![]() |
Lê Văn Thánh đang tiếp xúc với các bạn nữ công nhân may (quê miền Bắc) tại công viên Tao Đàn sáng 24-10-2004 - Ảnh: T.T.D. |
Tốt nghiệp ĐH Luật TP.HCM với bằng ưu, anh lại đi theo một nghề mà với VN đang là mới: thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, với nhiều dự án thanh thiếu niên đã qua tay...
Người thích phá tan “sự im lặng” đó là Lê Văn Thánh - Phó Giám đốc Trung tâm CTXH thanh thiếu niên (Trung ương Hội LHTN VN).
* Ở độ tuổi 30 như anh, nhiều người trẻ đang làm giàu. Còn anh, vì sao anh thích làm những dự án phát triển cộng đồng?
- Làm giàu là một điều chính đáng. Xã hội cần thật nhiều người trẻ làm giàu. Một người mở xưởng sản xuất sẽ giúp hàng trăm người có việc làm. Nhưng mỗi người có một cách nghĩ về sự giàu có, cách làm giàu khác nhau.
Tôi nghĩ, muốn làm giàu phải giàu tri thức và kỹ năng trước đã và điều này tôi tìm thấy khi đang làm dự án. Muốn làm dự án thì kỹ năng hàng đầu là phải huy động nhiều nguồn lực của xã hội cùng tham gia, biết điều phối, thương thuyết, hoạch định chiến lược giỏi, tổ chức tốt. Nhưng làm dự án không phải cứ gọi được nhiều người tài trợ là hay. Cái độc đáo của người làm dự án là phải có cảm xúc xã hội.
Ý nghĩ riêng tôi, một người nhiều tiền theo tôi là người thành công trong một lĩnh vực nào đó. Còn người thành đạt phải là người làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội, được xã hội cộng hưởng. Đó chính là chất và thành quả của cảm xúc xã hội!
* Dự án nào anh đã làm với nhiều cảm xúc xã hội nhất?
- Tôi thấy mình nặng lòng nhất là dự án “Bạn gái và các vấn đề xã hội”. Nó được thực hiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực nhà trọ, hỗ trợ, tư vấn cho công nhân về sức khỏe sinh sản, pháp luật, tình yêu, hôn nhân gia đình, môi trường và những nguy cơ, cách thức tổ chức đời sống nhà trọ. Tôi chọn chủ đề là “Phá tan sự im lặng”.
* “Phá tan sự im lặng”. Vì sao anh lại chọn cái tên nghe khá “sốc” ấy? Nó bắt nguồn từ những trăn trở nào?
- Khi tôi đi khảo sát tại các khu vực nhà trọ, một trong những vấn đề cứ canh cánh, trăn trở mãi là tình trạng nạo phá thai đang trở nên quá tải, quan hệ tình dục không an toàn… dẫn đến nhiều căn bệnh xã hội trong một số không nhỏ chị em công nhân.
Nó để lại nhiều hệ lụy: có những đứa trẻ sinh ra bị chính người mẹ bỏ sọt rác và bị kiến cắn cho đến chết, có bé chết trên đường đưa đến bệnh viện. Nhiều đêm liền tôi không ngủ, cảm thấy hoang mang, thương tâm quá. Suy cho cùng cũng là do “sự im lặng” mà ra.
Chúng ta thường im lặng trước những vấn đề gọi là “tế nhị” và cho đó là chuyện thầm kín không nói được. Đặc biệt ở nông thôn có nơi còn cho là tội lỗi. Mà công nhân phần lớn xuất thân từ nông thôn mà ra. Chính họ là người im lặng trước tiên khi bản thân gặp vấn đề và tự mình gánh chịu hậu quả.
Một số chính sách của chúng ta cũng đang im lặng với thanh niên nhập cư đó thôi. Đa số các doanh nghiệp cũng im lặng với trách nhiệm xã hội của mình... Dự án muốn cảnh tỉnh “sự im lặng đáng sợ” này.
* Dự án này đã đi hơn nửa chặng đường, hiệu quả mà người ta có thể thấy rõ nhất?
- Đã phá tan một số sự im lặng. Công nhân tại những nơi chúng tôi đến bây giờ đã khác hơn trước. Họ cởi mở và có phương pháp tự giải quyết vấn đề của mình. Đây là động lực lớn động viên chúng tôi tiếp tục.
Lãnh đạo các doanh nghiệp có triển khai dự án (đa số là liên doanh) đã thấy được lợi ích của chương trình nên tích cực hỗ trợ, bằng cách những ngày diễn ra chương trình đã cho công nhân nghỉ làm, tham gia mà vẫn hưởng lương. Được đồng tình rộng rãi trong xã hội, rất nhiều công ty mời chúng tôi đến tổ chức chương trình cho riêng họ.
* Nhưng tôi thấy dường như anh vẫn chưa thỏa mãn lắm?
- Sao mà thỏa mãn được. Có đôi lúc cảm thấy đuối vì mình nhỏ bé quá. Các khu công nghiệp cứ ồ ạt mọc lên, hàng triệu thanh niên ồ ạt đổ về thành phố lớn tạo nên áp lực rất lớn và nhiều bất cập trong chính sách, nhiều vấn nạn xã hội phát sinh.
Ví dụ tôi thấy việc hình thành các khu công nghiệp cũng nảy sinh một điều bất hợp lý: một sự thu hút vô tội vạ những nguồn lực lao động không được huấn luyện bài bản. Điều đó làm phát sinh trong xã hội: cơ cấu lao động không hợp lý, tất cả đều làm việc, đổ sức vào làm việc, sau đó lại trở thành vấn nạn xã hội. Đây là vấn đề nóng bỏng và nghiêm trọng.
* Có phải anh muốn nói đến một sự đào thải tất yếu trong đội ngũ công nhân?
- Bạn tưởng tượng xem, năm hoặc mười năm nữa, khi lớp trẻ với sức khỏe tốt, kỹ năng giỏi sẽ thế chỗ hàng ngàn công nhân hiện nay. Những công nhân mà nghề nghiệp lâu nay chỉ diễn ra trên một công đoạn của một dây chuyền nào đó, họ sẽ làm gì để sống khi bị “thải” ra? Đây sẽ là một vấn nạn. Và hiện nay khi chúng tôi thẳng thắn nói với công nhân nhập cư về điều này thì đó cũng là nỗi lo canh cánh của họ.
* Và vì vậy mà anh đang tiếp tục với dự án “Hỗ trợ thanh niên nhập cư”?
- Đúng như vậy. Chúng tôi đang cùng tổ chức Care quốc tế thực hiện dự án “Hỗ trợ thanh niên nhập cư”. Nó đang được thí điểm tại quận Bình Tân, Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), giúp công nhân vay vốn tín dụng nhỏ để lo phát triển bền vững, thiết lập tiết kiệm bưu điện cho công nhân, hỗ trợ cộng đồng để con em họ được đi học ở các trường tại địa phương, khám chữa bệnh và hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là chương trình huấn luyện cách thức tổ chức cuộc sống an toàn, bền vững cho công nhân. Có lẽ chúng tôi đang đi tìm sự đồng thuận để tạo ra điều hợp lý trong cơ chế.
* Anh đã ở trong tư thế ra sao khi thuyết phục người khác tin mình?
- Nếu tôi nói “xin tài trợ” tôi sẽ bị yếu thế rất nhiều so với đối tác, mà ở đây thì không có sự xin - cho. Tôi chỉ nói: “Chúng tôi không xin tiền mà chúng tôi có một ý tưởng muốn trao đổi, thương lượng và có ích cho bạn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bày tỏ trách nhiệm xã hội, bày tỏ với cộng đồng sự nhiệt tâm của một thương hiệu.
Tôi rút ra một kinh nghiệm: dự án phát triển cộng đồng không phải là một hoạt động từ thiện. Tôi cố gắng làm cho “đối tác tài chính” thấy điều đó. Doanh nghiệp Diana tham gia “phá tan sự im lặng” là tham gia trao cho một bộ phận trong cộng đồng người tiêu dùng của mình các kỹ năng thích nghi với cuộc sống mới, từ nông thôn vào thành thị. Và như vậy họ cũng đang mở rộng thương hiệu và thị phần đó chứ.
* Xin hỏi thẳng: phía sau các dự án anh có cái gì đó cho riêng anh không?
- Tôi chỉ thấy mình có ích cho đời và được uy tín, được kỹ năng, được vốn sống. Dự án phát triển cộng đồng là “chuyển giao”, là “huấn luyện” cho nên khi những người làm dự án rút đi thì những gì họ để lại tiếp tục vận hành, sinh sôi, phát triển. Nghĩa là dấu ấn, tấm lòng của họ còn ở lại mãi với những giá trị họ để lại. Chẳng riêng tôi và bạn, bất cứ một thanh niên nào mà chẳng mê để lại dấu ấn, để lại tấm lòng của mình nơi mà họ từng đến.
* Làm dự án cũng cần phải chuyên nghiệp?
- Những nước đang phát triển như nước ta đang rất cần những dự án bởi sự phát triển xã hội thường không theo kịp sự phát triển của kinh tế. Ngay cả những nước phát triển mạnh vẫn làm phát triển cộng đồng, chẳng hạn như bảo vệ môi trường, nguồn nước... Song muốn vươn ra thế giới, người ta cần chuẩn mực hóa dự án phát triển.
Trong khi đó, đội ngũ làm dự án phát triển VN hiện nay chủ yếu làm bằng sự nhiệt tình, bằng phong trào, chưa được đào tạo. Mà thực tế bạn thấy không, chúng ta đang “nhập khẩu” và “xuất khẩu” tình nguyện viên đó chứ. Tôi nghĩ cần phải có trường đào tạo những chuyên gia thiết kế, điều hành các dự án phát triển, từ đó hình thành ngành mới này, tiến lên chuyên nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận