Phóng to |
Anh vừa làm một chuyến tàu thành công đi về tuổi thơ. Trên chuyến tàu ấy có rất nhiều hành khách, từ thiếu nhi, nhỉnh hơn thiếu nhi một chút, những người qua tuổi thiếu nhi mấy chục năm rồi... Anh có dự định sẽ làm chuyến tàu đi đến thế giới người lớn không?
- Đã có rất nhiều tác phẩm viết cho người lớn ra đời hằng năm rồi. Ngay cả tôi cũng từng có tác phẩm Chuyện cổ tích dành cho người lớn đó thôi. Dù sao chúng ta cũng đang sống trong thế giới của người lớn, nếu cần một chuyến tàu xuyên thời gian thì chúng ta chỉ ao ước một chuyến tàu quay về tuổi thơ thôi - là thế giới lung linh mà chúng ta luôn luyến tiếc và không có cách gì trở lại.
* Bộ truyện Kính vạn hoa của anh đã gặt hái được những thành công nhất định khi chuyển thể thành phim. Anh có dự định sẽ chuyển thể nó thành truyện tranh?
- Vào năm 2002, Nhà xuất bản Kim Đồng từng có kế hoạch lập một bộ phận để nghiên cứu chuyển thể tác phẩm này thành truyện tranh, nhưng phải gác lại vì chưa tìm ra đội ngũ họa sĩ thích hợp. Hiện nay, vẫn có người nhắc lại đề nghị này. Nếu điều kiện chín muồi, tôi nghĩ dự định này có thể thành hiện thực.
* Gắn bó thời gian dài với tuổi mới lớn, anh có nhận xét gì về tuổi mới lớn hiện nay? Có khi nào anh sợ tác phẩm của mình sẽ lạc hậu so với cuộc sống các bạn?
- Tuổi mới lớn hiện nay khác nhiều so với tuổi mới lớn các thế hệ trước, thậm chí so với tuổi mới lớn cách đây năm năm, mười năm cũng đã thấy khác. Tuổi mới lớn ngày nay mạnh dạn hơn, tự tin hơn và cũng "nổi loạn" hơn. Trong sinh hoạt, tuổi mới lớn trước đây làm gì đã tiếp cận với các phương tiện hiện đại như điện thoại di động, game online hay các trò giải trí thời thượng... Xã hội càng phát triển thì cách thức sinh hoạt tất nhiên thay đổi theo.
Tuy nhiên đời sống vật chất không làm thay đổi hoàn toàn đời sống tâm lý. Những mơ mộng, những hoài bão của tuổi mới lớn thời nào cũng giống nhau. Đó là qui luật: Con người ta có thể dễ dàng thay đổi cách ăn mặc, cách nói năng, thậm chí cả cách nghĩ nhưng không thể thay đổi cách cảm xúc. Từ đó suy ra, nếu tác phẩm nào xây dựng trên sự kiện, trên những mối quan hệ hình thức thì nó sẽ lạc hậu, còn nếu cảm xúc của nhân vật là cái lõi, cái hồn vía của tác phẩm thì tác phẩm đó vẫn sẽ còn được tìm đọc.
* Anh từng chia sẻ, những trang viết của anh có chính phần tuổi thơ nơi ruộng đồng góp nhặt vào. Nếu đặt anh trong hoàn cảnh bây giờ, trong không gian chật hẹp của phố phường, tuổi thơ bó hẹp lại giữa những bức tường, màn hình máy vi tính, trò chơi điện tử, liệu anh có viết được những tác phẩm hay?
- Các tác phẩm của tôi chia làm hai mảng: tuổi mới lớn ở nông thôn và tuổi mới lớn ở thành phố. Số lượng ở hai mảng đề tài này cũng tương đương nhau. Mỗi không gian, mỗi hoàn cảnh đều có cái hay, cái đẹp riêng của nó. Quan trọng là cách ta cảm nhận nó, nhìn nó với con mắt như thế nào thôi. Trong các tác phẩm viết cho trẻ em thì con người là nhân vật trung tâm chứ không phải là khung cảnh, mặc dù cũng phải thừa nhận rằng viết về thôn quê bao giờ cũng thơ mộng hơn.
* Anh chia làm hai mảng đề tài, nông thôn và thành phố. Vậy có bao giờ anh nghĩ đến chuyện sẽ có thêm mảng đề tài "ngoại quốc"?
- Muốn viết được về một vùng đất hay con người ở vùng nào đó, chúng ta phải hiểu rõ về nó, phải sống lâu dài ở đó, không chỉ để hiểu con người mà quan trọng là để thẩm thấu được tinh thần và văn hóa của họ. Tôi từng ra nước ngoài, chủ yếu là thăm gia đình, họ hàng, bạn bè. Nhưng với những chuyến đi "cưỡi ngựa xem hoa" như vậy, viết một bài báo ngắn tôi còn ngần ngại nói gì đến viết một cuốn sách.
* Viết về đề tài nước ngoài khó, nhưng việc "xuất ngoại" tác phẩm sẽ dễ hơn? Anh có dự định đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc trên thế giới?
- Dĩ nhiên là tôi có nghĩ đến chuyện đó. Nhưng một mình tôi thì không thể làm được. Các nhà xuất bản đang sở hữu bản quyền sách của tôi cũng cần phải biết tự ái và có tham vọng tương tự thì mới có thể vạch một kế hoạch khả thi cho chuyện này. Cách đây mấy năm, tác phẩm Mắt biếc của tôi được dịch sang tiếng Nhật. Nhưng đó chỉ là "ăn may", hoàn toàn do sở thích cá nhân của chị Kato Sakae, một dịch giả người Nhật, chứ cá nhân tôi và Nhà xuất bản Trẻ không hề chủ động gì trong chuyện này.
* Là một trong số ít nhà văn ở VN sống được bằng nghề viết. Có bao giờ anh nghĩ trong đó bao gồm yếu tố may mắn?
- May mắn? Tôi không nghĩ thế. Nếu may mắn, bạn chỉ có thể may mắn một vài lần chứ không thể may mắn cả đời viết. Hơn nữa, thành công trong lĩnh vực cần đến khả năng sáng tạo như văn chương thường ít có dấu vết của sự may mắn. Nếu tôi sống được bằng nghề viết, có lẽ do tâm hồn của tôi gần gũi với tâm hồn của bạn đọc trẻ, từ đó nảy sinh sự thích ứng tự nhiên giữa tác phẩm và người đọc, phần khác do tôi lao động không mệt mỏi. Và trên hết là lòng yêu nghề - tôi cho đây là phẩm chất quan trọng nhất của một người theo nghề viết văn.
* Được biết, có rất nhiều bạn say mê tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Sau đó tập tành viết lách "cho giống" rồi sau đó nữa là phấn đấu "cho bằng" Nguyễn Nhật Ánh. Anh có chia sẻ gì với các bạn không?
- Con đường sáng tác của bất cứ ai bao giờ cũng khởi đầu bằng cách "bắt chước" nhà văn mà mình yêu thích một cách vô thức. Ngay cả tôi lúc tập tễnh vào nghề viết cũng thế thôi. Đó là hiện tượng bình thường - nó có giá trị "đầu cầu". Nó là sự ảnh hưởng, đồng thời cũng là động lực và là sự thách thức. Tới một ngày, vững vàng rồi, các cây bút trẻ sẽ tự tìm ra con đường đi riêng của mình.
* Sau Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ sẽ là tác phẩm gì?
- Tôi cũng chưa biết. Tôi đang có nhiều dự định, thậm chí có vài tác phẩm đang viết dở dang. Nhưng nhiều dự định quá cũng có cái dở, nó khiến tôi phân vân không biết nên bắt tay vào tác phẩm nào. Trước mắt, trong khi đắn đo để có một quyết định chính xác, tôi đem bộ Kính vạn hoa ra viết tiếp. Hiện tôi đang viết Kính vạn hoa tập 49.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.
Áo Trắng số 28 (ra ngày 15-07-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận