14/05/2004 22:01 GMT+7

Người thổi hồn vào tranh lá thốt nốt

TRƯƠNG QUANG QUỐC DŨNG
TRƯƠNG QUANG QUỐC DŨNG

TTO - Ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) có một người họa sĩ nghiệp dư đã lấy lá thốt nốt ghép thành tranh và dùng mỏ hàn điện để làm nên những tác phẩm độc đáo, chưa từng thấy ở bất cứ sản phẩm mỹ thuật nào.

a6CGfCnN.jpgPhóng to
Họa sĩ Võ Văn Tạng bên những tác phẩm vẽ bằng cách ghép tranh lá thốt nốt của mình - Ảnh: Quốc Dũng

Từ khi còn bé ông Võ Văn Tạng đã rất mê vẽ tranh, vì thế cứ mỗi độ xuân về ông luôn tự tay vẽ thiệp chúc xuân để tặng bạn bè. Được mọi người khen ngợi, cộng với việc gia đình mở quầy bán tạp hóa nên ông vẽ tranh bán vừa có thể kiếm được tiền phụ giúp gia đình vừa trang trải học phí.

Nhưng nghề vẽ sẽ không giải đáp nổi bốn chữ "cơm, áo gạo, tiền" nên ông quyết định rẽ bước chọn học ĐH Kinh tế, rồi làm giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thoại Sơn. Bước rẽ của cuộc đời như thế vẫn không làm nguội lạnh nỗi đam mê hội họa, ông lại vẽ và đã vẽ suốt hơn 30 năm qua bằng cảm xúc của một người họa sĩ chưa từng học trường lớp chính quy nào cả.

Cách nay 6 năm khi ông phát vay vốn ngân hàng cho ông Mai Đông - một hộ Khmer nghèo chuyên làm quạt bằng lá thốt nốt ở Vọng Thê - ông đã xuống cơ sở tham quan và phát hiện lá thốt nốt đẹp, dù để lâu nhưng màu sắc vẫn không thay đổi.

Nhớ lại trước đây ông đã từng làm tranh từ lá cây thiên tuế nhưng độ bền của lá thiên tuế ngắn quá, lại thường bị gãy nên thấy lá thốt nốt ông nghĩ chất liệu lá thốt nốt có thể đáp ứng được việc ghép tranh và có thể bảo tồn lâu dài.

Thốt nốt là loại cây trồng phổ biến ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang).

Lâu nay người ta chỉ sử dụng trái thốt nốt và nước thốt nốt như một thực phẩm giải khát và chế biến đường. Còn lá thốt nốt là phế phẩm ít được sử dụng.

Ông Tạng cho biết: "Khi đến viếng chùa Skvong (Tịnh Biên) được chiêm ngưỡng những bộ kinh xưa mà người Khmer qua kinh nghiệm dân gian đã dùng lá này để viết kinh, đến nay có tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn, tôi thấy mê lắm. Tôi cũng mua lá thốt nốt về, trước khi làm tranh, thử nghiệm hai năm thì đặc biệt lá này ngoài màu sắc đẹp, lá dày, dẻo còn có độ bền và ít bị mối mọt".

Vậy là người họa sĩ nghiệp dư Võ Văn Tạng đã quyết định dùng lá thốt nốt làm chất liệu cho tranh. 6 năm qua nhiều bức tranh mang dáng dấp quê hương được ông làm ra hầu hết dành để tặng bạn bè, người quen. Đặc biệt là những bức tranh về miền sông nước Cửu Long, về vùng đất Thất Sơn, Bảy Núi quê ông...

Để làm thành một bức tranh cũng thật kỳ công. Lá thốt nốt (phải là lá non) được mua từ huyện Tịnh Biên về phơi khô rồi phân loại theo màu: vàng, vàng đậm, trắng... và tách nhỏ ra. Từ đây có thể bắt tay vào làm tranh.

Nghệ nhân sẽ phác họa trên nền ván ép và bằng từng sợi nhỏ được tách ra từ lá thốt nốt, người làm tranh phải ghép lại tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn hàng tuần liền mới xong. Công sức của người ghép tranh ở giai đoạn tạo dáng tạo hình được ghi nhận như một sản phẩm của nghề tiểu thủ công. Đây là công việc mà ai cũng có thể làm được.

Thế nhưng vào giai đoạn chấm phá thì việc ghép tranh thiên về lĩnh vực mỹ thuật. Không dùng cọ, không dùng sơn, chỉ với mũi hàn điện ông Tạng đã thổi hồn cho tranh lá. Đến giai đoạn này thì tranh hoàn thành, trông thật sống động và đặc biệt thoạt nhìn người xem khó thể đoán được chất liệu độc đáo của sản phẩm.

eWAhSRsB.jpgPhóng to
Tác phẩm "Quê hương Bảy Núi" của họa sĩ Võ Văn Tạng - Ảnh: Quốc Dũng
"Hữu xạ tự nhiên hương", năm 2003 ông Tạng đã đón khá nhiều khách hàng phương xa tìm đến mua tranh lá thốt nốt.

Năm 2004, bước vào tuổi 62 ông Tạng nghỉ hưu sau khi bàn giao nhiệm vụ Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thoại Sơn và ông quyết định dành hết thời gian, công sức mở một cơ sở làm tranh phục vụ khách du lịch.

Ông Tạng là người đầu tiên dùng lá thốt nốt làm chất liệu cho tranh và hiện nay cũng chỉ riêng ông là giữ kinh nghiệm quý về cách chọn lá búp để ghép tranh. Chính vì vậy ông đang tìm người có tâm huyết để truyền nghề. Hơn nửa cuộc đời thổi hồn vào tranh, từ sâu thẳm trong tâm hồn mình ông biết rằng, khi ông hết lòng vì nghệ thuật thì chính nghệ thuật sẽ trả ơn xứng đáng cho ông.

TRƯƠNG QUANG QUỐC DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên