![]() |
Huyền thoại Tiên Rồng là vở rối kết hợp cả hai loại hình sân khấu rối cạn và rối nước, có sử dụng các loại thủ pháp nghệ thuật như sân khấu đen, người kết hợp rối, rồi cả rối que, rối dây,...
Dựa trên truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, vở rối giới thiệu với người xem về cội nguồn dân tộc Việt Nam, thể hiện tình đoàn kết cộng đồng.
Theo tác giả Nguyễn Ðăng Tiến, trên thế giới cũng có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của các dân tộc nhưng có lẽ không ở đâu và không nơi nào lại có được một câu chuyện mang đầy chất lãng mạn, kỳ vĩ, cảm động như hình ảnh một trăm người con trai sinh ra từ một bọc trứng của mẹ và từ đây đã hình thành nên hai tiếng đồng bào thắm đượm nghĩa tình.
Bằng những hình ảnh, động tác rối với các trò diễn độc đáo, vở rối đưa người xem trở lại một thời hồng hoang dựng nước qua hình ảnh những chàng trai Việt quả cảm theo bố Rồng, mẹ Tiên lên rừng, xuống biển, khai phá rừng rậm, khơi sông, lấn biển, làm ruộng, dựng nhà, mở mang bờ cõi với các làng, xóm xanh tươi, trù phú.
Vở diễn tái hiện hình bóng chim Lạc linh thiêng và cảnh mẹ Âu Cơ dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, cảnh Lạc Long Quân đấu tranh với ác thú biển khơi, chinh phục thiên nhiên và các hình ảnh sinh hoạt lao động, vui chơi, lễ hội của người Việt cổ trong âm thanh trống đồng trầm hùng vang vọng.
Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long NSƯT Ðỗ Thị Mùi cho biết, lần đầu tại nước ta có một festival rối quốc tế nên tập thể nghệ sĩ, diễn viên nhà hát rất mong muốn có được một tác phẩm sân khấu ấn tượng, giới thiệu được vẻ đẹp của các loại hình rối Việt Nam.
Huyền thoại Tiên Rồng sẽ "đầy ắp" những trò diễn truyền thống của rối nước kết hợp các trò diễn của sân khấu rối cạn, kết hợp hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh. Ðể dàn dựng vở diễn, các nghệ sĩ nhà hát phải trải qua một quá trình lao động sáng tạo cật lực tạo hình con rối, cả rối cạn và rối nước, xử lý ánh sáng, thiết kế lại các tầng sân khấu.
Sau thành công của vở Thánh Gióng, vở Huyền thoại Tiên Rồng đã một lần nữa khẳng định hướng đi của nhà hát, bên cạnh việc phát triển rối nước, sẽ đầu tư mạnh mẽ nhằm thu hút công chúng, nhất là thiếu nhi đến với sân khấu rối cạn thông qua việc dàn dựng các vở diễn mới và tăng cường tổ chức các chuyến lưu diễn, đưa rối nước đến tận các xã, phường, trường học.
Ðược biết, sáu tháng đầu năm nay, nhà hát đã thực hiện 796 buổi biểu diễn trong nước và ngoài nước, phục vụ gần 160 nghìn lượt người xem. Ngoài việc biểu diễn hằng đêm tại sân khấu 57B Ðinh Tiên Hoàng, nhà hát còn tham gia các hoạt động đón Xuân Bính Tuất tại Hà Nội, dàn dựng các tiết mục rối nước Tiên đèn và đặc biệt là Lễ dâng hương, tiết mục mở đầu các chương trình của nhà hát nhằm bày tỏ sự tôn vinh với các bậc tiền nhân mở nghiệp, xây dựng nên bộ môn rối nước truyền thống.
Nhân dịp Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6, nhà hát đưa vào trình diễn phục vụ các em thiếu nhi trò rối cạn Những chú chó được Hội đồng nghệ thuật TP Hà Nội đánh giá cao.
Các đoàn nghệ thuật của nhà hát cũng đã có hai chuyến lưu diễn quốc tế thành công, lôi cuốn hàng nghìn người xem khi tham dự liên hoan nghệ thuật Ma Cao lần thứ 17 tại Trung Quốc và Liên hoan "Trí tưởng tượng lần thứ 10" của Nhà hát Thế giới tại thủ đô Paris của CH Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận