10/05/2008 10:39 GMT+7

Nguy cơ thất học và mù chữ

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Trong tháng tư, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi thực tế tại những "điểm nóng" có số lượng HS bỏ học nhiều tại khu vực Tây nguyên, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

kdBEAtXC.jpgPhóng to
HS vùng sâu ở huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang ngày ngày phải chèo ghe mỏng manh như thế này để đến trường - Ảnh: N.C.T.
TT - Trong tháng tư, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi thực tế tại những "điểm nóng" có số lượng HS bỏ học nhiều tại khu vực Tây nguyên, miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cùng với việc yêu cầu các sở GD-ĐT cập nhật số liệu chính xác về số HS bỏ học tính đến ngày 15-4, các đoàn công tác tìm hiểu thêm về nguyên nhân, giải pháp cụ thể của từng địa phương trong việc khắc phục tình trạng này. Bộ GD-ĐT đang tập hợp thông tin để báo cáo về số HS bỏ học với Quốc hội.

Đáng lo ngại

Theo thống kê của Vụ Giáo dục tiểu học trên cơ sở báo cáo mới nhất của các sở GD-ĐT tính đến 15-4-2008, số HS tiểu học bỏ học trên toàn quốc là 19.217 HS. So với số liệu đến hết 31-3, số HS bỏ học tăng thêm 6.000 HS.

Theo ông Lê Tiến Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, mặc dù số HS tiểu học bỏ học không "nóng" như trung học nhưng rất đáng lo ngại. HS tiểu học bỏ học có nghĩa là sẽ thất học, quay trở lại tình trạng mù chữ.

Bỏ học tăng ở một số nơi

So với cuối học kỳ 1 năm học này, HS bỏ học vẫn tăng ở một số địa phương. Theo ông Lê Xuân Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, trưởng cụm thi đua Bắc Trung bộ, tính đến cuối tháng 4-2008, sáu tỉnh Bắc Trung bộ có 17.779 HS bỏ học, trong đó có 808 HS tiểu học, 9.371 HS THCS và 7.600 HS THPT. Nghệ An, Quảng Trị là nơi có số HS bỏ học nhiều nhất.

Khu vực đồng bằng Bắc bộ, số thống kê đến 15-4 đã có xê dịch theo chiều tăng so với thời điểm cuối học kỳ 1. Cụ thể có 9.899 HS bỏ học, tăng so với báo cáo trước trên 3.800 HS.

Khu vực miền núi phía Bắc theo số liệu thống kê là khoảng 37.500 em, trong đó tiểu học 10.400 em, THCS gần 13.000 em và THPT hơn 14.000 em. Hà Giang là địa phương có số học sinh bỏ học cao nhất với 8.238 em, Lai Châu 7.884 em, Tuyên Quang 4.635 em, Yên Bái 3.022 em.

Ở bậc trung học, mặc dù chưa có con số thống kê cuối cùng nhưng qua số liệu của một số khu vực, số lượng HS bỏ học tăng so với thời điểm cuối tháng 3-2008. Giải thích về sự chênh giữa con số HS bỏ học Bộ GD-ĐT công bố và số HS bỏ học tính đến thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Hải Châu - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - cho biết do cách hiểu của mỗi địa phương trong việc thống kê số HS trên không thống nhất. Có tỉnh chỉ tính số HS bị hụt đi so với đầu năm học, có tỉnh tính số HS bỏ học qua dịp nghỉ hè...nên con số cuối cùng thông báo cho bộ chưa chính xác.

Vì thế, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT rà soát để báo cáo số liệu mới tính đến thời điểm 15-4, trên cơ sở cập nhật số HS bỏ học chưa được tính trong báo cáo trước đây và số mới bỏ học.

Trình độ giáo viên có vấn đề

Theo ông Nguyễn Hải Châu, qua đợt khảo sát thực tế vừa qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học, trong đó có nguyên nhân do trình độ giáo viên. Bộ GD-ĐT đã có cơ chế cho phép các trường, giáo viên chủ động thực hiện linh hoạt chương trình - sách giáo khoa để phù hợp với đối tượng HS. Nhưng thực tế có nhiều giáo viên lúng túng khi không thể thoát ly được sách giáo viên. Ông Châu cho biết Vụ Giáo dục trung học đã phải có hướng dẫn kèm theo minh họa về bài dạy theo hình thức linh hoạt, nhưng nhiều nơi giáo viên vẫn không thực hiện được.

Hiện nay cả nước có 38-40% giáo viên tiểu học đạt trình độ trên chuẩn, nhưng phân bố không đều. Những nơi có nhiều HS yếu kém, bỏ học tập trung ở các khu vực kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thì chất lượng giáo viên lại không cao.

Trong đóng góp ý kiến về chương trình - sách giáo khoa của gần 50 tỉnh, thành phố đã chuyển về Bộ GD-ĐT, các vụ chức năng cho biết có nhiều ý kiến cho rằng chương trình - sách giáo khoa quá tải đối với HS một số khu vực đặc thù.

Bên cạnh việc nghiên cứu giảm bớt nội dung chương trình áp dụng với HS vùng khó khăn, ông Lê Tiến Thành cho rằng những vùng không thực hiện được học hai buổi/ngày thì nên giãn chương trình để HS lớp 1 được học hai năm, nhất là HS dân tộc thiểu số.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên