19/06/2022 07:54 GMT+7

Nhà đầu tư sẵn sàng làm điện gió cho Côn Đảo

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Sau loạt bài kéo điện ra Côn Đảo, có nhà đầu tư khẳng định với Tuổi Trẻ có thể làm được điện gió ngoài khơi bằng với mức giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39 là 9,8 cent/kWh (2.223 đồng).

Nhà đầu tư sẵn sàng làm điện gió cho Côn Đảo - Ảnh 1.

Nhu cầu điện ở Côn Đảo đang vượt khả năng cung cấp - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, mặc dù chưa được cấp điện quốc gia nhưng hiện nay tại huyện đảo này đã có một số nhà đầu tư rót vốn vào các dự án cấp điện năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh dự án điện mặt trời có công suất 3MW kết hợp chạy dầu diesel của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), còn có nhà đầu tư tư nhân rót vốn làm điện gió ngoài khơi từ nhiều năm nay là dự án điện gió Côn Sơn có công suất 4MW, đặt tại vịnh Côn Sơn (huyện Côn Đảo).

Sẵn sàng đầu tư nhưng vướng cơ chế

Chủ đầu tư dự án điện gió Côn Sơn, Công ty cổ phần phát triển công nghệ Tài Nguyên Xanh, đã triển khai dự án này từ năm 2013. Đến nay, dự án đã được bàn giao mặt biển, xây dựng trung tâm điều hành nhà máy… nhưng đang chờ hướng dẫn rõ cơ chế để lắp đặt các hạng mục chính là trụ tuôcbin, đường cáp trên biển cũng như hệ thống máy móc vận hành. Hiện công ty này cũng đã ký kết thỏa thuận đấu nối, thiết kế kỹ thuật hệ thống đo đếm, thu thập số liệu đo xa với EVN SPC.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất khiến dự án này đình trệ trong nhiều năm qua là không có cơ sở pháp lý để xác định chi phí đầu tư cũng như mô hình tính toán giá điện để ký hợp đồng mua bán điện. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dù khẳng định dự án điện gió Côn Sơn thỏa mãn điều kiện là dự án điện gió ngoài khơi theo quy định, nhưng vì không có cơ chế nên hoạt động đầu tư bị ách tắc.

Nhà đầu tư sẵn sàng làm điện gió cho Côn Đảo - Ảnh 2.

Đường điện ở Côn Đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Quang, tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên Xanh, cho hay dự án điện gió Côn Sơn có điểm khác biệt là công suất nhỏ, đấu nối vào hệ thống lưới điện của huyện Côn Đảo, chứ không phải là dự án nối lưới điện quốc gia.

Khi đi vào vận hành dự kiến cung cấp 13,887 triệu kWh cấp trực tiếp cho nhu cầu tiêu dùng tại huyện đảo theo hình thức "cấp điện tại chỗ". Doanh nghiệp cũng kiến nghị được mua bán điện bằng với mức giá quyết định 39 quy định cho dự án điện gió ngoài khơi là 9,8 cent/kWh.

Tuy vậy, quyết định 39 chỉ quy định mức giá ưu đãi đối với dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi nối lưới quốc gia, dẫn tới không có cơ sở để xác định giá và hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN. Vậy nên, dự án bị kéo dài trong nhiều năm không thể thực hiện.

Bộ Công thương đề nghị EVN phối hợp với nhà đầu tư đánh giá quy mô, tính khả thi của phương án công nghệ, kỹ thuật, tài chính, đề xuất giá điện của dự án… để có cơ sở xem xét, đề xuất Thủ tướng về cơ chế giá điện áp dụng với dự án này.

Hiện nay cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực, nhà đầu tư cũng khẳng định trong trường hợp mức giá đấu thầu thấp hơn giá FIT ưu đãi trước đây vẫn sẽ đầu tư dự án với công suất 4MW được phê duyệt và mở rộng công suất lên 20MW, tự chủ động xây dựng hệ thống lưu trữ điện để đảm bảo cung ứng điện tại chỗ.

Vẫn cần kéo điện từ đất liền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận dự án điện gió Côn Sơn có vướng mắc là do thực hiện thỏa thuận giá bán. Thực tế, giá bán điện tại Côn Đảo hiện nay vẫn được Nhà nước duy trì mức giá bằng giá đất liền, EVN đang phải bù lỗ hằng năm, nên khi doanh nghiệp đầu tư dự án điện tái tạo cần phải có cơ chế thỏa thuận giá cụ thể, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Tuy vậy, ông Đồng cho rằng dự án này chỉ có công suất 4MW, không thấm vào đâu so với nhu cầu tiêu thụ điện của Côn Đảo. Kể cả trong trường hợp nhà đầu tư nâng công suất thì cũng cần phải tính toán, đánh giá kỹ về hiệu quả. Ông cũng lo ngại trường hợp nếu vận hành nguồn điện gió không ổn định, đến mùa ngưng gió thì "người dân và doanh nghiệp sử dụng điện ở đâu".

Cũng theo ông Đồng, trong quy hoạch nguồn điện tái tạo của Côn Đảo bao gồm điện gió ngoài khơi công suất 4MW, điện mặt trời là 11MW. Tuy vậy, hầu hết các dự án triển khai gặp nhiều khó khăn như chưa đạt được thỏa thuận về giá, chưa có cơ sở để tính toán suất đầu tư, nên các dự án đều "chưa triển khai làm" và cũng chưa có dự án điện tái tạo nào ở Côn Đảo cấp điện.

"Nhà đầu tư làm dự án điện tái tạo ở Côn Đảo cũng vướng nhiều, nguyên nhân cụ thể nhất là chưa có dự án nối lưới từ đất liền ra Côn Đảo. Nếu đầu tư vừa đủ cho Côn Đảo thì công suất đầu tư thấp quá và hiệu quả đầu tư không cao, còn nếu đầu tư công suất lớn, dư nguồn điện mà không tải lên được điện lưới sẽ gây lãng phí nguồn lực" - ông Đồng nói và cho biết thêm nguồn gió ở Côn Đảo không ổn định, tháng 3-4 thường không có gió nên khó khai thác được nguồn năng lượng tái tạo.

Còn để triển khai nguồn điện mặt trời lên tới 30 - 40MW cần tới 30 - 40ha thì Côn Đảo không đủ diện tích đất để làm. Với những khó khăn đó, nhiều nhà đầu tư dù "cảm tình" với Côn Đảo, mong muốn đầu tư cũng không thể triển khai, hoặc quá trình đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Do đó, lãnh đạo Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng việc xây dựng hệ thống cáp ngầm nối lưới điện để cấp điện cho Côn Đảo nhằm đảm bảo tính ổn định nguồn điện cho huyện đảo.

Vì sao không lắp điện mặt trời, điện gió mà lại kéo cáp ngầm 4.950 tỉ đồng ra Côn Đảo? Vì sao không lắp điện mặt trời, điện gió mà lại kéo cáp ngầm 4.950 tỉ đồng ra Côn Đảo?

TTO - Để chạy máy phát điện diesel trên huyện Côn Đảo, ngành điện đã bù lỗ chi phí lên đến 446 tỉ đồng trong giai đoạn 2015-2020 và dự kiến năm nay sẽ bù lỗ gần 175 tỉ đồng. Ngành điện đề xuất kéo cáp ngầm 4.950 tỉ đồng ra Côn Đảo.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên