![]() |
Anh Long hướng dẫn nhân viên đóng gói sản phẩm |
Phạm Thế Long (Việt kiều Canada) là con một trong gia đình vào loại khá giả, Long rất chăm học và học rất giỏi. Năm 1967, anh là 1 trong số 20 người ở khu vực Đông Nam Á giành được học bổng Plan Colompo và lên đường đi Canada du học (trong đó, có 7 người học ở Australia, 7 người học ở New Zealand và 6 người học ở Canada). Đến Canada, anh vào học tại Đại học Bách Khoa Montreal với chuyên ngành Hóa học. Thời ấy, sống xa nhà đối với anh như là một cực hình vì thức ăn nơi xứ người không hợp khẩu vị và món ăn anh khoái khẩu là chả không thể tìm ra (do người Việt sống ở Canada lúc đó rất ít).
Thế rồi, thỉnh thoảng anh lại viết thư về nhà để nhờ mẹ mua chả gửi qua ăn cho đỡ nhớ. Món chả là một thực phẩm không để lâu được và cũng rất khó bảo quản, nên để gửi qua được đến Canada, mẹ anh phải kho "mặn thiệt mặn", bỏ vào trong lon niềng chặt. Canada là một quốc gia kiểm soát về an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, để có một ít chả ăn cho đỡ ghiền mẹ của anh đã phải gói ghém, giấu thật kỹ mới đến được tay anh. Mỗi lần nhận được chả kho mặn gửi sang, anh lại chia cho mỗi bạn học người Việt một ít, ai cũng rất thích thú, dù mỗi người chỉ được nếm một miếng nhỏ bằng 2 ngón tay, anh bảo: "Vì tất cả hồn Việt nằm trong đó". Cũng từ đó anh có biệt danh Long "chả".
Sau khi học xong ra trường, anh lại làm nghề trái với những gì đã học, anh làm thợ điện, cơ khí, rồi vi tính... Nỗi nhớ quay quắt về quê hương, về người mẹ đã già, về những miếng chả kho mặn ngày xưa cứ thôi thúc anh quyết tâm sản xuất cho được sản phẩm quê hương ngay tại Canada. Vậy là anh bắt đầu tìm tòi và bước vào một cuộc khảo cứu, một bước ngoặt của cuộc đời, bước ngoặt đem lại cho anh sự thành công trên mảnh đất xứ người.
May mắn cho anh khi trong đám bạn du học có những người là hậu duệ của những lò giò chả nổi tiếng ở Sài Gòn, Hà Nội như Phú Hương, Ngọc Hương... Họ đã chỉ vẽ cho anh từng chút một, từ chỗ chẳng biết gì đến lúc anh rành "sáu câu" về nó.
Lúc đầu khó khăn lắm, anh kể, vì ở Canada đâu có thịt nóng. Tất cả sản phẩm ở các lò giết mổ gia súc, gia cầm đều được đông lạnh. Thịt đã đông lạnh thì không làm chả được, rồi việc làm giò chả ở Canada cũng không thể làm thủ công vì như thế không đảm bảo tiêu chuẩn gắt gao về an toàn thực phẩm. Anh đã lập hẳn một kế hoạch với đề án chi tiết để trình Chính phủ duyệt cho anh được mua thịt nóng từ các lò giết mổ và sản xuất theo quy trình kiểm soát gắt gao của Bắc Mỹ. Sau một năm kinh doanh, tổng kết lại anh thấy không có lợi vì phải sử dụng nhiều nhân công, lại chỉ tập trung làm việc tối đa vào lúc thịt heo còn nóng ngay khi về đến xưởng.
Chính vì vậy, anh lại bước vào một cuộc nghiên cứu mới. Anh vận động Chính phủ tài trợ để nghiên cứu đề án "Quy trình kết nối tế bào các protein của thịt", hay nói một cách dễ hiểu hơn là biến thịt lạnh thành thịt nóng, và từ thịt nóng biến thành giò chả. Cuối cùng thì ngân sách khảo cứu của Bộ Thực phẩm và phát triển Canada đã tài trợ để anh nghiên cứu. Chín tháng miệt mài nghiên cứu, anh đã hoàn thiện được quy trình kết nối các tế bào protein thịt bằng cách kích hoạt các phân tử PH trong các tế bào. Các tài liệu nghiên cứu này hiện nay có trong các trường đại học ở Canada để sinh viên ngành hóa, thực phẩm học tập. Từ nguyên lý đó, anh tiếp tục mày mò thiết kế các loại máy móc ứng dụng chế biến thành công những sản phẩm đầu tiên theo công nghệ mới.
Đến năm 1988, anh mua lại công ty thực phẩm Viande Bovin Canada để thành lập Long Phụng Food Canada và thị trường hải ngoại bắt đầu biết đến sản phẩm Việt Nam của anh. Không lâu sau đó, anh tiếp tục mua thêm xưởng chế biến (diện tích 10.000m2) của siêu thị Fiesta ở Houston, Texas (Mỹ).
Năm 2002, một nhà máy mới nữa của anh được xây dựng ở tại Việt Nam: Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Chỉ mới chính thức tham gia thị trường trong nước khoảng 10 tháng, sản phẩm của anh đã có mặt ở tất cả hệ thống siêu thị, chợ trong thành phố và khắp các tỉnh thành miền Tây.
Tham quan nhà máy của anh ở Việt Nam, nhiều người (trong đó có cả những chuyên gia nước ngoài) không khỏi ngạc nhiên vì anh tốn nhiều tiền cho việc thiết kế nhà máy hoàn toàn bằng kim loại không rỉ sét (inox), đến ngay cả trần của nhà máy cũng vậy. Tất cả đều theo một quy trình sản xuất khép kín, một chiều theo tiêu chuẩn HAACP.
Anh tâm sự: "Tôi muốn bán cho những người Việt sống xa xứ sản phẩm mang hồn Việt, còn bà con trong nước là sự an toàn trong vệ sinh thực phẩm". 18 năm miệt mài chăm chỉ giới thiệu giò chả Việt Nam ở xứ người, anh đã có được một thành quả đáng nể. Chỉ tính riêng ở Canada đã có đến 150 ngàn người gốc Việt Nam và người Canada ở Montreal, Toronto, Vancouver... biết đến sản phẩm giò chả Long Phụng. Số lượng này gấp 4 lần ở Mỹ, đã có trên 180 siêu thị bán sản phẩm giò chả Long Phụng tại Hoa Kỳ.
Khi được hỏi đến dự tính trong tương lai, anh cho biết: "Tôi muốn xuất khẩu thêm nhiều thực phẩm chế biến từ hải sản và giò chả chay từ đậu nành ra các nước trên thế giới"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận