26/02/2009 17:15 GMT+7

Người thầy hoàn hảo là biết lắng nghe

HUỲNH MINH CẢNH (Sở GD&ĐT Tiền Giang)
HUỲNH MINH CẢNH (Sở GD&ĐT Tiền Giang)

TTO - Tôi đã thật sự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đọc bài "Người thầy không hoàn hảo" trên báo Tuổi Trẻ. Những lời lẽ của học sinh Nguyễn Minh Thắng - lớp 9B1 Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM - cho thấy em là một học sinh "có cá tính". Em đã rất dũng cảm nói đúng những suy nghĩ, tình cảm thật của mình, điều mà hiện nay rất ít HS làm được.

Nhưng điều bất ngờ hơn chính là thái độ tiếp thu rất mực khiêm tốn của nhà giáo Hoàng Đức Huy: thầy đã cảm ơn đứa học trò "dám" phê phán mình (điều mà nhiều giáo viên khác có thể cho là một sự "xúc phạm")! Thầy Huy đã "học" được từ chính học trò mình, còn tôi, tôi thấy mình đã được học rất nhiều điều từ thầy Huy...

Qua lời kể của em Nguyễn Minh Thắng, tôi thấy nổi bật ở thầy là niềm tin tưởng vào học sinh của mình. "Thầy bảo ai cũng có thể học giỏi văn". Tôi biết có nhiều thầy cô giáo dạy văn (và không riêng gì môn văn) luôn cảm thấy "thất vọng" trước năng lực của học trò! Sau một tiết được dự giờ, nhiều giáo viên luôn miệng than phiền về trình độ, thái độ học tập của học sinh, trong khi không chịu nhìn thấy sự thất bại của tiết dạy chính là do nội dung bài dạy và phương pháp truyền đạt của mình.

Thầy Huy còn có sự tôn trọng cần thiết đối với học sinh. Thầy đã áp dụng nhiều biện pháp để được lắng nghe ý kiến của học sinh - một cách thật sự dân chủ - với mục đích rút kinh nghiệm về "cách dạy, cách cư xử" đối với học trò. Có lẽ còn nhiều giáo viên, vì nhiều lý do, đã thường xuyên sử dụng "uy quyền" thay cho sự tôn trọng, dân chủ ấy!

Đặc biệt, thầy thường xuyên yêu cầu và khuyến khích học sinh trung thực trong mọi vấn đề, từ việc bình một tác phẩm văn học đến cả việc đánh giá chính bản thân thầy. Chỉ riêng việc thầy mời tất cả học sinh của mình lên mạng đọc bài viết của em Thắng cũng đã thể hiện một nhân cách lớn...

Người thầy sẽ hoàn hảo - nếu luôn học tập, trau dồi những phẩm chất ấy.

Đọc bài viết của Thắng, tôi thấy em là người có suy nghĩ thật thẳng thắn. Dù là học sinh, nhưng em có cách cảm nhận và góp ý về một vấn đề mà không phải ai cũng có thể đề cập được. Tôi cũng từng có một người thầy, trong mắt tôi thầy cũng là một người có kiến thức rộng, khả năng am hiểu tuyệt vời. Môn học phân tích hệ thống của thầy rất hấp dẫn, phương pháp dạy của thầy lúc nào cũng lôi cuốn, dễ hiểu, có thể nhớ ngay mà không cần học bài (vì chúng tôi là những người đã đi làm nên không có nhiều thời gian để xem bài vở), và đặc biệt nó giúp chúng tôi áp dụng nhiều vào thực tế công việc.

Thế nhưng, một điều mà chúng tôi bực bội nhất và cũng làm giảm những suy nghĩ tốt đẹp của chúng tôi về thầy là lúc nào thầy cũng tự hào mình là người hiểu biết cao, chê bai về cơ chế chính sách, kể về những học trò giỏi của mình, rằng phương pháp dạy của mình là nhất, ở Việt Nam mình chưa ai có, học ở Việt Nam nhưng các bạn như đang được học ở Đại học Harvard...Hầu như buổi học nào chúng tôi cũng nghe những điều tương tự như thế riết rồi đâm... ngán. Nhưng bản thân chúng tôi không dám nói và không có cơ hội để nói ra những điều như em Nguyễn Minh Thắng đã làm.

Rất cảm ơn em vì những gì em đã bày tỏ, và hi vọng qua bài viết các thầy cô giáo cũng sẽ nhận ra được mình đang là ai và sẽ đón nhận những ý kiến đóng góp của các em học sinh để hình ảnh của mình ngày càng đẹp trong mắt các em.

HUỲNH MINH CẢNH (Sở GD&ĐT Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên