Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Bình Phương |
Nguyễn Bình Phương sinh năm 1965 tại một làng quê ở Thái Nguyên. Không khí nông thôn trong tiểu thuyết của anh dường như mang dáng dấp của nơi anh sinh trưởng. Đó là những người nông dân, ngôi làng, dòng sông và những huyền thoại mà bất cứ vùng quê nào cũng có. Chúng trở thành chất liệu để Nguyễn Bình Phương thể hiện ý tưởng tác phẩm của mình.
Con người với tính cách đa dạng, không theo một chiều, mà yêu ghét đúng với bản chất người nông thôn. Sự tha hoá của con người, những dục vọng bùng nổ, những hành động phi lý và phi nhân tính được thể hiện một cách nghệ thuật trong tiểu thuyết của anh. Họ có những hành vi vô thức.
Thế giới nhân vật và không khí chuyện của Nguyễn Bình Phương thường mang màu sắc hiện thực huyền ảo pha lẫn tâm linh, ma quái, dường như chúng không thực hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên, những người điên, hoặc những người không làm chủ được bản thân trở thành một môtip đặc biệt trong sáng tác của anh. Bản năng của sự sinh tồn hơn lúc nào hết, mãnh liệt và tự nhiên.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Thạch, nếu cần lựa chọn một hiện tượng tiêu biểu nhất của tiểu thuyết VN đương đại, ưu tiên số một chắc chắn sẽ là những sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Thế nhưng, phần lớn các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương luôn bị coi là khó đọc và kén độc giả.
Là nhà văn quân đội, Nguyễn Bình Phương vẫn không ngừng sáng tác, anh còn làm thơ. Dĩ nhiên, nhà xuất bản thơ của anh cũng cảnh báo trong lời nói đầu với độc giả: thơ của Nguyễn Bình Phương không phải dễ đọc. Nhưng người yêu thơ có thể tìm thấy trong đó, những vần thơ thoáng buồn, không như thế giới rờn rợn trong tiểu thuyết của anh.
Chẳng hạn như: Ai rót rượu vào trăng/ Lênh láng quá làm sao chịu nổi/ Em thành kỷ niệm rồi/ Cái buồn không nắm được/ Cái buồn lễnh loãng quanh mình (Linh Nham đêm). Tiểu thuyết sắp tới của anh mang một cái tên cũng rất lạ: Ngồi. Mọi tình tiết lẫn hành động trong đó rất quyết liệt, hấp dẫn và kén độc giả như những cuốn tiểu thuyết trước.
Từng tự nhận mình là khách trần gian, Nguyễn Bình Phương quan niệm sống là cố gắng yêu thương, cố gắng không làm hại ai và cố gắng có ích một chút. Đối với độc giả yêu cái mới, cái lạ trong văn học, sự sáng tạo cách tân trong nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương luôn là một món quà được mọi người đón nhận.
* Đối với anh, văn chương là sự thay đổi hay là bất biến?
- Nhận thức thay đổi dẫn tới quan niệm thay đổi. Tôi chỉ có một nhận thức bảo thủ là cố gắng viết cho nó gần sát với quan niệm của mình về văn chương vậy thôi. Còn lại những quan niệm khác về loại hình, về chức năng thì nó thay đổi luôn. Đã có lúc tôi nghĩ văn chương tự tách rời giữa hai thế giới sau đó tôi lại nghĩ ngược lại. Nhìn chung tôi sợ bị bó buộc trong một khung cố định nào đó. Văn chương bản thân nó là chân trời tự do thì ta cứ nương theo thế, đừng bó buộc nó.
* Anh nghĩ thế nào khi có nhà phê bình nói rằng: Tác phẩm của anh như một sự quay lại của tiểu thuyết mới?
- Về chuyện người ta bảo thế nào thì tôi không can thiệp, cũng chẳng đính chính. Vấn đề ở chỗ tôi thấy hài lòng hay chưa hài lòng với những gì mình viết, mọi thứ còn lại là thứ yếu. Người viết văn cần một sự bảo thủ, rát cần, ấy là tôi nghĩ cho riêng mình thế. Tôi nghĩ và làm theo cách của tôi, không mấy quan tâm tới những gì xung quanh. Tôi đánh cuộc là không nhiều người ở ta hiểu rõ và đọc cho đủ cái gọi là tiểu thuyết mới để tự tin so sánh nó với những cái khác. Phần đông vẫn chỉ láng máng, trong số đông đó có tôi.
* Tư duy thơ thấm đẫm trong từng trang viết. Điều đó tạo nên một phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương?
- Bản thân sáng tác thơ vì thế không có gì ngạc nhiên khi có sự lây lan giữa hai thể loại này. Một tác phẩm văn xuôi đẫm chất thơ không có gì xấu, và một tác phẩm văn xuôi thực sự văn xuôi cũng không hoàn toàn có gì xấu. Vấn đề ở đây là quan niệm. Vả lại đến thời điểm này tôi cho rằng ranh giới giữa các thể loại đã bị xoá nhòa và đó là một tín hiệu tốt đẹp.
Nhà văn là người vượt qua những định nghĩa để tiến tới một định nghĩa khác. Chất thơ thấm đẫm không phải phong cách của riêng ai, nó đã là phong cách của vô số nhà văn khác cách chúng ta hàng thế kỷ hoặc hơn thế nữa.
* Tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ là một thế giới phức tạp về người điên. Anh có nghiên cứu kỹ từng hành vi tâm lý của người điên không?
- Có chứ, đó là sự bí ẩn mà những người tỉnh táo không thể xâm nhập. Tôi cho rằng người điên chứa trong họ một phần rất lớn phẩm chất của nghệ thuật. Họ làm cho thế giới con người đột nhiên sâu thăm thẳm, làm choáng váng đời sống vốn tỉnh táo của chúng ta. Ai cũng có một người điên ở trong chính mình, vấn đề ở chỗ người điên ấy mạnh hay yếu, đậm hay nhạt mà thôi.
* Gần đây, xuất hiện một số cuộc tranh luận về tiểu thuyết VN. Vậy theo anh, chúng ta có biết nền văn học Việt đang ở đâu và đi về đâu không?
- Văn học không đi về đâu cả, tiểu thuyết cũng vậy. Nó là chính nó, ở một chỗ và ở tất cả mọi chỗ. Tác phẩm ở đâu trung tâm văn học ở đó, trong tổng quan kích thước của tác phẩm ấy. Tóm lại, các nhà văn không nhất thiết phải đi về một hướng vì thế không thể nói rằng văn học đi về đâu.
Thời đại này không có những trào lưu, không có trường phái, không có một ông trùm, mà chỉ có sự vận động cá nhân vì thế có thể ví lĩnh vực tiểu thuyết như một bầu trời mà mỗi tác giả xuất hiện giống như một vì sao thêm vào cho ta thấy sự rộng lớn bao la của bầu trời chứ không chỉ ra được đâu là hướng chính của bầu trời. Cuộc sống của chúng ta, của dân tộc ta ở đâu, thì tiểu thuyết của chúng ta ở đấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận