![]() |
Phố xá ở Bắc Kinh |
Một chuyên gia bình luận của Tân Hoa xã, ông Hứa Bác Uyên, mới đây đã viết: “Phẩm chất người dân TQ không cao, ý thức đạo đức xã hội kém. Phẩm chất thấp không chỉ xuất hiện ở tầng lớp nhân dân phổ thông mà hiện nay, ngay đến cả những lãnh đạo có bề ngoài tưởng như thanh cao cũng bộc lộ rõ bản chất thật của mình, dùng quyền để mưu cầu lợi riêng, tham ô mục nát, trụy lạc ngày càng nhiều”.
Không phải vô duyên, vô cớ mà Hứa Bác Uyên lại có một loạt bài bình phẩm về những mặt xấu còn tồn đọng trong tính cách của dân tộc mình. Cái phẩm chất ấy thể hiện rõ rệt ở những nơi công cộng, nơi đòi hỏi người ta phải có ý thức về hành động của mình.
Một chuyên gia bình luận khác của Tân Hoa xã, ông Ngải Lâm, cũng đưa ra ví dụ cụ thể: có rất nhiều người TQ thản nhiên đi va mạnh vào người khác trên đường phố mà không một lời xin lỗi, một số khác thì khạc nhổ bừa bãi trên lòng đường, thậm chí có nhiều người còn lớn tiếng la hét giữa những nơi công cộng... Ông còn cho rằng so sánh với những quốc gia tiên tiến khác, có lẽ phẩm chất của người TQ vẫn còn kém xa.
Với nền giáo dục “đạo đức truyền thống” đã có từ 5.000 năm nay ở TQ, hiệu quả mà nó mang lại khiến người ta phải thất vọng. Kiểu giáo dục đó gần như là biến con người thành nô lệ của “qui phạm đạo đức” phiến diện chỉ có trên mặt giấy, hoàn toàn cách xa với ý nghĩa thật sự của phẩm chất quốc dân trong cuộc sống thực tế.
Chắc chắn rằng bản thân Hứa Bác Uyên cũng không khỏi đau lòng khi mỗi ngày càng nhìn nhận ra sự yếu kém và sa sút về phẩm chất của đồng bào mình. Ông đưa ra dẫn chứng: gần đây, tuy đã áp dụng hệ thống mắt điện tử, thậm chí còn kết hợp với sự giám sát của giáo viên giám thị, TQ vẫn thường xuyên gặp những gian lận tiêu cực trong giáo dục, trong khi ở Đức không cần phải có giám thị gác thi vẫn không có trường hợp nào vi phạm.
Một dẫn chứng khác để so sánh: ở một số nước châu Âu, siêu thị cho phép người dân tự do mà không cần một nhân viên nào phục vụ và giám sát, họ mua đồ, cân đồ, tự lấy phiếu và trả tiền. Còn ở TQ, vẫn nhân viên, vẫn bảo vệ và vẫn có mắt điện tử ở đó, thế nhưng vẫn không ngăn chặn nổi việc đồ đạc tự nhiên biến mất. Phải chăng đã đi xa quá so với cái gọi là chuẩn mực đạo đức?
Nguyên nhân
Hứa Bác Uyên cho rằng đạo đức ngày một xói mòn là sản phẩm của sự tương giao giữa những nhân tố của hình thái mới và sự lạc hậu của nền văn hóa truyền thống xưa. Hoặc có thể nói đó chính là sự phản ánh của văn hóa lạc hậu trong hoàn cảnh phát triển mới.
Còn Ngải Lâm, sau khi phân tích vấn đề đã rút ra kết luận: sở dĩ phẩm chất người dân TQ không cao là do có cả nguyên nhân nội tại lẫn tác động bên ngoài, do bản thân mỗi người lẫn do yếu tố xã hội, do nhân tố lịch sử và cả ảnh hưởng của hiện thực, do văn hóa “cặn bã” của truyền thống lẫn văn hóa ngoại lai không lành mạnh xâm nhập vào.
Cả Hứa Bác Uyên lẫn Ngải Lâm đều công nhận rằng ngoài nguyên nhân từ chính bản thân mỗi người, thì ít hay nhiều cũng chịu ảnh hưởng của nhân tố khách quan bên ngoài tác động.
Từ góc độ văn hóa truyền thống, có thể thấy nguyên nhân phát sinh tố chất của người dân TQ là do lối tư duy phong kiến đã quá ăn sâu vào tư tưởng của họ. Ý thức toàn diện không sâu sắc, xem trọng quá mức lợi ích của cá nhân hay của một tập thể nhỏ và đặc biệt là xem nặng lợi ích trước mắt. Cũng chính vì vậy mà người TQ không thích phục tùng kẻ khác, không có cái nhìn toàn diện và xem nhẹ tính toàn thể.
Sự du nhập của văn hóa ngoại lai cũng là một ảnh hưởng lớn. Vì nhiều người dân TQ quá đề cao sự tự do, phóng khoáng, không ràng buộc của văn hóa phương Tây mà từ đó tự hạ thấp và tiêu hủy đi văn hóa truyền thống đẹp đẽ của mình. Chuẩn mực đạo đức cũng như ràng buộc đạo đức từ đó bị xem thường và bỏ quên. Họ trở nên dễ dãi và có khi đi theo một hướng tự do phóng đãng.
Từ góc độ xã hội có thể nhìn thấy xã hội không công bằng, hiện tượng bất bình đẳng giữa “quan” và dân ngày càng nghiêm trọng. Điều này tạo ra nhiều suy nghĩ cực đoan trong tư tưởng người dân, khiến tâm lý họ bị bóp méo, sản sinh ra những hành động trái với bản tính vốn có của mình.
Phân tích theo góc độ thể chế, sự quá độ sang kinh tế thị trường đã sinh ra những điều bất lợi cho xã hội, trong đó có việc nhiều người lợi dụng sơ hở từ chính sách, luật pháp trong giai đoạn này để đạt được nguồn thu nhập “phi lao động” kếch sù. Những người này bỗng phút chốc trở thành “đại gia”, thành giới thượng lưu, quí tộc trong xã hội TQ. Điều này đã khiến những người, tuy lao động cật lực nhưng cuộc sống lại vẫn luôn khó khăn, mang trong lòng tâm trạng thù địch, đối đầu với những đại gia, thậm chí với cả xã hội và chính phủ. Từ đó họ cũng không còn muốn chấp hành tốt đạo đức xã hội và qui tắc xã hội.
Không chỉ dừng lại ở phẩm chất thấp, tính cách của người dân TQ trong xã hội hiện tại của đất nước này còn tiềm ẩn nhiều mặt tiêu cực cần được “thanh lọc” và làm mới. Vấn đề “quốc dân tính” không đơn thuần ở tính cách của dân tộc, nó đã trở thành một mục tiêu, một định hướng mà nhà nước cũng như người dân TQ phải có biện pháp thay đổi và đào tạo để phù hợp với định hướng cải cách trên con đường mở rộng và phát triển đất nước theo tầm vóc quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận