![]() |
Phùng Lệ Lý |
Đó là trường hợp của Phùng Lệ Lý qua tác phẩm Đảo lộn đất trời (When heaven and earth changed places). Cuốn sách này được nhiều người biết hơn nhờ nó được chuyển thể điện ảnh, trở thành bộ phim Trời và đất do đạo diễn Oliver Stone nổi tiếng thực hiện, từng được chiếu ở Mỹ và hơn 30 quốc gia khác.
Tôi gặp Phùng Lệ Lý vào khoảng cuối năm 1994, sau khi bộ phim Trời và đất vừa được trình chiếu và đang gây dư luận trên nước Mỹ. Song trước đó, năm 1991, tôi đã được biết Đảo lộn đất trời qua một trích đoạn dịch in ở tạp chí Tác Phẩm Mới (với tựa Vật đổi sao dời, bản dịch của Trần Minh Nga).
Trích đoạn ấy chủ yếu diễn đạt tâm trạng của tác giả trong chuyến trở lại thăm quê nhà lần đầu tiên năm 1986. Sau bao năm trời lưu lạc quê người, tác giả trở lại xóm nhà, bên cạnh những người thân thuộc, và vẫn với cái tên gọi chân chất: Bảy Lý. Thế nhưng lòng chị đầy những khắc khoải, hoang mang, lo lắng...
Thậm chí trong cái hạnh phúc được trở về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, tác giả vẫn không biết mình liệu sẽ gặp được người mẹ già hay không: “…Ngày mai nếu số phận may mắn, có lẽ mình sẽ được gặp má và được ngửi thấy mùi da khô nhám, mùi tóc cháy nắng và cảm thấy vòng tay thân thương của má ôm quanh người và ít ra trong giây lát cũng được thỏa mãn như hồi mới đẻ được nằm trong đôi tay ấy”.
Đó là chuyện cũ. Còn bây giờ Phùng Lệ Lý đã về nước đến chuyến thứ 22. Gặp lại chị, tôi nhận ra người phụ nữ này rất giống nhân vật Bảy Lý trong tiểu thuyết tự truyện: đậm đà, chất phác, thấp thoáng đôi nét phong trần; khác với các bức ảnh trên sách báo trước đây, chị luôn mang dáng vẻ thanh nhã của một nhà văn.
Lúc này, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ do chị sáng lập đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, xây dựng tại quê nhà như công trình trạm xá “Tình quê mẹ” tại Hòa Vang, “Làng hi vọng” dành cho trẻ em mồ côi ở Đà Nẵng, mở các lớp dạy nghề, quĩ giúp vốn cho người nghèo... Chị nói:
- Suốt mấy mươi năm ở Mỹ tôi vẫn sống trong tâm trạng “đảo lộn đất trời” vì không thể nào quên được nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Mơ ước lớn nhất của tôi bây giờ là được đưa con cái về sinh sống tại quê nhà dù ở Mỹ tôi có tài sản khá lớn và cuộc sống ổn định. Sau chuyến về nước lần đầu, tôi bị xúc động mạnh với những gì gặp lại ở quê nhà. Khi sang Mỹ, tôi sống như một cái xác không hồn, cảm thấy đời sống quá vô nghĩa. Tôi bắt đầu tập trung vào công việc xã hội, nuôi 17 đứa con nuôi (là trẻ em các trại tị nạn).
Cũng thời điểm này, tôi đã bán hết các tài sản và chỉ thuê lại một căn nhà nhỏ đủ sống với ba con, để vận động thành lập Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và phác thảo tập Đảo lộn đất trời (hoàn thành năm 1989).Tôi viết sách với sự cộng tác của nhà văn Jay Wurts. Kể từ cuốn sách thứ hai, tôi viết với sự giúp đỡ của con trai tôi. Ở Mỹ, người ta chú trọng đến vấn đề đặt ra trong tác phẩm chứ không quá khắt khe trong cách diễn đạt.
Hai tác phẩm Đảo lộn đất trời và Bé thơ trong chiến tranh, trưởng thành trong thanh bình của Lệ Lý Hayslip sau khi ra mắt được dịch sang 15 thứ tiếng, là sách bán chạy nhất ở Nhật và Anh.
Tại Mỹ, các tác phẩm này tạo điều kiện cho Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ phát triển thuận lợi hơn (đến nay có trên 6.000 hội viên, là những người có tấm lòng vì VN). Nhiều trường đại học đã mời Phùng Lệ Lý đến nói chuyện, sách của chị được đưa vào chương trình dành cho sinh viên học về Đông Nam Á…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận