võ Phố. Có phải vì ông tên Quê mà không quê chút nào?

Gặp nhà thơ Võ Quê lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè Sài Gòn đầy tiếng ồn, nhưng ấn tượng nhất khi nghe giọng nói nhỏ nhẹ xuất phát từ người đàn ông có thuở thanh niên sôi nổi. Khác với hình dung ban đầu của tôi khi biết danh ông- nhà thơ Võ Quê một thời xuống đường tranh đấu trong phong trào học sinh đô thị miền Nam trước năm 1975.

Ngạc nhiên hơn, một quan chức đứng đầu giới văn nghệ, ông "Hội đồng" của tỉnh Thừa Thiên Huế lại mộc mạc dễ gần đến vậy. Ngày 7-3 vừa qua, nhà thơ Võ Quê tròn 60 tuổi, ông trò chuyện cùng Áo Trắng với tổng kết đời mình: sống để thương yêu!

- Mình không hiểu sao mà sau các cuộc gặp gỡ, chuyện trò đã có hai người ở hai thành phố khác nhau đặt cho mình cái tên nghe nửa ta nửa tây: Võ City. Người thứ nhất là GSTS Nguyễn Chấn Hùng, giám đốc Trung tâm Ung bướu TP.HCM. Người thứ hai là thầy Nguyễn Xớn dạy tại khoa ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế. Còn cái tên Quê thì chắc chắn là "quê” rồi. Theo tốc độ hóa đô thị hiện nay thì nhiều nơi trên đất nước mình đang từ quê lên phố. Cách gọi đùa của anh em bạn bè có lẽ vì muốn đô thị hóa sớm mình đây.

* Ông có trang web voque.org, nhìn ảnh của ông râu dài, tóc dài trên trang chủ trông rất ngầu. Xin ông so sánh hình ảnh thời trẻ của mình với "ông hội đồng tỉnh" Võ Quê bây giờ?

- Đó là tấm hình chụp năm 1971, thuở ấy mình 23 tuổi. Khi ra đường, với râu tóc ấy lại thêm chiếc mũ bêrê, có lẽ trông mình như linh mục trẻ nên quân cảnh hồi ấy thường chào trịnh trọng mà không xét hỏi giấy tờ tùy thân, quân dịch, cũng rất đỡ phiền hà. Tháng 4-1972, khi bị giam ở nhà tù Côn Đảo mình mới xuống tóc, xuống râu. Từ đó đến nay là một khoảng thời gian dài với biết bao thay đổi về sắc tướng, tình cảm. Tuy nhiên, có một điều giống nhau giữa thời trẻ với "ông hội đồng tỉnh" bây giờ là mình vẫn luôn nuôi dưỡng nguồn khát vọng, ước mơ về một xã hội công bằng, dân chủ. Mỗi con người là một đài hoa, ta trân trọng đời nhau ta sống. Đừng ai thương hại ai. Đừng ai áp bức ai...

* Trên trang web này, ông có hẳn một chuyên mục Nguyễn Hoàng trường xưa. Ai cũng có một ngôi trường để nhớ, ông nhớ trường xưa của mình ra sao?

- Tuổi thơ mình có một thời gian dài thất học, nên năm 1962 được thi đậu vào lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ) Trường trung học Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị là một hạnh phúc lớn đối với mình. Học sinh Nguyễn Hoàng phần lớn là con nhà nghèo, ai cũng có chí hướng nên học hành chăm chỉ, giỏi giang. Thầy cô trong trường rất chuyên tâm với các thế hệ học trò, vừa nghiêm lại vừa tình. Mình được đùm bọc trong môi trường trong sáng đó. Lại thêm đó là thời chiến nên tình thầy trò, tình bằng hữu rất gắn bó, dễ thương, hình ảnh những cuộc xuống đường đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, hình ảnh những người bạn bỏ học nửa chừng để lên xanh (chiến khu) hoặc bị đi lính... đã trở thành những kỷ niệm quí có vui, có buồn trong tâm thức mình.

Hiện nay, không riêng gì mình mà hầu hết thầy cô, cựu học sinh Nguyễn Hoàng đều rất nhớ mái trường yêu dấu ấy. Ai cũng tha thiết mong lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khôi phục tên Trường Nguyễn Hoàng cho Trường trung học thị xã Quảng Trị hiện nay. "Dĩ vãng đẹp câu hò Ái Tử. Gương tiền nhân khai mở nước non nhà. Tên Nguyễn Hoàng đã hồng trang sử. Lại nhơn từ trong tâm khảm học trò quê”. Nhớ trường xưa, nơi đã cho khai tâm, đã cho mình nên vóc nên hình.

* Nhà thơ Võ Quê từng bị tù Côn Đảo vì thời sinh viên tranh đấu, nhớ về thời tuổi trẻ đó ông nhớ gì nhất?

- Nhớ nhất là tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa anh em đồng đội trên mặt trận đường phố, trong các nhà lao. Giữa hoàn cảnh sống chết khốc liệt đó rất cần đến tình thương yêu của những người đồng cảnh quanh mình. Nhờ vậy ý chí đấu tranh được giữ vững, tinh thần dấn thân luôn bền bỉ, không bị tê liệt, khoan nhượng trước khó khăn, gian khổ. Bây giờ nhiều anh chị em trong phong trào vẫn yêu thương nhau như một gia đình lớn. Con cái họ cũng nhờ thế mà tìm đến nhau rất thân tình. Có người đã thành thông gia của nhau thật thú vị.

* Ông từng hai lần nhận giải thưởng cho việc soạn lời, sưu tầm lời ca Huế và hiện làm chủ nhiệm CLB Ca Huế. Lời ca Huế có dấu ấn đặc biệt gì trong ông, có phải như tiếng ru của mẹ hay tiếng hát của người yêu không?

- Làng Chuồn quê mình vốn có nhiều lễ hội như thu tế, đám chay, hát bội, ca Huế tri âm... Thời thơ ấu thường chạy về nhà ông ngoại - nhà thơ Từ Hoài Tấn - xem hát bội. Biết trong làng nhà nào có ca Huế tri âm là đến nghe. Nghe lâu nên mê. Lời ca Huế thường có nội dung sâu sắc về nhân tình thế thái, về buồn vui phận người, giàu hình ảnh văn học. Khi được các nghệ nhân, nghệ sĩ ca lên với các tiếng đàn tranh, tì, nhị, nguyệt... nghe càng da diết, thâm trầm hơn. Nhất là nghe các bài ca Huế của công chúa Mai Am, Ưng Bình Thúc Giạ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải, Vu Hương, Kiều Khê, Bửu Lộc...

* Giữa thời đô thị hóa, ai ai cũng cố gắng trở thành công dân thành phố. Vậy thơ văn viết về dòng sông, bến nước, con đò, tiếng ru hời, lũy tre làng... theo ông, có lạc nhịp?

- Với trình độ quản lý đô thị hiện nay trên đất nước mình không phải ai ai cũng cố gắng trở thành công dân thành phố. Cuộc sống càng hiện đại văn minh, người ta thường tìm đến những môi trường trong lành hơn, muốn trở về nơi chốn quê xưa thưởng thức những hương vị dân dã, lắng nghe từng hòa âm bình dị... Không phải ngẫu nhiên mà những món ăn của giới "cùng đinh" như đọt bí, rau lang chấm ruốc, cơm hến... được nhiều nhà hàng tính theo giá "cung đình" cho đông đảo thực khách (chỉ đổi vị trí một cái dấu huyền thôi mà sinh chuyện!).

Không phải vô tình mà nhiều khu du lịch theo mô hình đồng quê xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Đặt đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc và có nghề thì làm sao thơ văn viết về dòng sông, bến nước, con đò, tiếng ru hời, lũy tre làng... lạc nhịp. Mình nhớ cách đây mấy năm có một người bạn trẻ ở làng nhẹ nhàng hỏi: "Nông dân chúng tôi không có thơ để đọc. Có phải chúng tôi đã bị lãng quên rồi?".

0ATx4PbL.jpgPhóng to

Áo Trắng số 24 (ra ngày 15-05-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN HOÀNG NHÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên