04/07/2008 04:26 GMT+7

Nhà thơ Bằng Việt: Bao dung với đời, với mình

PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện
PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện

TT - Xuất hiện đúng 40 năm trước với tập thơ Hương cây - Bếp lửa (1968, in chung với Lưu Quang Vũ), đến nay Bằng Việt (ảnh) đã có sáu tập thơ riêng. Tối 2-7 tại Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội) đã có buổi giới thiệu ra mắt tập thơ mới của ông: Nheo mắt nhìn thế giới (NXB Văn Học).

i105BwjY.jpgPhóng to
TT - Xuất hiện đúng 40 năm trước với tập thơ Hương cây - Bếp lửa (1968, in chung với Lưu Quang Vũ), đến nay Bằng Việt (ảnh) đã có sáu tập thơ riêng. Tối 2-7 tại Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây (Hà Nội) đã có buổi giới thiệu ra mắt tập thơ mới của ông: Nheo mắt nhìn thế giới (NXB Văn Học).
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cuộc trò chuyện ngắn về tập thơ này được ông bắt đầu từ chính cái nheo mắt ấy...

* "Nheo mắt" của ông là nhìn thế giới theo chiều nào: nhìn trên xuống, nhìn dưới lên, nhìn ngang hay nhìn chéo?

- Ngay câu đầu bài thơ tôi đã nói rõ rồi còn gì:"Trên ba nghìn mét cao". Trên một chuyến bay ở độ cao lưng chừng trời tôi nhìn xuống và nheo mắt. Anh nhớ bài thơ của Trần Tử Ngang đời Đường chứ? "Tiền bất kiến cổ nhân / Hậu bất kiến lai giả / Niệm thiên địa chi du du / Độc thương nhiên nhi thế hạ”. Nhưng nhà thơ Đường nhìn cõi người trong cõi trời đất theo cách khép, còn tôi nhìn theo lối mở, có thế này cũng có thế kia. Nheo mắt nghe như khinh bạc, nhưng đọc cả tập thơ thấy là bao dung với đời và với mình.

* Như vậy cũng có thể thấy nhà thơ bày tỏ một thái độ?

- Vâng, một thái độ nhìn cuộc sống bây giờ và ở đây điềm tĩnh nhưng vẫn nhiều trăn trở, day dứt, ngay cả ở độ tuổi như tôi hiện nay. Tôi, mà cả anh nữa đấy, đã là người của thế kỷ trước rồi. Làm sao khác được! "Vẫn nói, vẫn cười, vẫn ăn, vẫn uống / Vẫn cao ngạo, tự tin, điềm tĩnh / Nhưng trên mặt anh đã có gì khuất lấp / Anh - người của thế kỷ khác rồi!".

Thế kỷ 20 ta đi qua thật dữ dội và buồn bã. Tôi là người gắn với tiếng Nga, nước Nga, trong tập thơ này tôi có bài thơ Ngôn ngữ và chính trị nói về tình cảnh đáng thương của tiếng Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng thật ra tôi nói một nỗi đau mất mát, một sự choáng váng...

* Bài thơ ông vừa nói và nhiều bài thơ khác trong tập gây ấn tượng Bằng Việt lúc này có cách nói khác hơn trong thơ. Có thể thế này chăng, Bằng Việt thời trước là trữ tình suy tưởng, còn Bằng Việt hôm nay là trữ tình thế sự?

- Có sự thay đổi trong bút pháp của tôi. Trước tôi hay suy tưởng trên những khái niệm, phạm trù. Nay tôi đi thẳng vào sự việc, sự kiện cụ thể, kể lại chúng, trình bày lại chúng để chúng tự nói lên. Tuổi như tôi bây giờ đã có thể biết nói thế nào là vừa, nói cái gì không thừa, tôn trọng độc giả đọc, và cảm, và nghĩ.

Như vậy nhiều bài thơ trong tập này có xuất xứ từ những sự việc cụ thể, có thật. Ngay như chuyện đang tranh cãi về dự án làm phim Lý Công Uẩn cho dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long tôi cũng đã đưa vào thơ. Hay như bài Rượu của Nguyễn Cao Kỳ là kể đúng chuyện một bữa rượu như thế. Cố nhiên thơ là ở bề sau và bề sâu của câu chuyện đó.

* Tập thơ, ở lời cùng bạn đọc và ở một vài bài, cho thấy những suy nghĩ của Bằng Việt về thơ. Đặc biệt có cái ý ông cho là thơ hay không cứ phải bất tử, vẫn có thể chết như thường...

- Vâng, tôi nghĩ thế. "Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử / Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi...".

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ

vjCzpejq.jpgPhóng toVị thiếu tướng công an cầm chai rượu ra bàn: / "Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng" /Mọi người đang vui, gật gù bảo uống

Nhưng một người bảo "Không!"

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu! / Whisky Mỹ hay Vodka Nga, giờ có mặc cảm gì, / Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ / Đây là chén rượu thăm quê của tướng Nguyễn Cao Kỳ!

Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư? / Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ! / Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử, / Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm? / Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa, / Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ, / Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống / Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì, / Và bữa rượu bỗng dưng thành đắng đót / Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

2007BẰNG VIỆT

PHẠM XUÂN NGUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên