![]() |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Hoa Vương chỉ muốn ở nhà một mình xem tivi, đọc truyện hoặc nói chuyện một mình với gấu bông hoặc bé gái 3 tuổi con nhà cậu… Khi đến Trung tâm tham vấn tâm lý em ít biểu lộ cảm xúc, ít nói và ngại tiếp xúc với các chuyên gia tại trung tâm, chỉ nói chuyện với mẹ. Mẹ em cho rằng những biểu hiện xa lánh mọi người, chơi một mình, ít để ý đến mọi chuyện xung quanh có từ khi em còn rất nhỏ. Khi bắt đầu vào lớp 10, thay đổi môi trường học tập mới, các triệu chứng đó mới gia tăng, vào lớp 10 được nửa học kỳ em định nghỉ học và chỉ ở nhà không ra ngoài đường cũng như không nói chuyện với ai.
Hoa Vương đã mắc chứng rối loạn nhân cách khép kín. Em là một trong hàng trăm thanh niên mắc chứng rối loạn này được đưa đến khám và điều trị tại khu tham vấn tâm lý, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, Biên Hòa, Đồng Nai.
Không bạn bè
2‰ Rối loạn nhân cách khép kín thường khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên và tuổi thanh niên, vì thế người ta không chẩn đoán rối loạn nhân cách trước 16-17 tuổi. Tỉ lệ mắc trên thế giới là khoảng 2,3%, còn tại VN theo điều tra của ngành tâm thần học là 0,2-0,5% dân số. |
Rối loạn nhân cách nói chung và rối loạn nhân cách khép kín nói riêng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các nhà sinh lý học thần kinh, đặc biệt là I.P. Pavlov, rối loạn nhân cách là do tư chất bệnh lý của mỗi cá nhân trong hoạt động thần kinh cao cấp, có thể do một bệnh bẩm sinh của bào thai hoặc do một bệnh mắc phải ở những điều kiện sống không thuận lợi.
Bên cạnh đó, các tác nhân có hại như : giang mai, nghiện rượu, thụ thai khi bố hoặc mẹ đang say rượu, các chấn thương sản khoa, nhiễm khuẩn hay nhiễm độc từ trong bào thai hay lứa tuổi nhũ nhi đã gây ra rối loạn phát triển chức năng của não, dần dần làm thay đổi nhân cách của trẻ. Rối loạn nhân cách bẩm sinh cũng có thể do yếu tố di truyền.
Các yếu tố tâm lý như: sự giáo dục không hợp lý và thiếu tế nhị của gia đình, những tác động không lành mạnh, không phù hợp với lối sống có văn hóa của môi trường tự nhiên và xã hội, các stress kéo dài, làm cho sự phát triển tâm thần ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên bị lệch lạc… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nhân cách bệnh lý.
Rối loạn cả đời
Rối loạn nhân cách khép kín là rối loạn cả cuộc đời, các triệu chứng rất khó cải thiện. Do vậy việc phòng tránh các triệu chứng rối loạn này là cực kỳ quan trọng, tuy nhiên việc phòng tránh chỉ áp dụng với các nguy cơ xã hội và căn nguyên tâm lý. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân mắc chứng rối loạn này rồi thì việc chẩn đoán cũng rất khó khăn, việc chẩn đoán phải được các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý lâm sàng có kinh nghiệm thực hiện.
Điều trị rối loạn này phải sử dụng cơ chế bù trừ kết hợp, sử dụng liệu pháp tâm lý, giáo dục, lao động cùng các thuốc an thần kinh điều trị triệu chứng kích động, lo âu, trầm cảm. Tuy nhiên, với các rối loạn này điều trị tâm lý có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận