15/10/2004 21:21 GMT+7

Người muốn phá vỡ những khuôn sáo

DUY VĂN (Theo Newsru, Faz.com, Reuters)
DUY VĂN (Theo Newsru, Faz.com, Reuters)

TT - Quyết định trao giải Nobel Văn chương năm nay cho tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo Elfriede Jelinek đã gây không ít tranh cãi.

PegaytzL.jpgPhóng to
Độc giả Đức tại hội chợ sách Frankfurt xem một quyển sách của Elfriede Jelinek
TT - Quyết định trao giải Nobel Văn chương năm nay cho tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà viết kịch người Áo Elfriede Jelinek đã gây không ít tranh cãi.

Thế giới sách sửng sốt vì họ cho rằng Elfriede Jelinek không nổi tiếng lắm bên ngoài thế giới những người nói tiếng Đức, chưa kể những quyển sách của bà không thuộc lọai thu hút công chúng (Reuters).

Chỉ bốn trong nhiều tác phẩm của bà được xuất bản bằng tiếng Anh: "Cô giáo dương cầm", "Thời gian tuyệt, tuyệt vời", "Sắc dục" và "Những người tình nữ". Riêng tiểu thuyết "Cô giáo dương cầm" (được dựng thành phim năm 2001) đã bị một số nhà phê bình chỉ trích là "phim khiêu dâm dưới chiêu bài nghệ thuật cao".Trên tờ Daily Telegraph, Pete Ayrton của nhà xuất bản Serpent Tail (xuất bản sách tiếng Anh của Elfriede Jelinek) thừa nhận: "Elfriede Jelinek thật khó hiểu. Bà là người gây tranh cãi và tôi không nghĩ rằng sách của bà sẽ được bạn chọn để đọc bên một tách trà dược thảo".

Thế nhưng để biện luận cho quyết định của mình, Viện hàn lâm Thụy Điển đã đánh giá: "Đó là vì những làn sóng giàu nhạc điệu và những tiếng nói tương phản nhau trong những tiểu thuyết và kịch bản của bà, những tác phẩm mà với nỗi đam mê ngôn ngữ lạ thường, đã cởi bỏ tấm màn che phủ những điều lố lăng và sự chuyên quyền của các khuôn sáo xã hội".

Một tác giả gây scandal

Elfriede Jelinek sinh năm 1946 tại Styria, một thành phố nhỏ của nước Áo, sau gia đình mới dọn về thủ đô Vienna. Tại thành Vienna, bà lớn lên ở một trong những khu phố tiêu biểu của tầng lớp tư sản Áo.

Đam mê văn chương đến với Jelinek từ sớm, như "Tạp chí Vienna mới" kể từ tự sự của bà: "Của đáng tội, tôi luôn luôn viết. Có lẽ do ảnh hưởng từ cha tôi, một người mê chơi chữ, nhất là với biệt ngữ thành Vienna. Đến nỗi tôi lớn lên với tính không bao giờ tin ngay vào lời ai đó nói, luôn tìm xem đằng sau chúng có ẩn ý gì không.

Hơn nữa, tôi học nhạc từ nhỏ nên luôn đối với chữ nghĩa theo kiểu "nhà sọan nhạc". Đó là làm việc với chữ nghĩa trên từng đơn vị nhỏ nhất cuả nó, và đó cũng là điều làm tôi khác với các tác giả khác".Người cha Do Thái gốc Czech đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời Jelinek. Ông là một kỹ sư hóa làm việc trong một công nghiệp chiến tranh, từng bị Đức Quốc Xã tra tấn vì nguồn gốc Do Thái. Ông muốn con gái không được quên tội ác của chủ nghĩa phát xít. "Khi còn rất bé, tôi đã bị cha buộc phải xem những đọan phim với hàng núi tử thi". Bà phải chứng kiến cha đã khổ đau thế nào vì sự bất lực của chính mình và chết trong bệnh viện tâm thần năm 1972. Ảnh hưởng của người cha thật sự sâu nặng, như sau này bà thú nhận: "Cả đời tôi muốn báo thù cho cha". Với người mẹ hà khắc của mình, một phụ nữ Vienna theo Thiên chúa giáo, Jelinek gắn bó bằng âm nhạc. Đứa con gái phải chịu áp lực nặng nề từ người mẹ muốn biến con thành thần đồng. Cha mẹ của Jelinek sinh bà khá trễ: bà là con một và khi có bà, cha bà đã 48 tuổi còn mẹ 43. Người cha có khuynh hướng xã hội và người mẹ Thiên chúa giáo tư sản - "hai thế giới ấy đụng độ nhau trong tôi và nghiền nát tôi", Jelinek mô tả. Jelinek nổi tiếng ở Áo từ rất trẻ, có tập thơ xuất bản khi 21 tuổi. Các tác phẩm của bà luôn gây tranh luận gay gắt. Phát biểu công khai đầu tiên của Jelinek tại festival văn hóa trẻ ở Innsbrook, nơi bà nhận được hai giải thưởng thơ và văn, đã kết thúc bằng scandal: sau festival này ban tổ chức quyết định không tổ chức những festival tương tự, nơi, như họ nói "nổi trội những lời dâm ô".

Hầu như sách của Jelinek luôn bị kết tội là khiêu dâm, đặc biệt là sau khi quyển sách "Sắc dục" ra đời năm 1989. Mặc cho công luận dè biủ "những đọan văn khiêu dâm" trong tác phẩm, nhưng sự vượt trội văn học và tính tiên phong của nó vẫn phải được nhìn nhận. 100.000 quyển tiểu thuyết, khác với tên gọi của sách, hòan tòan không nói về nhục dục, mà là về cuộc đấu tranh của người phụ nữ chống lại văn hóa khiêu dâm, chẳng bao lâu đã bay vèo khỏi các kệ sách.

"Tôi không thể hình dung ra dâm thư nào đó của phụ nữ, bởi họ không có một ngôn ngữ riêng kiểu này. Chỉ có ngôn ngữ của đàn ông mô tả đàn bà như một vật thể. Đấy tôi sử dụng chính ngôn ngữ đó và, như người ta nói, trả chúng lại cho đàn ông.

Trong tiểu thuyết "Sắc dục" tôi dùng vũ khí của họ chống lại chính họ, để chỉ cho họ thấy cái vật thể đó, bị biến thành thứ vật thể khiêu dâm, tự nó bắt đầu rẻ rúng người yếu hơn mình".

Ẩn mình

Tình cảm của Jelinek đối với nước Áo cũng không đơn giản. Thấm đẫm trong văn chương của bà là niềm tin yêu người Áo, nhưng những tác phẩm phê bình của bà cũng lại nhắm vào chính họ bởi tinh thần trách nhiệm vốn không thể thiếu trong tình yêu.

Jelinek phê phán không thương tiếc thực tiễn xã hội Áo hiện nay, khi xuất hiện những biểu hiện bài Do Thái, bài ngọai và không muốn nhận trách nhiệm về quá khứ phát xít của mình. Cuối thập niên 1990, tại Áo bắt đầu cuộc tấn công Jelinek, khi Chủ tịch Đảng Tự do cực hữu Áo Jeorg Haider trong cuộc tranh cử vào nghị viện Áo, ra tuyên bố cáo buộc Jelinek "lấy việc lôi Áo vào vũng bùn làm niềm vui".

Haider công kích các tác phẩm của Jelinek là "khai thác tình dục" và "đạo đức thấp", thậm chí "phi đạo đức". Những vở kịch của Jelinek bắt đầu bị một số khán giả phản ứng bằng cách la ó và bỏ về sớm. Jelinek cũng không vừa khi yêu cầu rút lại quyền trình diễn các vở kịch của bà cho tới khi nào chính quyền Jeorg Haider còn tại nhiệm.

Năm 1998, Jelinek gây chấn động xã hội Áo bằng tuyên bố: 'Tôi di tản vào nội tâm mình, bởi với một nguời thiên hướng xã hội như tôi, cuộc sống ở Áo là không thể nào chịu đựng nỗi". Jelinek quyết định ẩn mình. Bà tránh xuất hiện trước công chúng, sống biệt lập trong một căn nhà trên ngọn đồi nhìn xuống khu rừng ở Hutteldorf, ngọai ô thành Vienna. Jelinek nói bà vẫn tiếp tục viết, nhưng đã giã từ ảo tưởng nhà văn có thể tác động nghiêm túc tới dự luận xã hội: "Tôi không cho rằng nhà văn có thể thay đổi cái nhìn của xã hội... Bằng sách của mình anh ta có thể bắt người đàn ông này hay khác suy nghĩ xem nên đối xử với vợ thế nào, và chỉ thế thôi, không hơn".

Vở kịch mới nhất của Jelinek là "Babel" đề cập đến cuộc chiến tranh Iraq và công nghiệp khiêu dâm, như đạo diễn vở kịch Nicolas Stemman cho biết. Khi được hỏi về giải thưởng Nobel, Jelinek nói bà rất ngạc nhiên vì các tác phẩm của bà đã bị "nhiều bài phê bình tàn phá khốc liệt". Tuy nhiên, Jelinek nói sẽ không có mặt tại lễ trao giải dự kiên diễn ra vào ngày 10 -12 tới, vì "hội chứng sợ đám đông": "Ý nghĩ đầu tiên của tôi là, hay thật, mình đã thắng, nhưng ý nghĩ thứ hai ngay tiếp đó là sẽ có một thay đổi lớn với tôi, ít ra kể từ bây giờ, tôi sẽ là người mà mình không bao giờ muốn trở thành - người của công chúng", Jelinek than thở vào 8-10, một ngày sau khi được tuyên bố thắng giải .

DUY VĂN (Theo Newsru, Faz.com, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên