TT - Nhiều chuyên gia bóng đá châu Âu nhận định Luật công bằng tài chính (FFF) - kiểm soát hoạt động chi tiêu của các đội bóng châu lục - của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) sẽ chỉ giúp các đội bóng lớn ngày càng giàu có và giữ vững sự thống trị.
Trận chung kết Champions League giữa Barcelona và Manchester United (M.U) trên sân Wembley ngày 28-5 sẽ là trận cầu cuối cùng trước khi UEFA áp dụng luật FFF kể từ đầu mùa giải 2011-2012. UEFA buộc các CLB bóng đá châu lục không được lỗ quá mức, kể cả khi các đội bóng này có những ông chủ giàu sụ đứng sau.
Có hai lý do chính đáng cho quyết định này. Thứ nhất, nếu quá phụ thuộc vào các ông chủ lắm tiền, các đội bóng có nguy cơ sụp đổ nếu ông chủ của họ chán bóng đá hoặc mất tài sản. Điều này đã xảy ra đối với Portsmouth và West Ham United cùng nhiều đội bóng khác.
Thứ hai, kể cả khi một đội bóng có ông chủ cực kỳ giàu có (như Manchester City có nhà tài phiệt dầu lửa Sheikh Mansour), UEFA cho rằng số tiền mà nhà đầu tư đổ vào CLB sẽ đẩy mức lương chung mà tất cả CLB khác phải trả.
Ví dụ, năm ngoái các CLB Giải ngoại hạng Anh đạt doanh thu kỷ lục 2,1 tỉ bảng Anh (3,4 tỉ USD) nhưng phải chi tới 68% để trả lương cầu thủ, và 16 trên tổng số 20 CLB bị lỗ tổng cộng 484 triệu bảng Anh (783 triệu USD). Do đó UEFA buộc các đội bóng không được phép lỗ quá 45 triệu euro (63,5 triệu USD) trong giai đoạn 2011-2014 và không được dựa vào tiền “tiếp tế” từ các ông chủ, nếu không sẽ bị loại khỏi các giải châu Âu.
Tuy nhiên, trên báo Guardian (Anh), chuyên gia David Conn nhận định quy định của UEFA có hai hệ quả tiêu cực. Thứ nhất, nếu các CLB không được phép dựa vào tiền của các ông chủ thì những đội bóng giàu nhất, có doanh thu cao nhất sẽ đóng vai trò thống trị các giải vô địch quốc gia và cúp châu Âu.
Dù UEFA luôn tung hô khẩu hiệu đoàn kết, thống nhất, nhưng phần lớn tiền bản quyền truyền hình và quảng cáo Champions League (khoảng 1,45 tỉ USD) sẽ rơi vào túi những CLB mạnh nhất, giàu nhất. Trong tổng số tiền của mùa giải 2009-2010, nhà vô địch Inter Milan nhận 69,5 triệu USD, Manchester United hưởng 64,7 triệu USD, Chelsea nhận 45,3 triệu USD, Arsenal nhận 47 triệu USD...
Đó chỉ là một phần trong tổng doanh thu của các CLB giàu có nhất. Ví dụ tổng thu nhập mùa giải 2009-2010 của Barcelona lên đến 560 triệu USD, Real Madrid 618 triệu USD, M.U 462 triệu USD... Tuy nhiên thu nhập từ Champions League giúp các CLB này củng cố vị thế tài chính so với các đội bóng nhỏ hơn.
Ở Anh, nhóm sáu CLB lớn nhất là M.U, Chelsea, Manchester City, Arsenal, Tottenham Hotspur và Liverpool được hưởng tiền bản quyền truyền hình nhiều nhất. Tại Tây Ban Nha, những đội bóng hàng đầu như Barcelona và Real Madrid được quyền tự thỏa thuận hợp đồng bản quyền truyền hình, do đó doanh thu vượt xa các đội bóng còn lại ở La Liga.
Hệ quả tiêu cực thứ hai, theo báo Guardian, là việc UEFA áp dụng luật FFF sẽ buộc các CLB tìm đủ mọi cách tăng nguồn thu, và chiêu dễ nhất là tăng giá vé vào sân vận động lên mức “cắt cổ”. Hiện tượng này đang diễn ra ở Anh.
Theo trang Ticketnews, mới đây hàng loạt CLB như M.U, Arsenal, Liverpool và Manchester City đều tăng giá vé. Ví dụ, giá vé hạng nhất của Liverpool hiện nay đã lên tới 48 bảng Anh (77 USD), trong khi giá vé loại thường nhất cũng là 63 USD. Giá vé trận chung kết Champions League giữa Barcelona và M.U lên tới 225 bảng Anh (364 USD).
Vì thế luật FFF được áp dụng về cơ bản chỉ mang đến lợi ích cho các đội bóng lớn.
Vài nét về Luật công bằng tài chính Theo Luật FFF, các CLB châu Âu phải hòa vốn kể từ mùa giải 2011-2012. Những CLB liên tục thua lỗ sẽ bị cấm thi đấu tại Giải UEFA Champions League từ mùa giải 2014-2015. Trong ba năm đầu tiên, các CLB có quyền thua lỗ 5 triệu euro (6,5 triệu USD)/năm, hoặc tới 45 triệu euro (58 triệu USD)/năm nếu chủ sở hữu giàu có của CLB đó đóng góp tài chính để xóa lỗ. Tổng thua lỗ toàn bộ phải giảm còn 45 triệu euro trong ba năm sau đó, xuống 30 triệu euro (39 triệu USD) ở ba năm kế tiếp, rồi xuống 15 triệu euro (19,4 triệu USD) và xuống 0. ] Tuy nhiên, các khoản chi tiêu xây dựng hạ tầng sân vận động và đầu tư vào bóng đá trẻ không bị hạn chế. |
SƠN HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận