Thầy cô giáo ở Lào Cai dọn dẹp để đón học sinh trở lại - Ảnh giáo viên cung cấp
Chưa thể khắc phục được hết thiệt hại bão lũ để lại nhưng mỗi ngày lại thêm những lớp học được mở, đón học sinh trở lại trường. Đây là nỗ lực lớn của nhiều phía, trong đó có không ít thầy cô giáo phải tạm gác việc gia đình, dồn sức lo cho trường lớp.
Sáng sớm vào làng, tối muộn mới về
Hơn một tuần gồng mình lo toan mọi việc, cô Hoàng Mai Hoa - phó hiệu trưởng Trường tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) - mới dám nghĩ "tối nay chắc tôi sẽ về nhà sớm". Nhà cô Hoa cũng bị ngập, tài sản bị hỏng, bị lũ cuốn. Chồng cô làm bảo vệ ở bệnh viện cũng phải tăng cường để chống lũ.
Người "chủ lực" chèo chống ở nhà cô Hoa chỉ có đứa con đang học lớp 12 vừa phải trông nom người bà 85 tuổi vừa trông chị gái bị khuyết tật. Tài sản lớn trong nhà cô là hai xe máy để hai vợ chồng đi làm thì đều bị ngập hỏng cả. Cô Hoa có mặt ở Làng Nủ khi lũ bắt đầu lên đỉnh.
"Tôi phụ trách tiểu học và phụ trách điểm trường ở Làng Nủ. Ngày lũ lên cao, tôi và các giáo viên ở điểm trường vội vã đến điểm trường để kiểm tra. Chúng tôi hay tin ngôi làng bị vùi lấp, không ai bảo ai đều lăn xả vào hỗ trợ.
Tôi đến bệnh viện chăm sóc người bị thương. Các thầy cô giáo khác cũng mỗi người một việc: giúp dân sơ tán, chuyển cơm cho bộ đội, dân quân ở khu vực tìm kiếm, dọn dẹp vệ sinh... Một tuần rồi, cứ sáng sớm tôi vào Làng Nủ, tối muộn mới về. Nhà ngập ngổn ngang nhưng đành cứ để đấy đã", cô Hoa nhớ lại.
Quyết định đưa hết học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 ở điểm lẻ về trường chính của hiệu trưởng Phạm Đức Vinh được cô Hoa và các thầy cô giáo ủng hộ vì ai cũng lo cho học trò, không ai muốn xảy ra thêm một sự đau thương nào với học sinh của mình.
Buổi học đầu tiên ở lớp 2A Trường tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh (ảnh trên). Hiện thầy cô trong trường phải lo thêm bữa ăn bán trú cho 130 em học sinh Làng Nủ (ảnh dưới, trái). Phòng truyền thống của trường cũng được "chuyển đổi" trở thành phòng ở cho học sinh (ảnh dưới, phải) - Ảnh: TRUNG KIÊN
"Trường tôi không phải trường bán trú mà là trường liên cấp bình thường có học sinh bán trú thôi. Nên thầy cô giáo không được hưởng chế độ của giáo viên trường bán trú. Tuy vậy chúng tôi vẫn bảo nhau phải cố gắng vì sự an toàn của học sinh.
Ngày 16-9, gần 150 học sinh được ở bán trú tại trường, trong đó có khoảng 100 học sinh tiểu học, THCS ở Làng Nủ. Trước đó các thầy cô giáo đã có một ngày lao động cật lực để làm thêm hai phòng ở cho học sinh, rồi khuân vác gạo, tập kết nhu yếu phẩm để nấu ăn cho các em ngày hôm sau.
Đêm đó toàn bộ ban giám hiệu, một số thầy cô giáo ở lại trường cùng với học sinh. Trời đổ mưa rất to, tôi đi kiểm tra phòng ngủ thấy bọn trẻ ngủ ngon lành. Cả những bé lớp 1 cũng ngoan không khóc đòi bố mẹ. Cảm giác thật yên tâm.
Mưa lớn như thế này ai biết còn chuyện gì xảy ra. Thế nên đón được bọn trẻ về trường, tôi thấy thật yên tâm dù phía trước còn rất nhiều khó khăn để lo cho số học sinh bán trú vừa đội thêm lên", cô Hoa tâm sự.
Trường tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh đã có ngày thứ hai học sinh trở lại lớp học. Cô Hoa cho biết chỉ có vài học sinh bị thương nằm viện còn tất cả đã trở lại lớp. Giờ cô mới tạm yên tâm để lo cho gia đình nhỏ của mình.
Mong ngày đón học sinh trở lại
Thầy Đỗ Hữu Mạnh, phó hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai), nhà cách trường 15km. Từ hôm lũ lên rồi xảy ra vụ sạt lở ở Nậm Lúc, thầy thường xuyên có mặt ở trường. Trường thiệt hại không nặng chỉ sạt hai ta luy, sạt nhà bán trú nhưng tổn thất về con người lại lớn.
"Mất điện, không có sóng điện thoại để liên lạc nên cho tới ngày 16-9, chúng tôi mới chỉ liên lạc được với phụ huynh ở thôn Nậm Tông (một trong tám thôn có học sinh học tại trường). Cho tới thời điểm này chúng tôi cũng được biết có năm học sinh đã thiệt mạng, bảy học sinh khác bị thương trong đó ba em bị thương nặng.
Trường cũng có một học sinh là em Lý Thị Thúy Vân, học lớp 3 đã mất cả bố, mẹ, anh chị. Cháu chỉ còn một mình hiện đang ở tạm với bác ruột. Giờ chúng tôi thay nhau tìm cách liên lạc với phụ huynh ở các thôn khác nhưng có người được, có người chưa gọi được. Thiệt hại chưa tính được hết", thầy Mạnh chia sẻ.
Tới ngày 17-9, Trường tiểu học Nậm Lúc chưa thể tổ chức dạy học được vì địa bàn bị chia cắt, nhiều đường sạt lở. "Học sinh của trường tôi cháu nhà gần thì vài cây số, có cháu cách trường 12 cây số phải đi qua khe, dốc núi rất khó khăn.
Những ngày qua lực lượng cứu hộ mới tập trung điểm sạt lở ở Nậm Tông, còn đường đến các thôn khác vẫn chưa được giải tỏa. Quá nhiều điểm sạt lở mà sức người không làm xuể, chắc phải chờ máy móc thì mới có thể nhanh hơn được", thầy Mạnh nói.
Thầy Mạnh cũng cho biết quả đồi ngay sát trường có hiện tượng bị nứt. Nếu tiếp tục có mưa lớn thì đó thực sự là nguy cơ dẫn tới sạt núi. Vì thế, cho dù học sinh có thể trở lại trường khi đường thông thì vẫn phải chờ cơ quan chuyên môn đánh giá về nguy cơ sạt lở đồi. Trường hợp không đảm bảo an toàn có thể phải tính toán phương án khác.
"Trường có chín thầy cô giáo nhà cũng bị ngập, lũ cuốn trôi tài sản, khó khăn rất nhiều nhưng nhiều ngày nay các thầy cô giáo đều phải đến trường dọn dẹp, chia nhau liên lạc với gia đình học sinh.
Chúng tôi đã phải họp lại để điều chỉnh kế hoạch dạy học nhằm dạy bù cho học sinh khi các em quay lại trường. Khó khăn của năm học này sẽ rất lớn nhưng chỉ cần học sinh trở lại, chúng tôi sẽ cố gắng", thầy Mạnh nói.
Ngành giáo dục thiệt hại khoảng 1.260 tỉ đồng
Theo số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16-9 tổng thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ước tính 1.260 tỉ đồng.
Thiệt hại về cơ sở vật chất gần 515 tỉ đồng, trong đó trường cấp THCS thiệt hại nặng nhất; thiệt hại về trang thiết bị dạy học gần 746 tỉ đồng, nặng nhất là trường học cấp mầm non. Số sách giáo khoa bị hư hỏng là 41.564 bộ.
Mường La: học trong lán tạm
Gần 30 trẻ mầm non, lớp 1, lớp 2 ở thôn Nà Trà (xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) hiện đã trở lại học tập sau đợt bão lũ, nhưng học tại các lán được lập vội ở địa điểm sơ tán. Đây là một điểm lẻ của Trường tiểu học xã Pi Toong, gồm một lớp mầm non và một lớp ghép hai trình độ lớp 1, lớp 2.
Những đứa trẻ Nà Trà lần đầu có trải nghiệm học trong những lán được dựng lên bằng khung thép lợp tôn, xung quanh phủ bạt chống nước. Bàn ghế, bảng đen được chuyển đến từ điểm lẻ trước đó. Đây là điểm học tạm cách nơi cũ 600 - 700m, cách xa khu vực có nguy cơ sạt lở.
Không chỉ có học sinh mà 48 gia đình ở Nà Trà đều phải sơ tán. Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 17-9, ông Vi Văn Thành - bí thư Đảng ủy xã Pi Toong - cho biết khả năng các cháu ở thôn Nà Trà vẫn phải học tại lán tạm một thời gian nữa vì để đảm bảo an toàn cho người dân, thôn Nà Trà sẽ phải di dời đến một địa điểm mới.
"Trong số 48 hộ dân có 14 hộ nằm ở địa điểm nguy cơ rất cao bị sạt lở và 11 hộ khác ở phía dưới cũng nguy hiểm vì núi sạt lở sẽ kéo theo các nhà ở phía trên, ập xuống. Chính quyền xã đã yều cầu trẻ em, người già phải đến nơi sơ tán. Chỉ những người lớn mạnh khỏe thì ban ngày có thể về nhà lo công việc, tối ngủ tại lán ở nơi sơ tán", ông Thành nói.
Cùng với việc làm lán cho điểm trường, trước đó huyện Mường La huy động lực lượng cùng với sự hỗ trợ của quân đội để làm lán tạm cho các hộ dân. Lán ở của các hộ dân chỉ có khung thép phủ bạt kín. Trong số 48 hộ dân, có 41 hộ thuộc diện hộ nghèo và 100% là đồng bào dân tộc Mông.
"Khi nào về nơi ở mới sẽ xây lại điểm trường. Còn hiện tại bọn trẻ vẫn phải học ở lán tạm vì không thể dừng học kéo dài được", ông Thành nói.
Hà Nội: học sinh 59 trường chưa thể học trực tiếp
Đến ngày 17-9, Hà Nội còn 59 trường chưa thể cho học sinh đi học trực tiếp, mới giảm bớt hai trường so với hôm trước. Trong đó có 20 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 18 trường THCS và 1 trường THPT.
Đây là các trường nằm ở khu vực trũng, đường vào, cổng, sân trường vẫn ngập nước. Nhiều gia đình học sinh đi sơ tán còn chưa thể quay lại nhà. Trường duy nhất thuộc khối THPT chưa thể cho học sinh trở lại trường là THPT Sơn Tây. Hiện trường này đang tổ chức dạy học trực tuyến.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, những trường hiện chưa cho học sinh trở lại trường học trực tiếp có thể dạy học trực tuyến nếu đủ điều kiện về trang thiết bị. Trường không có đủ điều kiện thì áp dụng các hình thức khác để giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học từ xa.
Tại một số trường học, ngày đầu tiên học sinh trở lại sau trận mưa bão, các trường tổ chức nói chuyện về tình hình thiên tai, bão lũ và quyên góp tiền ủng hộ học sinh ở các nơi xảy ra thiệt hại nặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận