15/06/2017 09:46 GMT+7

Người sĩ quan biên phòng nuôi con đồng đội

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nhà có ba đứa con thì hai đứa không phải con ruột. Vì nuôi hai đứa con của vợ chồng đồng đội, anh chị chỉ dám sinh một con. Đó là câu chuyện đặc biệt của người sĩ quan biên phòng Danh Trường Danh.

Anh Danh Trường Danh kiểm tra tập vở của con gái K.C. - Ảnh: MY LĂNG

Thiếu tá Danh Trường Danh là trạm phó trạm kiểm soát đồn biên phòng Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Lời hứa với đồng đội

Người sĩ quan biên phòng ở nơi cuối đất cùng trời của Tổ quốc là người Khmer, quê Kiên Giang. Anh có vẻ ngoài thô mộc, gương mặt phúc hậu, cách nói chuyện thật thà, chân chất kiểu miền Tây. “Nhà tui có ba đứa con: đứa lớn là D.Q.B., đứa thứ hai là D.K.C., bé út là Danh Bích Ngọc. Hai đứa con gái rất hạp tánh nhau, cứ quấn quýt lấy nhau, làm gì cũng có nhau. Con Út không sợ chút nào dù biết chị Ba nó bị nhiễm” - thiếu tá Danh Trường Danh nói.

Ở cái tuổi tóc đã gần muối tiêu, thiếu tá Danh nói tài sản của vợ chồng anh chính là ba đứa con. Cậu lớn Q.B. cao, mảnh khảnh. Cô bé thứ hai K.C. cũng mảnh khảnh, chân dài sọc, da trắng, rất hiền và ít nói. Cô út thì bụ bẫm, xinh xắn, lúc nào cũng quấn quýt với chị Ba K.C.. Ba đứa con nhưng hai đứa lớn mang họ Dương.

“Hai đứa lớn là con của vợ chồng người đồng đội trong đơn vị đã mất từ nhiều năm trước. Ba nó bị nhiễm HIV rồi lây qua vợ khi đang mang thai bé C.. Lên 3 tuổi, con nhỏ bị phát hiện nhiễm từ mẹ. Năm 2004, ba tụi nhỏ chết. Hai năm sau má tụi nhỏ cũng mất. Trước khi mất, ba tụi nhỏ gửi gắm tui nuôi hai đứa ăn học cho nên người. Bên nội chẳng ai ngó ngàng gì cũng không dám nhận con cháu. Hồi má tụi nhỏ mất, đưa đi chôn xong, vợ tui ẵm một đứa, tui ẵm một đứa mang về nhà nuôi. Con trai tui chết lúc 12 tuổi nên vợ chồng tui coi hai đứa như con mình” - thiếu tá Danh Trường Danh nhớ lại.

Tháng 11-2004, hai anh em Q.B. và K.C. được đem về nuôi thì khoảng ba tháng sau, khắp người bé em bắt đầu bị lở loét, mủ máu loang lổ khắp cơ thể. “Mỗi lần khóc nó la: ba ơi, con đau quá, nghe xót lòng. Vợ chồng tui mấy tháng đầu không ngủ được” - anh Danh kể.

Nắng nóng, vợ chồng người bộ đội biên phòng không dám xài quạt điện, chỉ dùng quạt tay, nhường quạt điện cho cô con gái nuôi. Buổi sáng vợ chồng anh dậy sớm nấu nước trụng quần áo của con, ngâm với nước tẩy, xà bông, xả nhiều lần rồi lại trụng nước sôi, giặt phơi. Mỗi ngày không chỉ tắm rửa cho con, vợ chồng anh còn đều đặn thay bông gòn, thấm mủ từ hai bên tai con. Tiền lương bộ đội của anh lúc đó chỉ 2.500.000 đồng/tháng, nhiều tháng không đủ chi tiêu, có lúc gạo phải mua chịu. Mỗi tháng, đồn hỗ trợ nửa bao gạo nuôi hai đứa trẻ.

Làm phước thì được hưởng phước

Mấy tháng sau khi được ba mẹ nuôi chăm sóc, chữa trị, những vết lở loét trên cơ thể cô bé lành dần, khô lại. Khi K.C. lên 7 tuổi, anh Danh xin cho con đi học nhưng không trường nào dám nhận. Giáo viên cũng sợ con em họ bị lây nhiễm! Sau gặp được một cán bộ của trung tâm phòng chống HIV xã đảo Gành Dầu hỗ trợ, K.C. mới được đi học. Con đi học bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, về khóc. Anh chị thay nhau đưa đón con đi học.

“Nó ham học lắm. Lẽ ra con bé đã lớp 9, lớp 10 nhưng do bệnh, phải học trễ hơn người ta. Tui hay kiểm tra bài vở, tập viết. Con bé học tốt nhất môn toán. Thằng B. thì học không vô. Vợ chồng tui, các chú ngoài đồn động viên hoài mà nó kêu hổng học nổi nữa. Tui khóc vì nó hoài. Tui đang định cho nó đi học sửa xe ở Gành Dầu” - thiếu tá Danh Trường Danh nói.

Chị Bích, vợ anh Danh, cho biết: “Sức khỏe bé C. yếu, vợ chồng mình không cho con làm gì hết. Giờ một năm xét nghiệm một lần. Hồi nhỏ con bé bị lở loét vậy chớ uống vài tháng là lành. Lúc đầu hai vợ chồng tui nhắc, sau nó tự động uống rất đúng giờ. Ngày xưa ai cũng sợ, cũng chê. Giờ khen con nhỏ đẹp gái, cao ráo, trắng trẻo. Con bé rất ngoan, ăn nói nhỏ nhẹ. Từ lúc học lớp 5, bé đã biết tự giặt quần áo, tự uống thuốc, quét dọn nhà cửa rồi học”.

Để toàn tâm toàn ý chăm sóc hai người con của đồng đội, nhất là bé K.C., phải hai năm sau đó vợ chồng anh Danh mới sinh bé Bích Ngọc (năm 2006).

“Nhà này cái gì cũng chia ba. Bé út ăn gì, hai đứa lớn cũng ăn đó. Một buổi sáng mỗi đứa một suất cơm sườn 20.000 đồng như nhau. Vợ chồng anh dạy các cháu như con ruột. Con nhỏ ý thức lắm. Nó rất thích em nhưng hồi nhỏ không dám ôm. Con Ngọc tới nó bỏ chạy. Nó sợ lây cho em. Nó cưng em lắm nhưng không dám đùa giỡn sợ trầy xước em. Muốn ẵm em bé là rửa tay sạch sẽ. Còn bé Ngọc thì rất thương chị. Đi ăn gì cũng mua về cho chị Ba, anh Hai. Nhìn tụi nhỏ ríu rít quấn quýt nhau vậy nếu không nói ra chẳng ai biết không phải là chị em ruột” - thiếu tá Danh kể.

Anh mỉm cười bảo: “Làm phước thì được hưởng phước. Cái phước bây giờ là có ba đứa con. Hơn 10 năm rồi, tụi nhỏ giờ khôn lớn hết, ngoan ngoãn, chăm làm việc nhà, thương ba mẹ. Bé C. tình cảm lắm. Nó hay nặn mụn, nhổ tóc bạc cho ba. Vợ chồng tui có thêm một đứa con gái thiệt ngoan, hiền lành và tui có được cái thanh thản với đồng đội mình”.

“Người ngoài nhìn vào đống quần áo bầy nhầy máu mủ tanh nồng còn thấy sợ huống chi là rờ vô. Bởi vậy mới nể anh Danh. Giờ con bé lớn nhồng, cao, da dẻ hồng hào, học hành được trường khen, chịu khó

Đại úy DƯƠNG THANH HOÀNG (chính trị viên phó đồn biên phòng Gành Dầu)
MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên