Theo đó, phạt Nguyễn Văn Tám (nguyên trưởng ban quản lý - BQL) 8 năm tù giam cho hai tội tham ô và cố ý làm trái (VKS đề nghị 9-10 năm tù), Võ Mỹ Nhan (kế toán) 6 năm tù cho hai tội tham ô và cố ý làm trái (VKS 7-8 năm tù), Ngô Thị Tình (thủ quĩ) 2 năm tù cho hưởng án treo (VKS 3 năm tù cho hưởng án treo), Ngô Ngọc Lâm (phó BQL) 10 tháng 10 ngày tù (bằng thời gian tạm giam, VKS đề nghị 12-24 tháng tù cho hưởng án treo) và Phạm Tấn Đạt (thầu xây dựng) 10 năm tù (VKS 12-13 năm tù).
Trước đó, trong phần nhận định, HĐXX tuy đã nhắc lại hầu hết ý kiến bào chữa của luật sư, tự bào chữa của các bị cáo nhưng đã không chấp nhận quan điểm cho rằng các bị cáo không phạm tội, hoặc phạm tội nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như đề nghị đổi tội danh từ cố ý làm trái sang kinh doanh trái phép. HĐXX đã phân tích rõ cho thấy từ chủ trương huy động vốn cho tiểu thương vay, các bị cáo dần có ý thức lập quĩ đen để chia nhau bằng cách huy động mọi nguồn tiền để cho vay càng nhiều càng tốt, tách khỏi mục đích tốt đẹp ban đầu. Lợi nhuận thu được đã chi một cách tùy tiện, không có khoản nào dùng để tích lũy, đầu tư.
Cũng theo HĐXX, điều đáng tiếc là việc làm sai trái của các bị cáo lại ít nhiều có sự đồng tình của một số người ở Ban tài chính và UBND TP Cần Thơ trước đây, như chấp thuận phương án huy động vốn, phát vay, bảo lãnh vay tiền ngân hàng, duyệt chi từ nhiều khoản tiền lợi nhuận... Những người này đã thiếu kiểm tra, không thực hiện đúng nguyên tắc quản lý tài chính tạo đà cho các bị cáo phạm tội kéo dài.
Sau khi kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Thanh Thiên - chủ tọa phiên tòa - trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ:
* Thưa ông, diễn biến phiên tòa cho thấy việc làm sai trái của các bị cáo xuất phát từ sự đồng tình, từ chủ trương của những người có chức quyền của UBND TP Cần Thơ trước đây. Tuy nhiên, đến nay chỉ những người làm theo chủ trương đó bị xử tù, còn những người “ở trên” không chịu trách nhiệm. Vậy có công bằng chưa?
- Nếu đổ lỗi hoàn toàn cho chủ trương ở công văn 81 của UBND TP Cần Thơ thì không khách quan. Vì ý tưởng ban đầu là tốt và hay lắm, họ làm việc này để “lấy chợ nuôi chợ”, hỗ trợ vốn cho hộ tiểu thương nghèo chứ đâu phải để lập quĩ. Mấy ông này (các bị cáo) qua làm ăn thấy ngon quá nên đâm ra lạm, do vậy không nên đặt nặng quá về chủ trương của công văn 81.
Dù gì đi nữa chúng tôi cũng nhận định sai phạm này đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong dư luận. Mức độ sai phạm đó, vừa qua các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý hành chính với hình thức tương xứng, nghĩ nên mở lối cho quãng đời còn lại của họ sau nhiều năm dài cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, mà không đặt vấn đề gì thêm. Thành công của việc xét xử vụ án là đã làm rõ các hành vi phạm tội trước nhiều luồng quan điểm cho rằng các bị cáo chỉ có công.
* Thưa ông, tại phiên tòa, một số luật sư đã đặt vấn đề vì sao cùng tham gia hoạt động phát vay, cùng nhận tiền từ các “quĩ đen” như nhau nhưng có bị cáo ra tòa, có bị cáo lại không?
- Theo tôi biết, trong quá trình điều tra, xử lý, vụ án còn vướng việc này việc kia nên với một số người như Võ Anh Dũng (nguyên trưởng Ban tài chính UBND TP Cần Thơ), Nguyễn Kim Hoàng (bộ phận phát vay của BQL), cơ quan điều tra và VKS đã thống nhất tách ra để điều tra xử lý sau, nên chúng tôi không đề cập.
* Xin cảm ơn ông.
|
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận