Phóng to |
Nguyễn Hải Thảo (8, trong trận thắng Hàn Quốc) cao 1,68m, nặng 56kg. Sau tám năm gắn bó với cầu mây, hiện nay “gia tài” của cô gái 22 tuổi này là đã có hơn 300 triệu đồng dành dụm từ tiền lương, thưởng... |
Một ngày cuối năm 2006, chúng tôi có mặt tại ngôi nhà đã từng nuôi lớn những khát vọng, hoài bão của Hải Thảo, và kỷ niệm của cái thời đói ăn thiếu mặc ấy lại ùa về trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình...
Tâm sự của người cha
Tôi còn nhớ như in buổi chiều 29-4-1984, gần hai năm sau khi rời Biên Hòa về lập nghiệp ở Nông trường An Viễng làm công nhân cao su, nhà lại thêm một thành viên nữa là bé Thảo. Thêm tiếng khóc trẻ thơ ai mà chẳng vui. Nhưng, bên cạnh niềm vui được làm cha, chuyện lo cái ăn cái mặc cho ba đứa con là vấn đề không phải dễ dàng gì đối với đôi vợ chồng chưa quen lao động chân tay, còn bỡ ngỡ với chiếc cuốc, chiếc liềm cạo mủ.
Ban ngày tôi quần quật ở nông trường, đêm đến làm thêm bốc xếp kiếm tiền nuôi con. Chịu cực thế nhưng cũng không nuôi nổi một vợ ba con một cách đàng hoàng. Thế là, khi bé Thảo lên 10 tuổi, chịu hết xiết, sau nhiều đêm đấu tranh với chính mình, tôi đã quyết định chọn con đường tà đạo là đánh bida độ để làm kế sinh nhai.
Hồi còn ở Biên Hòa, nhờ được thọ giáo hai cơ thủ khét tiếng của làng bida độ là nghệ sĩ Út Trà Ôn và Thành Được nên đường cơ của tôi cũng không đến nỗi tệ. Và đó là “cần câu cơm” của cả nhà tôi suốt từ năm 1994-1999. Chơi bida có tiếng ở khu vực Long Thành và được mọi người xưng tụng là “Hải đại ca”, tuy nhiên tôi không tự hào về điều đó và ngày này qua ngày khác cứ lầm lũi gầy độ để kiếm tiền, chứ không dám ngẩng mặt nhìn đời.
Phóng to |
May mắn làm sao, cuối cùng tôi cũng “rửa tay gác kiếm” được cách đây năm năm, khi mà bé Thảo bắt đầu thành danh. Nhờ nó mà tôi thoát khỏi được cái nghề chẳng hay ho đó. Mấy hôm xem trực tiếp cầu mây Asiad 15, thấy Thảo đá cầu như làm xiếc trước các đối thủ Thái Lan rồi Myanmar, bạn bè tôi trêu: “Chắc con nhỏ này thừa hưởng cái gen chơi bida của ông nên mới có năng khiếu thể thao như vậy!”.
Tôi cười trừ và trả lời: “Cũng có thể, nhưng nó may mắn hơn tôi là nhờ đi theo con đường thể thao chân chính nên mới thay đổi cuộc đời”.
Hạnh phúc của người mẹ
Cái nhà này, cái tivi này, thậm chí đến chiếc xe máy là phương tiện đi lại của gia đình cũng đều do một mình Hải Thảo bỏ tiền ra hóa giá, mua sắm. Từ lúc thầy Lưu Ngọc Tuấn phát hiện và đưa về Đồng Nai chơi cầu mây đến nay, gia đình tôi chỉ lo cho con bé vài ba tháng đầu, còn về sau này con bé luôn là trụ cột của gia đình.
Đi tập huấn, thi đấu cả năm mới về thăm nhà được một lần, nhưng luôn thăm hỏi anh chị, ai thiếu cái gì là cứ dốc tiền dành dụm ra chi. Hôm đoạt HCV ở Asiad, từ nước ngoài con bé gọi điện về dặn mẹ kể từ nay đừng đi phụ nấu cơm cho người khác nữa, số tiền dành dụm của con cộng với tiền thưởng đợt này nếu gửi ngân hàng lấy lãi hằng tháng ba mẹ cũng đủ sống.
Nghe đến đó mà tôi không cầm được nước mắt. Cho con theo thể thao chỉ mong có cái nghề có thể đủ nuôi sống mình là chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm rồi, nào ngờ nó được như ngày nay.
Nhớ cao su, yêu cầu mây
Chẳng biết từ khi nào cái mùi cao su nồng ngái đã trở nên quen thuộc và đi vào từng bữa ăn, giấc ngủ của tôi. Sinh ra và lớn lên giữa rừng cao su, tôi đã cảm nhận những nỗi khó khăn vất vả của người công nhân. Họ phải đổ mồ hôi sôi nước mắt chăm sóc cây cao su. Một ngày làm việc của họ có khi phải bắt đầu từ 2g sáng.
Cuộc đời tôi tưởng đã tiếp tục gắn bó với cây cao su. Nhưng thế rồi cầu mây đã đến và lôi tôi đi, mang tôi đến những phương trời mới. Nhờ cầu mây, tôi đã sống và ăn cơm mòn bát ở thủ đô. Nhờ cầu mây, tôi biết Thái Lan ở đâu, biết Hàn Quốc, Qatar ở phương nào. Nhờ cầu mây, tên tuổi của tôi được nhiều người biết đến. Nhờ cầu mây, tôi đã giúp ba mẹ bớt cực khi tuổi già. Ôi, tôi nhờ cầu mây nhiều lắm.
Vì vậy, tự đáy lòng mình, tôi rất cảm ơn thầy Lưu Ngọc Tuấn đã đưa tôi đến với cầu mây và cảm ơn ba mẹ đã cho tôi có được một cơ thể có tố chất phù hợp thể thao.
Đến bây giờ nếu được chọn lại nghề nghiệp cho mình, tôi cũng sẽ chọn cầu mây. Biết ơn cầu mây, yêu cầu mây song tôi sẽ không bao giờ quên được mùi cao su và những người công nhân cao su.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận