Đạo diễn Quang Thập, Phi Long - HCV Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013
Phóng to |
Đạo diễn - NSƯT Quang Thập trong đêm trao giải cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 - Ảnh: Q.Định |
NSƯT Quang Thập - giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình, cũng là người vừa đoạt HCV cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 với vở chèo Tấm áo bào hoàng đế - có cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ:
NSƯT Quang Thập là giám đốc Nhà hát chèo Ninh Bình từ năm 2012, cũng là năm anh được phong danh hiệu NSƯT. Anh đoạt HCV các kỳ hội diễn miền duyên hải 1994, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, 2009. |
* Ở tuổi 43, xin hỏi anh có cảm giác mình còn “trẻ” khi đi thi đạo diễn trẻ?
- Thú thật, đến bây giờ mới đi thi với tôi cũng là một thiệt thòi. Chỉ vì lý do kinh phí, hoàn cảnh địa lý xa xôi giữa Ninh Bình và TP.HCM... mà cuộc thi đạo diễn trẻ lần đầu tiên năm 2007 tôi không được tham gia. Dẫu sao, chữ “trẻ” ở đây là tuổi nghề, không phải tuổi đời. Nhưng đoạt giải cuộc thi tôi cũng thấy tinh thần mình có... trẻ hơn một chút! (cười).
* Trong khi các loại hình nghệ thuật cổ hướng đến sự bảo tồn hơn sự phát triển thì tình hình ở đoàn chèo Ninh Bình của anh như thế nào? Anh nghĩ khán giả hôm nay có còn yêu thích nghệ thuật chèo không?
- Tôi có thể khẳng định một cách không chủ quan rằng nghệ thuật chèo không mất đi sức hấp dẫn đối với khán giả. Giai đoạn khó khăn về cơm áo gạo tiền qua rồi, bây giờ cuộc sống sung túc hơn, người dân đang có nhu cầu quay lại với tính bản thiện của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Mà chèo chính là thủy tổ của các loại hình sân khấu cổ khác.
Như đoàn chèo Ninh Bình ngoài chèo ra còn có các loại hình khác như ca múa dân gian, rối, hát xẩm, có cả nguyên chương trình hát xẩm... nên các nghệ sĩ làm không hết việc, không biết ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật. Nhờ tỉnh có chính sách khuyến tài, các nghệ sĩ có lương chính thức bên cạnh thu nhập từ catsê nên đời sống chúng tôi cũng tốt. Thú thật, có những nơi mời đoàn chèo trung ương catsê 1 thì trả chúng tôi catsê 2 mà vẫn không đi được vì... kín lịch. Có lẽ vì một cái duyên gì đó mà chúng tôi được khán giả thương!
* Còn điều gì nữa khiến anh cảm thấy lạc quan với nghệ thuật chèo ở đoàn Ninh Bình hiện nay?
- Tỉnh có chính sách khuyến tài, chúng tôi có chính sách khuyến trẻ. Ở Hội diễn chuyên nghiệp 2009, chúng tôi đưa một êkip trẻ đi thi. Kết quả là hai diễn viên trẻ Thanh Tuyền, Anh Tú đều đoạt HCV. Trong đó, Thanh Tuyền còn đoạt thêm giải diễn viên xuất sắc nhất hội diễn.
Để đào tạo, chúng tôi đi khắp các tỉnh tuyển các em có năng khiếu. Các em không những được đào tạo miễn phí mà còn được chu cấp 900.000 đồng/tháng. Thời diễn viên thanh tân nhất là độ tuổi 18-28. Nếu các em đang vào vụ ngọt mà chúng ta không gặt hái thì phải đợi một mùa sau. Tất nhiên, để các nghệ sĩ lớp trước nhường chỗ cho các em thì lãnh đạo phải làm công tác tư tưởng, nhưng tâm lý mọi người cũng nhẹ nhàng.
* Làm cách nào để xử lý chèo cổ cho hợp cuộc sống hôm nay, thưa anh?
- Chèo có trên 300 làn điệu, với vốn liếng giàu có đó thì không sợ khai thác cạn. Vấn đề là người đạo diễn biết vận dụng thế nào cho hợp hơi thở đương đại mà thôi. Ví dụ một làn điệu vui vẫn có thể biến thành buồn. Một làn điệu buồn rượi vẫn có thể biến thành buồn man mác. Các cụ ngày xưa tài vậy. Chèo hay nhưng không bao giờ bất biến. Nếu chèo mà bất biến thì người trẻ chúng ta không có gì để làm cả.
Theo tôi, mục đích tối cao của những xử lý đương đại vẫn là để chèo đi vào lòng người hơn, mặc dù vẫn giữ các làn điệu chèo của các cụ xưa không phải mất đi một nhịp phách, không thiếu một chữ “i...”. Khán giả nghĩ rằng chèo nhiều chữ “i...” lắm, xem vở tôi thì cảm giác như bị cắt đi. Nhưng kỳ thực, xử lý của tôi không mất một phách nào, một chữ “i...” nào của các cụ.
Phóng to |
Phan Nhật Phi Long trong vở Xin một cái tên - Ảnh: Q.Đ. |
Chàng đạo diễn kiêm... bán vé
HCV cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 còn được trao cho Phan Nhật Phi Long với vở kịch Xin một cái tên. Đây là giải thưởng lớn thứ hai của anh, sau danh hiệu diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất cho vai Thái trong phim Áo cưới thiên đường (đạo diễn: Nguyễn Võ Duy Ngọc) của giải Mai vàng 2009. Đối với Phan Nhật Phi Long, hành trang bước đầu như vậy cũng là... kha khá!
Sinh năm 1983, Phan Nhật Phi Long khởi đầu từ diễn viên múa đến diễn viên phim truyền hình. Anh tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM năm 2012. Xin một cái tên là vở diễn tốt nghiệp được Phan Nhật Phi Long đem đi dự thi, không ngờ đoạt giải cao.
Thành công của cuộc thi cũng chỉ cho phép Phi Long “vui xả láng” một ngày để lại lao vào những ấp ủ, dự định. Trong tay chàng đạo diễn trẻ lúc nào cũng kè kè chiếc điện thoại... bán vé. Sắp tới, anh được Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM hỗ trợ hai suất diễn vào ngày 15-5 và 23-5. Tiền thu được từ hai suất diễn này, Phi Long dự định sẽ phục vụ cho một chuyến từ thiện ở Nha Trang sau đó. “Các bạn diễn viên trẻ không nặng chuyện thù lao lắm, chi phí cho mỗi đêm diễn khoảng 10 triệu đồng, còn lại tôi sẽ làm từ thiện. Được san sẻ cũng là một niềm vui!” - chàng đạo diễn trẻ kiêm... bán vé vui vẻ cho biết!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận