![]() |
Trương Cảm đang khum tay gọi chim trên Hải Vọng đài |
Ngồi bên vách đá tôi hỏi Cảm: “Anh vào nghề kiểm lâm tự bao giờ?”; Cảm trả lời: “Từ lúc thôi làm lâm tặc”...
Cảm kể hồi nhỏ anh mê ngồi dưới tán rừng để nghe chim hót. Nghe đến mức nghiện luôn tiếng chim. Dần dần anh tự học cách “hót” của các loài chim. Thấy Cảm có khiếu, cha anh bắt anh làm “chim mồi” dùng tiếng hót để dụ chim về cho ông bẫy. Hót có vẻ giống chim, vậy là ông bảo anh ngồi làm con mồi hót... dụ những loài chim hiếu bạn.
Ngày ấy bẫy chim về, con nào hót hay, dê nuôi thì cha anh bán cho dân chơi, con nào không hót được thì bán cho dân nhậu... Cứ thế cuộc sống của gia đình anh trôi qua nhờ chim chóc của rừng.
Một chiều cuối đông năm 1985, trong lúc đang tìm cách gạ bán hai con trĩ sao ngay trước Nhà văn hóa trung tâm TP Huế thì Cảm bị kiểm lâm bắt. Sau khi hỏi xong cách nuôi chim trĩ, các kiểm lâm viên đã chở Cảm ra bến xe để anh về nhà.
Cuối năm đó, đang lúc làm đồng, một người lạ mặt tìm hỏi Cảm: “Có theo anh về làm không?!”. “Nhưng làm cái chi mới được?”. “Vô rừng Bạch Mã nuôi chim”. Đó chính là ông Huỳnh Văn Kéo - giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã bây giờ. “Cậu bé rừng xanh” 17 tuổi trở thành kiểm lâm từ đó.
Cảm dùng tay úp vào miệng bắt đầu giả giọng chim hót. Tiếng hót của Cảm lúc bổng lúc trầm, lúc rộn ràng lúc lạc lõng giữa rừng xanh. “Hót” được một hồi, Cảm dừng lại nghe ngóng, độ chừng dăm phút chúng tôi nghe tiếng hót đáp trả của loài chim khướu và nhìn thây một đàn khướu bạc má (loài chim có chấm trắng hai bên má) đang tụ tập về một nhánh cây. Ra dấu im lặng, Cảm tiếp tục gọi chim.
Lần này chúng tụ về từng đàn với tiếng ríu rít xé toang bầu không khí trầm buồn thâm u của rừng già. “Khướu là loài chim hót hay và siêng hót nhất trong số các loài chim đấy” - Cảm bảo. Khi nhìn thấy một con chim lạ bay vụt qua đỉnh đầu, Cảm khum tay tạo ra tiếng gọi bạn tình của chim cu rúc, nhưng loài chim này chỉ hứng tình vào buổi sáng nên nó không mặn mà lắm với tiếng gọi của anh lúc xế chiều.
Đứng trước Hải Vọng đài, Trương Cảm đã hót cho tôi nghe tiếng của nhiều loài chim khác nhau từ cu cu, cuốc, bìm bịp, gà lôi lam... Tất cả tiếng hót của mỗi loài đều được anh đặt vào một hoàn cảnh nhất định (như gọi bạn tình, thách đấu, lạc đường, tranh chấp lãnh thổ, lẻ loi, báo tin dữ...), lúc da diết, lúc hốt hoảng, lúc hừng hực... Chỉ nghe giọng điệu và cái nhìn trìu mến với chim cũng đủ biết Cảm yêu rừng đến mức nào.
Vừa dẫn tôi đi Cảm vừa bảo: “Trong 333 loài chim ở vườn quốc gia này, tui gọi được hơn 200 loài”. Không những gọi được chim mà Cảm còn hiểu rõ tập tính của chúng. “Ma mãnh, đẻ mà không làm tổ là tu hú, bìm bịp, chim “bắt cô trói cột"... Loài dũng mãnh và có tính cộng đồng cao là chim chơrao (còn gọi là chèo bẻo). Loài chim “đa thê” nhất là trĩ, ngược lại loài khướu lại rất chung tình.
“Năm 1993, khi đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Nông lâm Huế, tui nhận được học bổng và đi tu nghiệp một thời gian ở Pháp. Tại đây, tui đã có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn âm vực của các loài chim rừng”. Sau chuyến xuất ngoại ấy, hành lý mang về của Cảm không gì khác ngoài đống sách chuyên về đời sống sinh tồn của các loài chim và thảm thực vật...
Điều khiến nhiều người tâm phục “nhà điểu học” này là không những anh giả được tiếng của hơn 200 loài chim, mà hàng trăm họ cây rừng ở Bạch Mã này anh đều thuộc như lòng bàn tay. Nào là ngũ da bì, thổ phục linh, thạch xương bồ, bướm bạch, bạch hoa thiết xà thân thảo..., mỗi loại cây chế ra được một loại thuốc. “Rừng mình là một kho thảo dược khổng lồ. Trong số 600 loài thực vật có mặt tại Bạch Mã thì có đến 338 loài dùng trong y dược” - Cảm nói đầy hãnh diện...
Cảm bảo để có được tình yêu với rừng như vậy, anh đã phải nhiều đêm sám hối với cỏ cây muông thú. Đứa con trai đầu lòng của anh được đặt tên là Lâm. Đang cười, thốt nhiên anh khum tay đưa lên miệng thổi “cheo pheo... eo”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận